Chỉ cần bỏ ra 1,5 triệu đồng/năm, nhiều người đã không ngại quấy rầy cộng đồng người dùng Facebook Việt bằng chiêu spam tin nhắn quảng cáo như bán sim, bất động sản, bán shop….
Gần đây, những người dùng Facebook dễ tính cũng có thể trở nên bực bội khi mỗi sáng thức dậy, có cả chục cái tin nhắn rao bán SIM, bất động sản, quần áo… dội vào hòm thư của họ.
“Xin chào Hoàng Vân, mình là xxx… bên mình đang có bán những SIM đẹp này, liên hệ… cảm ơn và xin lỗi đã làm phiền bạn”, đây là một dạng tin nhắn điển hình, lặp đi lặp lại mỗi ngày và có thể làm người được nhận trở nên thiếu bình tĩnh.
“Ngày nào em cũng nhận được hàng chục tin nhắn bán đồ trên Facebook từ những người không quen biết, mỗi lần nhận được là lại báo cáo spam, block nick… nhưng bọn này quá đông, không thể nào giải quyết được”, Thu Ngân (sinh viên Học viện Ngân hàng, Hà Nội) cho biết.
Không chỉ có Ngân và không chỉ có sinh viên nhận được dạng tin nhắn kiểu này mà nạn spam trên Facebook đang không chừa một ai.
Tình trạng spam đang diễn ra vô tội vạ trên mạng Facebook hiện nay – Ảnh: Thành Lương
Đến chuyên gia bảo mật của FPT là ông Nguyễn Minh Đức cũng chỉ đưa ra được phương án hạn chế về quyền tương tác giữa người dùng trên Facebook với nhau, để hạn chế việc nhận tin rác và chưa có biện pháp kỹ thuật nào để hạn chế nạn xả rác tin nhắn đang hoành hành này.
Trong vai một người dùng có nhu cầu sử dụng dịch vụ nhắn tin hàng loạt đến các khách hàng, phóng viên liên hệ với Trần Lâm của Công ty ATP… (Quận 9, TP.HCM), đây là công ty đang rao bán các phần mềm sử dụng cho các mục đích tiếp cận khách hàng của những người có nhu cầu kinh doanh.
Công ty của Trần Lâm hiện bán phần mềm được gọi là Super Inbox với giá là 1,5 triệu đồng/năm, hỗ trợ về kỹ thuật 24/24 khi xảy ra sự cố.
Trần Lâm cũng xuất hiện trong một video hướng dẫn sử dụng phần mềm spam inbox – Ảnh: Facebook nhân vật
Lâm cho biết, công ty mà mình làm việc đã thành lập được 3 năm nay và cam kết phần mềm sẽ hoạt động trơn tru, mỗi ngày có thể gửi hàng chục nghìn tin nhắn đến người dùng khác nhau.
“Ban đầu, anh nên dùng một tài khoản khác để inbox cho khách hàng, bên em sẽ tặng cho anh vài cái tài khoản chứ mình dùng tài khoản của mình thì bị người ta report khá nhiều cũng bị khoá”.
Không chỉ có công ty nói trên của Trần Lâm, những công ty khác bán phần mềm spam hay có cái tên mỹ miều hơn là “gói giải pháp marketing trên mạng xã hội” nhan nhản, với giá thuê bao dịch vụ khoảng 100.000 – 200.000/tháng.
Người dùng Facebook đang bức xúc với nạn rao SIM vào hòm thư – ảnh: Facebook
Dũng, nhân viên một công ty bán phần mềm spam trên nền Internet có địa chỉ tại Hoàng Quốc Việt, Hà Nội, tư vấn: Hiện công ty có bán phần mềm có tên gọi V-xx có tính năng tự động mời bạn bè vào group, tự động commnet các status của người dùng hoặc tự động inbox.
Gói dịch vụ này bên Dũng cung cấp có giá 1,5 triệu đồng/năm, Dũng nói rằng công ty mình chỉ bán phần mềm còn việc sử dụng như thế nào thì là chuyện của người dùng, nếu tài khoản của người dùng vi phạm chính sách của Facebook mà bị khoá thì công ty cũng không chịu trách nhiệm.
Đầu tháng 11, Facebook đã công bố về các chỉ số trong quý 3/2015, theo đó họ đang có 1 tỷ người dùng tích cực/ngày, doanh thu 4,5 tỷ USD tăng 40% so với năm 2014. Tổng số lợi nhuận của Facebook trong quý 3 là 896 triệu USD, trong đó doanh thu trên mỗi người dùng châu Á – Thái Bình dương là 1,39 USD.
Như vậy, mỗi người dùng Facebook vừa là khách hàng, vừa là những người đang kiếm tiền cho mạng xã hội này. Tuy nhiên, những biện pháp đảm bảo một môi trường sử dụng lành mạnh cho Facebook đang hoạt động không hiệu quả.
“Rõ ràng Facebook đang thiếu trách nhiệm trong việc quản lý môi trường sử dụng cho người dùng, bạn cứ thử nghĩ thứ 2 đầu tuần thức dậy với tâm lý chuẩn bị cho một tuần làm việc căng thẳng với đủ lo âu, điều đầu tiên mà bạn nhận trong buổi sáng lại là một cái tin nhắn chào mời mua SIM, mua nhà, mua đủ thứ từ những người không quen biết, liệu bạn có đủ bình tĩnh để không cáu tiết?”, một người dùng Facebook bức xúc.
Theo ICTnews