Liệu chế độ chụp chân dung theo phong cách Leica của Huawei P10 có thể vượt mặt iPhone 7 Plus?

So sánh chế độ chụp chân dung giữa Huawei P10 và iPhone 7 Plus.

Vào hôm Chủ Nhật tại sự kiện MWC 2017 vừa qua, CEO của Huawei, Richard Yu, đã liên tục nhắc đi nhắc lại một cụm từ đặc biệt khi nói về camera của chiếc điện thoại P10: “Chụp chân dung theo phong cách Leica”. Huawei đã tích hợp chế độ chụp chân dung vào chức năng chụp ảnh trong những chiếc smartphone của mình và bắt đầu hợp tác với Leica vào năm ngoái, nhưng với chiếc điện thoại P10 vừa ra mắt thì công ty đã chia sẻ là đang cải tiến kỹ thuật của camera để đưa chế độ chụp chân dung lên một tầm cao mới.

YouTube video

Giống như iPhone 7 Plus, P10 kết hợp phần mềm và một camera kép để mô phỏng các độ sâu trường ảnh mà bạn thường hay thấy trên những chiếc máy ảnh đắt tiền. Công nghệ này rõ ràng rất hấp dẫn, nó có thể thay đổi tương lai của nhiếp ảnh. Nhưng hiện tại thì công nghệ của Huawei và Apple lại có những ưu nhược khác nhau.

Huawei P10 có hai cảm biến camera ở mặt sau: một cảm biến 12 megapixel chụp được ảnh màu và một cảm biến 20 megapixel chỉ chụp được ảnh đơn sắc. Cả hai đều có tiêu cự là 27mm với ống kinh có độ mở là f/2.2, mang nhãn hiệu của dòng lens Summarit huyền thoại của Leica.

Cả hai camera sẽ hoạt động cùng nhau để tạo ra một bức ảnh duy nhất, cách chụp này hiệu quả hơn so với chỉ có một camera hoạt động. Trong lúc chụp, cảm biến đơn sắc sẽ ghi nhận nhiều chi tiết hơn. Ở chế độ chân dung, hai camera sẽ kết hợp tạo ra một hình ảnh 3D của khuôn mặt chủ thể, và sử dụng nó để chỉ ra phần nào của bức ảnh nên được lấy nét.

Đó cũng là cách mà chức năng chụp ảnh của iPhone 7 Plus hoạt động, nhưng với cách thiết lập khác hẳn. iPhone có một camera chính 12 megapixel có ống kính tiêu cự tương đương 28mm với độ mở khẩu là f/1.8, trong khi camera phụ thì có tiêu cự tương đương 56mm với độ mở khẩu nhỏ hơn là f/2.8 và không tích hợp tính năng chống rung.

Chiếc iPhone có thể chuyển sang camera phụ để chụp chi tiết chủ thể rõ hơn tùy vào môi trường ánh sáng; đồng thời chế độ chân dung chuyên dụng của iPhone cũng đòi hỏi bạn phải chuyển sang sử dụng ống kính tiêu cự dài hơn (ống kính có tiêu cự trên 50mm thường được gọi là ống kính có tiêu cự dài).

Vậy thì chiếc điện thoại nào sẽ thể hiện tốt khả năng chụp chân dung của mình hơn?

Dưới đây là loạt ảnh chụp từ 2 chiếc điện thoại, với phía tay trái là từ iPhone 7 Plus và bên phải là ảnh chụp từ Huawei P10. Tất cả ảnh được chụp đều được xuất ra thẳng từ điện thoại và đều không qua xử lý hậu kỳ.

So sánh chế độ chụp chân dung giữa Huawei P10 và iPhone 7 Plus.

Đây là bức ảnh chụp ngoại cảnh trong khuôn viên của MWC 2017 tại Barcelona, iPhone 7 Plus hoàn toàn qua mặt P10 trong cuộc so tài này. Nhờ tiêu cự dài 56mm của camera phụ của iPhone 7 Plus tạo ra góc nhìn phẳng và hài hòa hơn, và màu sắc trung tính tự nhiên hơn nhiều so với màu sắc hơi rực rỡ của Huawei.

So sánh chế độ chụp chân dung giữa Huawei P10 và iPhone 7 Plus.

Bước vào bên trong nhà thì iPhone bắt đầu thể hiện những hạn chế của nó. Nó vẫn chụp được một bức hình chân dung cân đối về bố cục, nhưng vì khẩu độ nhỏ hơn và không có tính năng chống rung nên iPhone khó có thể chụp ra được một bức ảnh có cùng độ phơi sáng như P10. Ảnh của P10 đã thể hiện tốt khi xóa phông mịn một background khá rối ở đằng sau mà vẫn tự nhiên dù camera của P10 là một ống kính góc rộng.

Tuy việc xử lý màu sắc trên P10 vẫn còn khá rực, nhưng màu sắc của bức ảnh vẫn hài hòa khi màu ảnh chụp ra nhìn trong giống một cuốn phim đã qua xử lý, trong khi ảnh từ iPhone vẫn trung tính về màu sắc. Và iPhone thì lại tỏ ra đuối sức với việc tách chủ thể ra khỏi hệ thống dây cáp và giàn treo phía sau.

