Nếu là một doanh nhân, bạn đã bao giờ đánh lừa khách hàng một cách có chủ đích chưa? Steve Jobs đã làm vậy, và ông làm vậy để thay đổi thế giới.

Ngày 9/1/2007, Apple đã đánh lừa cả khán phòng và điều đó đã giúp thay đổi cả thế giới
Steve Jobs tại buổi ra mắt chiếc iPhone đầu tiên.

Câu chuyện đưa chúng ta quay ngược thời gian về năm 2007, vào khoảnh khắc mà Apple ra mắt chiếc iPhone đầu tiên trên thế giới. CEO đương thời của Apple biết rằng mình đang sở hữu trong tay sản phẩm có-một-không-hai và sẽ gây tác động rất lớn tới cách mà con người sử dụng công nghệ – cũng như tác động khổng lồ tới lợi nhuận của công ty trong tương lai.

Tuy nhiên, Steve Jobs có một vấn đề lớn chưa giải quyết được: iPhone lúc đó chưa tồn tại. Ấy vậy mà tháng 1 năm đó, ông dự định sẽ trình diễn demo iPhone tới khán giả tại hội thảo Macworld của Apple – vốn dĩ có sự tham gia của rất nhiều khách hàng, đối tác làm ăn, báo chí công nghệ và…cả thế giới, và tất cả những gì ông có trong tay là một mô-đen sản phẩm lỗi, chưa hoàn thiện cùng một vài ý tưởng lớn. Vậy Jobs đã làm gì? Ông quyết định đánh lừa cả khán phòng.
Theo nhà báo Shawn Knight của Techspot, tại thời điểm ra mắt, iPhone “đầy rẫy lỗi vặt”. Vậy đó là những lỗi gì? “Ví dụ, điện thoại có thể phát một đoạn ngắn nhạc hay video nhưng không thể phát cả clip mà không bị crash. Nếu bạn gửi email và rồi chuyển sang lướt web thì được, nhưng làm hai tác vụ này theo thứ tự ngược lại và điện thoại sẽ crash” – Knight viết.

Ngày 9/1/2007, Apple đã đánh lừa cả khán phòng và điều đó đã giúp thay đổi cả thế giới

Không nao núng, Jobs yêu cầu đội ngũ phát triển iPhone đưa ra một biện pháp “đi vòng” giúp ông trình diễn màn demo thành công trước khán giả. Đội ngũ phát triển đã phải tạo ra “golden path” – cơ bản là một trình tự thao tác các chức năng được lập trình từng bước một để Jobs chỉ việc làm theo trên sân khấu trong buổi demo mà không gặp bất cứ trục trặc kỹ thuật nào. Chưa dừng lại ở đó, Jobs tiếp tục yêu cầu các lập trình viên “hack” chiếc iPhone sao cho màn hình điện thoại luôn hiển thị 5 vạch sóng đầy để phô diễn sức mạnh kết nối không dây của thiết bị, mặc dù tín hiệu thực lúc đó yếu hơn rất nhiều.

Nhưng điều đó chưa phải là tất cả. Dù đã hết sức chuẩn bị, các nhà phát triển vẫn chưa thể khắc phục được lỗi quản lý bộ nhớ, khiến iPhone liên tục restart khi tràn RAM. Cách giải quyết là đặt trên sân khấu vài chiếc iPhone để Steve Jobs có thể luân chuyển thường xuyên qua các màn demo.

Cuối cùng, sau 5 ngày “tập duyệt” căng thẳng, màn trình diễn 90 phút của Apple đã trôi qua không một vết xước, và không lâu sau đó Apple đã làm nên lịch sử. Nó thực sự là một “phép màu”, nhưng không phải theo cách chúng ta vẫn nghĩ.

Rõ ràng rằng, tại thời điểm đó Jobs không hoàn toàn tự tin vào tất cả những tính năng ông hứa hẹn với thế giới về chiếc iPhone trên sân khấu. Nhưng ông vẫn làm tới với màn trình diễn của mình. Tại sao vậy? Có lẽ vì ông tin rằng mình đang làm điều đúng đắn, và rằng ông sẽ thay đổi cả thế giới.

Góc quảng cáo