Trên thị trường di động hiện nay, số lượng smartphone sở hữu bộ nhớ trong lên đến 128GB đã trở nên ngày càng phổ biến, mà tiên phong là Apple với dòng iPhone 6 và 6+. Dung lượng lưu trữ ngày càng cao thì người dùng lưu trữ được ngày càng nhiều dữ liệu, nhưng liệu như vậy đã đủ? Hãy tưởng tượng bạn muốn chép 100GB dữ liệu vào thiết bị, và bạn phải chờ mòn mỏi suốt hàng giờ vì tốc độ quá chậm. Vì vậy dung lượng cao thôi là chưa đủ, đi kèm còn cần phải có tốc độ truy xuất dữ liệu nhanh nữa thì mới có thể đạt được hiệu quả tối đa.
Mới đây, Samsung đã chính thức giới thiệu bộ nhớ đầu tiên trên thế giới dành cho điện thoại theo tiêu chuẩn Unniversal Flash Storage 2.0 (UFS 2.0). Nếu bạn chưa biết thì những module mới sẽ có tốc độ truy xuất ngẫu nhiên lên tới 19.000 IOPS, nhanh hơn đến 2.7 lần so với những smartphone cao cấp nhất hiện đang có mặt trên thị trường, gấp 12 lần các thẻ nhớ tốc độ cao và tốc độ đọc của UFS 2.0 có thể sánh ngang với ổ cứng SSD của PC/Laptop. Đó là chưa kể, với công nghệ mới, chip flash sẽ tiêu thụ năng lượng ít hơn đến 50% so với các chip flash đang có mặt trên thị trường, đồng thời, nhờ việc cho phép ghép chồng lên các chip logic cũ, chip mới tiết kiệm được đến 50% diện tích so với các giải pháp trước đây.
Cho đến thời điểm hiện tại, Samsung chưa công bố sẽ chính thức trang bị flash UFS 2.0 trên những smartphone cụ thể nào. Nhưng theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy, rất có thể flash UFS 2.0 sẽ được trang bị trên chiếc Galaxy S6 với hai phiên bản dung lượng lưu trữ là 64GB và 128GB. Cũng theo như nguồn tin, Samsung được cho là đang sản xuất flash UFS 2.0 dung lượng 32/64GB. Nếu thông tin này chính xác thì đây là một tin rất đáng mừng vì nếu flash UFS 2.0 32/64GB được trang bị trên cả những smartphone tầm trung và giá rẻ thì trải nghiệm người dùng sẽ ngày một tăng nhờ vào hiệu năng truy xuất dữ liệu tuyệt vời.
Hãy tưởng tượng trong tương lai, khi mà các thiết bị tầm trung và giá rẻ đều có bộ nhớ trong có tốc độ truy xuất cao cùng vi xử lý tầm trung cho hiệu năng tốt cùng hệ điều hành Android phát triển ngày càng mạnh. Thì khi đó, khoảng cách giữa thiết bị với thiết bị, giữa người với người sẽ càng gần hơn. Có thể nói, công nghệ chính là con dao hai lưỡi nhưng với chiều hướng ngày càng phát triển như bây giờ, thì trong tương lai công nghệ có thể kết nối con người? Dưới góc nhìn của một người dùng thì có lẽ chúng ta cần chờ thêm một thời gian nữa để biết chính xác nhất.
Minh Nghĩa