So sánh chế độ chụp chân dung giữa Huawei P10 và iPhone 7 Plus.

Bức ảnh này được chụp ở một nhà hàng có điều kiện ánh sáng yếu. Chủ thể có bố cục hoàn hảo hơn trên iPhone, trong khi ống kính góc rộng của P10 lại bắt chúng ta phải đưa máy tới gần chủ thể hơn, điều này làm tấm ảnh bị biến dạng đi một chút. Nhưng với khẩu độ nhỏ hơn nên trong điều kiện thiếu sáng như thế này thì ảnh của iPhone bắt đầu xuất hiện nhiều hạt hơn.

So sánh chế độ chụp chân dung giữa Huawei P10 và iPhone 7 Plus.

Chụp ảnh đêm là ví dụ điển hình nhất về sự khác biệt giữa camera của hai chiếc điện thoại. Một lần nữa, ảnh của iPhone luôn có bố cục tốt hơn, nhưng ảnh của P10 lại nổi trội về màu sắc, độ sáng và phông nền tách biệt với chủ thể hơn,

Thao tác chụp ảnh trên iPhone mất nhiều thời gian để thực hiện, thậm chí màn trập sẽ không hoạt động trong chế độ chân dung nếu không có đủ ánh sáng, và nhiều khi nó cần phải hội đủ nhiều điều kiện để có thể chụp được một bức ảnh. Về cơ bản, Apple không muốn bạn sử dụng chế độ chân dung trong các tình huống như thế này, và dễ hiểu lý do tại sao. Qua thử nghiệm này thì P10 có một lợi thế đáng kể trong điều kiện ánh sáng tối.

So sánh chế độ chụp chân dung giữa Huawei P10 và iPhone 7 Plus.

Không giống như P10, chế độ chân dung của iPhone không có một chế độ chụp đơn sắc riêng, vì vậy để thực hiện so sánh này, tác giả bài viết đã chụp bức ảnh và sau đó áp dụng filter “Mono” (đơn sắc) có sẵn của ứng dụng camera trên iPhone. Kết quả là ảnh chụp ở iPhone tốt hơn so với P10. Ảnh của P10 bị soft một cách bất thường, và độ méo của ảnh khi chụp bằng camera góc rộng lại càng nổi bật, và background ở đằng sau không được xóa phông tốt như ở iPhone.

Lợi thế ống kinh dài của iPhone làm nổi bật chủ thể hơn so với Huawei, và khi chuyển qua đơn sắc thì chủ thể càng nổi bật hơn trong điều kiện ánh sáng yếu. Trong khi chế độ chụp chân dung đơn sắc của Huawei không hẳn lúc nào nhìn cũng như thế này. Sau đây là một trong những bức ảnh đen trắng được chụp bởi P10 trong bài so sánh 2 camera ở nhà hàng, với độ chi tiết ấn tượng và dải tần nhạy sáng rộng.

So sánh chế độ chụp chân dung giữa Huawei P10 và iPhone 7 Plus.

Huawei P10 có vẻ đã được kỳ vọng quá cao bởi cụm từ “Chụp chân dung theo phong cách Leica”. Một ống kính 27mm không phải là một tiêu cự hợp lý để chụp chân dung, ngay cả khi gắn vào body của những chiếc máy ảnh rangefinder của Leica M. Đó cũng chính là lỗ hổng lớn nhất của P10 khi chế độ chân dung chỉ hoạt động tốt khi bạn biết nó hoạt động như thế nào.

Trong khi đó, Apple đã đưa ra một giải pháp hay hơn. Chế độ chân dung của iPhone 7 Plus có những hạn chế là do nhà sản xuất cố tình. Người dùng chỉ được sử dụng chức năng chụp chân dung trong điều kiện ánh sáng tốt – và kết quả thường rất tuyệt vời.

Ngoài chế độ chân dung, iPhone 7 Plus có tiêu cự tương đương với một góc nhìn cơ bản của các ống kính tele mà không cần phải sử dụng zoom số làm mất đi chi tiết hình ảnh. Nhưng tính năng chụp chân dung của Apple thì ít linh hoạt hơn của Huawei, và có lẽ nó không hữu ích cho nhiều người dùng. Nhưng những điều đó cũng không đáng lo ngại khi iPhone vẫn là chiếc điện thoại chụp ảnh phổ biến nhất trên thế giới.

Tất cả những điều này cho thấy là đây sẽ là một hướng đi hoàn toàn thú vị cho nhiếp ảnh di động, và chúng ta chỉ mới bước vào giai đoạn đầu với những mẫu điện thoại được thiết kế nhiều camera. Chúng ta có thể trông chờ để nhìn thấy sự trỗi dậy của nhiếp ảnh di động trong vài năm tới.

Theo TheVerge.

Góc quảng cáo