Bằng cách hợp tác với các trang kiểm tra tính xác thực của thông tin, Google hy vọng rằng vấn nạn tin giả trong thời gian qua sẽ được giảm bớt.

Tương tự như Facebook, Google cũng phải đối mặt với vấn nạn tin tức giả mạo, và hãng mới đây đã phải tìm tới sự giúp đỡ của các tổ chức có chức năng kiểm tra tính xác thực của thông tin. Dù vậy, hoạt động kiểm tra tin của Google sẽ bắt đầu ở một quy mô khá nhỏ.

Theo đó, bắt đầu từ hôm nay Google sẽ giới thiệu các thông tin phong phú hơn từ các trang kiểm tra tính xác thực như PolitiFact và Snopes, khi chúng hiển thị trong tìm kiếm và tin tức trên thế giới. Các trang này sẽ được hiển thị thông tin phong phú trên Google, trong đó bao gồm chú thích rằng một thông tin nào đó đã được đánh giá là đúng, sai, hoặc ở một mức giữa 2 mốc này.

Tuy nhiên, thứ hạng tìm kiếm của các trang kiểm chứng sự thật sẽ không được ưu tiên, và chúng cũng không được ưu tiên nằm trên top đầu của kết quả tìm kiếm. Vì vậy, dù sự thay đổi của Google sẽ giúp các trang web kiểm tra sự thật nổi bật và có cơ hội tiếp cận người dùng tốt hơn, nhưng nó không trực tiếp giúp chống lại việc kẻ xấu sử dụng nền tảng của Google để truyền bá những câu chuyện sai lệch.

Sau Facebook, Google cũng giới thiệu tính năng chống tin giả mạo trên trang tìm kiếm

Như vậy, vấn nạn tin giả có vẻ như vẫn sẽ khiến Google tiếp tục đau đầu. Dù Facebook mới là “đầu tàu” hứng chịu các búa rìu dư luận về việc để tin giả lan truyền, thế nhưng người ta phát hiện ra Google cũng để lọt rất nhiều tin tức giả mạo trên các trang của mình. Một số ví dụ như trang Google Search để tồn tại các tin nói rằng không có chuyện từng xảy ra nạn tàn sát người Do Thái vào thời Đức Quốc xã…

Google đang có những hành động để giải quyết vấn đề thông qua đội kiểm duyệt của mình. Những thay đổi hôm nay có thể giúp thúc đẩy mọi người hướng tới thông tin chính xác hơn, tuy nhiên, chúng không giúp khắc phục vấn đề bằng cách làm nổi bật những kết quả đến từ các trang kiểm tra tính xác thực tin tức, khi các trang này xuất hiện trên Google. Điều này có thể một phần bởi vì Google mong đợi một số tìm kiếm sẽ có các kết quả khác nhau từ các trang kiểm tra tính xác thực, để rồi một thông tin nào đó sẽ có các kết luận khác nhau.

Không như Facebook, Google không hợp tác với chỉ một nhóm nhỏ các tổ chức kiểm tra tin giả được chọn sẵn từ trước. Thay vào đó hãng cho phép bất kỳ tổ chức nào cung cấp các thông tin phong phú, miễn là trang web thêm một số mã (code) vào website của mình.

Google không hiển thị thông tin từ các trang cho rằng chúng kiểm tra được tính xác thực của tin. Thay vào đó, “chỉ các nhà xuất bản được thuật toán xác định là nguồn tin có thẩm quyền sẽ có đủ điều kiện để được hiển thị” – công ty cho biết trên blog, dù vậy, hãng tìm kiếm không nói rõ quy trình xác định sẽ được thực hiện như thế nào.

Nguồn: ICTnews

Góc quảng cáo