Xem nhanh
Mặc định người dùng luôn đặt tên cho ổ đĩa cài Windows là ổ C. Và lý do cho việc này chính là những ổ đĩa mềm được sử dụng từ những năm 1950.
Từ xưa đến giờ, dường như “C” là mặc định để đặt tên ổ cứng trên rất nhiều máy tính hiện nay, đặc biệt là những máy Windows. Thậm chí, ổ “C” còn được ngầm định là nơi phải cài hệ điều hành. Ngay từ thời MS-DOS bắt đầu phổ biến thì đây dường như đã trở thành một luật bất thành văn. Bất kể là máy tính hoàn toàn mới, hay được các kỹ thuật viên lắp ráp thì đều chọn ký tự C đặc biệt này.
Nhưng tại sao lại có sự mặc định này?
Câu hỏi gồm có 2 phần: nguồn gốc của việc dùng chữ cái để gọi tên ổ đĩa trên Win và nguyên nhân của việc dùng chữ C. Mình sẽ đi vào phần đầu tiên, mời ngược dòng thời gian nhé.
Nguồn gốc việc dùng chữ cái để đặt tên ổ đĩa trên Windows?
Ý tưởng dùng những chữ cái đơn giản để gán và gọi tên cho những thiết bị lưu trữ khác nhau đã được hình thành từ hệ điều hành VM do IBM phát triển hồi những năm 1960. Bắt đầu từ CP-40 và CP/CMS và những phiên bản tiếp theo đều sử dụng cách làm này.
Đáng chú ý hơn là hệ điều hành CP/M do hãngDigital Research Inc (DRI) phát triển sau đó cũng dùng các chữ cái để đặt tên cho thiết bị lưu trữ. Trong những phiên bản đầu tiên của CP/CMS, phần lớn chữ cái được dùng để chỉ các ổ đĩa logic. Tuy nhiên, các phiên bản tiếp theo của CP/M đã bắt đầu dùng chữ cái để chỉ thiết bị lưu trữ vật lý.
Vào năm 1980, câu chuyện bắt đầu có bước chuyển mình quan trọng. Khi đó, hệ điều hành CP/M của IBM đã bắt đầu được sử dụng phổ biến cùng những chếc máy tính cá nhân do họ phát triển.
Bấy giờ, IBM muốn thỏa thuận với DRI để được cấp quyền cài CP/M-86 (phiên bản thứ 4 của HĐH này) cho máy tính cá nhân của IBM. Tuy nhiên, kết quả của cuộc đàm phán đã không thành công dù tới bây giờ người ta vẫn chưa biết được chính xác nguyên nhân.
Theo một số dự đoán, người ta cho rằng cuộc đàm phán đổ vỡ là do Dorothy Kildall (vợ của Gary Kildall, kỹ sư tạo ra CP/M) đã không chịu ký vào một bản thỏa thuận mật do IBM đưa ra vào lúc bắt đầu đàm phán. Dorothy được cho bà chỉ ký sau khi nói chuyện với chồng bà, nhưng lúc đó Gary đã đi công tác.
Cho tới bây giờ, người ta vẫn còn hoài nghi về động thái này của Gary vì không lý gì ông lại đi công tác trong thời điểm quan trọng và chỉ để vợ mình ở nhà giải quyết.
Mọi chuyện tiếp theo đó càng không rõ ràng hơn. Sau khi đi công tác về, Gary Kildall đã tuyên bố đổ lỗi cho IBM, cho rằng hãng này đã không tôn trọng thỏa thuận trước đó.
Gary Kildall cho biết là trọng một chuyến đi nghỉ mát với vợ chồng Jack Sams, đại diện của IBM, 2 bên đã cùng nhau đi tới 1 thỏa thuận miệng. Tuy nhiên, phía Sams cho biết rằng điều đó không hề xảy ra. Chuyện đó có thể mãi là bí ẩn.
Cuối cùng, IBM đã từ bỏ khoảng thỏa thuận với CP/M, và chuyển sang sử dụng hệ điều hành thay thế là 86-DOS của Microsoft. Không lâu sau đó, Microsoft cho ra đời 86-DOS để cài đặt trên những chiếc PC mới của IBM và dưới một thương hiệu hoàn toàn mới – như một dấu chỉ cho sự hợp tác giữa 2 bên – PC DOS bởi IBM.
