Cuối cùng sự tồn tại của S-Fone đã có thể đi tới hồi kết khi giấy phép hoạt động của nhà mạng này đã chính thức hết hạn từ 12/9 vừa qua.
Được cấp giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất vào tháng 4/2002, Công ty CP dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) đã bước chân vào thị trường viễn thông với nhà mạng thương hiệu S-Fone. Ngày 12/9/2016 vừa qua, giấy phép này đã hết hạn, và đây cũng là thời điểm SPT có thể thở phào nhẹ nhõm khi trút được “cục nợ” đã đeo bám mình nhiều năm nay.
Theo nguồn tin của Kinh tế & Đô thị, khi giấy phép trên hết hạn, SPT cũng từng xin Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) gia hạn nhưng không được chấp nhận. Điều này đồng nghĩa với việc băng tần 850 MHz của nhà mạng này sẽ bị thu hồi, đây cũng là băng tần đang được rất nhiều “ông lớn” trong làng viễn thông Việt thèm muốn.
Nhìn vào toàn bộ quá trình phát triển của S-Fone, từ thăng tới trầm, có thể thấy đây là nhà mạng có số phận hết sức đặc biệt. Hội tụ đầy đủ điều kiện để phát triển thành nhà mạng hàng đầu Việt Nam: tiền có, công nghệ có. Nhưng chỉ sau 10 năm hoạt động đã buộc phải tồn tại với tình trạng “chết lâm sàng” trong một thời gian dài.
Chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam vào giữa năm 2003, S-Fone được hầu hết người dùng cũng như giới chuyên gia kỳ vọng sẽ phá vỡ thế độc tôn của bộ đôi “anh em” nhà VNPT là VinaPhone và MobiFone trong nhiều năm trước đó. Có đối tác chính là SK Telecom – nhà mạng hàng đầu Hàn Quốc cùng vốn đầu tư ban đầu 230 triệu USD, sau đó tăng lên hơn 540 triệu USD, là doanh nghiệp đầu tiên có khả năng cung cấp dịch vụ 3G… những yếu tố này đủ khiến ngay cả người khó tính nhất cũng tin rằng S-Fone sẽ thành công.
Thực vậy, với đầu số 095, S-Fone đã có một giai đoạn phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Tính tới đầu 2008, nhà mạng này đã có hơn 3 triệu thuê bao, mặc dù khá nhỏ bé so với VinaPhone và MobiFone tại thời điểm đó, nhưng đây cũng là con số khiến 2 “ông lớn” này giật mình.
Tuy nhiên đây cũng là “đỉnh” cao nhất mà S-Fone có thể vươn tới, và ngay sau đó quá trình lao xuống “vực sâu” đã bắt đầu. Mọi thứ cùng đồng loạt quay lưng với nhà mạng này.
Công nghệ chính của S-Fone là CDMA đã bộc lộ hàng loạt điểm yếu không thể phù hợp với thị trường Việt Nam, nơi mà GSM đang được VinaPhone và MobiFone sử dụng giữ vào trò chủ đạo. Tình trạng nghẽn, mất mạng xảy ra liên tục khiến người dùng lần lượt rời bỏ mạng di động này với số lượng lớn.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn này thị trường cũng cạnh tranh gay gắt hơn nhiều với sự xuất hiện của hàng loạt các nhà mạng khác như HT Mobile, đặc biệt là hãng viễn thông số 1 Việt Nam ở thời điểm hiện tại – Viettel. Không chỉ thế, trong cuộc đua khuyến mại ồ ạt do bộ 3 VinaPhone – MobiFone – Viettel khởi xướng, S-Fone đã ngay lập tức tỏ ra hụt hơi và bị bỏ xa lại phía sau.
Tới tháng 8/2009, sau một thời gian dài doanh thu cũng như lượng khách hàng sụt giảm mạnh, SK Telecom đã chấm dứt đầu tư vào S-Fone. Sự chia tay đã khiến S-Fone lâm vào thảm cảnh trong những năm sau đó khi liên tục nợ nần đối tác, sa thải nhân viên, cũng như buộc phải thu gọn vùng phủ sóng chỉ giữ lại ở các thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…
Vào tháng 7/2012, S-Fone đã bất ngờ ra quyết định ngừng hợp đồng với toàn bộ nhân viên, đóng cửa tất cả các điểm giao dịch, website chính thức ngừng hoạt động. Tới tháng 12/2012, lãnh đạo nhà mạng này xác nhận đã mất khả năng chi trả và rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” từ đó cho tới nay.
Đáng chú ý là tới đầu năm 2013, nhiều cựu nhân viên của nhà mạng này đã treo biểu ngữ tại chi nhánh Hà Nội nhằm đòi trả nợ lương, bảo hiểm xã hội cũng như trợ cấp thất nghiệp.
Việc bị thu hồi băng tần 850 MHz có lẽ là giải pháp tích cực nhất dành cho SPT ở thời điểm này, nhờ đó họ có thể rút chân ra khỏi “con tàu đắm” S-Fone. Tuy nhiên để giải quyết quyền lợi cho người lao động đang bị S-Fone nợ lương, bảo hiểm hoặc các khoản nợ của đối tác lại là vấn đề vô cùng phức tạp và chắc chắn SPT sẽ rất đau đầu với những khoản này.
Theo kinhtedothi