Do được phát triển sau CP/M (lúc đó đã phổ biến) nên 86-DOS cũng mang nhiều yếu tố vay mượn từ CP/M. Bằng cách này, họ có thể cho các gói phần mềm chạy trên CP/M cũng có thể được chuyển sang Ms-DOS và dễ dàng sử dụng trên máy IBM mới.
Và một trong những yếu tố vay mượn đó, bao gồm cả lược đồ dùng chữ cái tương ứng với các ổ đĩa. Tới đây, chúng ta đã trả lời được 1 nửa câu hỏi ban đầu, nguồn gốc việc dùng chữ cái để đặt tên ổ đĩa trên Windows – với Windows 10 bây giờ là cháu chắt của cụ tổ 86-DOS. Bây giờ chúng ta sẽ giải quyết câu hỏi: “Tại sao lại là chữ C?”
Tại sao lại chọn chữ C?
Trong khoảng những năm 1950, những chiếc máy tính cá nhân thường không đi kèm với thiết bị lưu trữ do giá thành của nó vẫn còn quá đắt đỏ.
Thay vào đó, người ta thường sử dụng ổ đọc đĩa mềm và các bạn 8X hoặc 9X đời đầu chắc vẫn còn nhớ chứ: ổ đĩa mềm được đặt là ổ A trong Windows hoặc một số hệ điều hành khác cũng vậy. Trong một số hệ thống, người ta dùng tới 2 ổ đĩa mềm và tất nhiên, 1 ổ đặt tên là A, còn ổ còn lại là B. Tới đây, 2 chữ cái A và B đã bị chiếm giữ.
Khi ổ cứng trở dần có giá dễ chịu hơn và trở thành một tiêu chuẩn trong máy tính cá nhân vào những năm 1980, do 2 chữ cái đầu tiên đã bị chiếm giữ (và vẫn còn được sử dụng) nên theo logic, người ta sẽ đặt tên cho ổ cứng là “C”. Cho tới bây giờ thì ổ đĩa mềm không còn ai dùng nữa, nhưng logic này đã bám sâu trong nhiều thập niên qua và người ta vẫn dùng chữ cái C để đặt tên cho ổ cứng, bao gồm cả ổ chứa hệ điều hành.
Dĩ nhiên thì ngày nay, chúng ta không còn bị mắc kẹt trong “luật” ổ A phải là đĩa mềm, ổ “C” phải là ổ cài Win và ổ “D” để chứa data như xưa nữa.
Với quyền quản trị, chúng ta hoàn toàn có quyền định dạng, đặt tên, chọn bất cứ ký tự nào tùy thích cho các ổ cứng và phân vùng trên máy tính. Tuy nhiên, những điều đó đã quá quen thuộc với gần như tất cả người dùng trên khắp thế giới, khi nhắc tới ổ C, người ta nghĩ ngay tới hệ điều hành nên tâm lý đó luôn được duy trì cho đến hiện tại.
Một số sự thật thú vị
- Đặc biệt, riêng hệ điều hành trên nền UNIX (và những hệ điều hành giống nó, như Linux) không sử dụng các chữ cái để đặt tên ổ đĩa mà thay vào đó là sắp xếp theo thứ bậc. Thí dụ như gốc của hệ thống phân cấp chỉ đơn giản là “/” (thay vì C: như của Windows). Còn “/home” sẽ được dùng để chỉ ổ đĩa vật lý (hoặc logic) gắn kết vào trong sơ đồ phân cấp của hệ thống tại một thời điểm nào đó.
- Hệ điều hành MS-DOS không phải lúc nào cũng sử dụng ổ C để làm ổ mặc định cho hệ điều hành. Điển hình như trên máy tính PC Apricot giới thiệu hồi năm 1983, ký tự “A” và “B” được đổi sang đặt tên cho ổ cứng, còn “C” và “D” để chỉ cho ổ đĩa mềm.
Theo: tinhte