Với sự kiện ra mắt 3 smartphone đánh dấu bước chân đầu tiên vào thị trường Việt, theo mình thấy thì Realme thực sự sẽ dựa vào tên tuổi đang đứng số 2 hiện nay là OPPO.
Từ chiến lược khá tương đồng
Đầu tiên là về OPPO, thương hiệu này vào Việt Nam cũng đã hơn 5 năm và có thể nói nhờ chiến lược tốt, sản phẩm chất lượng cao cùng với giá thành hợp lý, OPPO đã đạt thị phần đứng thứ hai thị trường hiện nay.
Chiến lược của OPPO và Realme cũng khá tương đồng: nhắm đến người dùng trẻ, tập trung giải quyết những nhu cầu cần thiết nhất cho thế hệ trẻ. Từ chiến lược này, các sản phẩm của OPPO cũng chỉ nhắm đến phân khúc tầm trung và dưới hơn, điều mà Vivo cũng đã và đang thực hiện. Đặc biệt, sẽ thật thiếu sót khi không nói đến Ông Sky Li, Founder và là CEO toàn cầu của Realme hiện nay vốn từng là Phó Chủ tịch của OPPO. Vậy nên nếu Sky Li sử dụng bề dày kinh nghiệm và những hiểu biết sâu sắc về thị trường dưới thời OPPO để áp dụng cho chiến lược phát triển của Realme thì cũng không có gì là lạ.
Có điều với Realme thì hơi khác.
Nếu như OPPO mở ra đầu tiên tại Việt Nam và bắt đầu phát triển ra các nước trong khu vực ASEAN, thì Realme chọn quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới là Ấn Độ để chính thức khởi nghiệp.
Chiến lược này của Realme đã nhanh chóng gặt hái thành công với hơn 1 triệu người dùng tại đây. Thành công của Realme tại Ấn Độ ngoài chuyện đây là một thị trường còn nhiều tiềm năng và chiến lược tốt, thì có thể nói OPPO cũng đã góp sức phần nào. Thương hiệu OPPO đã có mặt tại Ấn Độ vào năm 2014 và đã nhanh chóng tạo dựng cơ ngơi với hơn 400 trung tâm chăm sóc khách hàng tại đất nước có hơn 1 tỷ dân này.
Và Realme, thương hiệu mới khai sinh chưa được 6 tháng đã có thể dùng ngay các trung tâm này để phục vụ công tác sau bán hàng.
Realme cũng sử dụng mạng lưới trung tâm bảo hành của OPPO tại Việt Nam
Chia sẻ tại sự kiện ra mắt 3 dòng smartphone đầu tiên tại thị trường Việt, đại diện Realme cho biết hãng cũng sẽ uỷ quyền dịch vụ bảo hành cho 44 trung tâm của OPPO Việt Nam. Hệ thống trung tâm hỗ trợ sau bán hàng hoàn chỉnh của Realme cũng là một tiền đề vững chắc với chính sách bảo hành chỉ trong 1 giờ.
Cột mốc lớn thứ hai của Realme là đã nhanh chóng trở thành đối tác với hệ thống đại lý của Thế Giới Di Động và FPT Shop, đảm bảo nhanh chóng phân phối các sản phẩm này đến tất cả các vùng trên cả nước ngay khi mở bán.
Bên cạnh bán hàng trực tiếp qua siêu thị, Realme cũng đã hé lộ chiếc Realme C1 sẽ được bán trực tuyến (online) vào một ngày duy nhất, đây là chiếc smartphone mà hãng định vị là “vị vua mới của điện thoại tầm trung” khi máy sở hữu thiết kế và cấu hình nhỉnh hơn sản phẩm cùng mức giá.
Có thể Realme và OPPO sẽ phân chia phân khúc
Nhìn vào mức giá của 3 sản phẩm mới ra, mình nghĩ Realme sẽ hướng đến phân khúc khách hàng trẻ, là sinh viên và người mới đi làm. Mức giá của Realme 2 Series và đặc biệt là Realme C1 là cực tốt nếu xét về cấu hình và thiết kế.
Ở mức giá này, OPPO hiện còn vài đại diện đang còn nằm trên kệ như OPPO A83 hay A79, dĩ nhiên là cấu hình không bằng. Do đó nhiều người cho rằng thời gian tới OPPO sẽ sớm chuyển hướng, tập trung vào những smartphone có mức giá cao hơn, để lại vùng giá thấp hơn cho brand con của mình – Realme tiếp tục đào sâu và chiếm lĩnh.
Realme với tinh thần hướng đến giới trẻ “Proud to be young” đang nhận được sự quan tâm thực sự từ cộng đồng, bằng chứng là chỉ sau khi chính thức có mặt tại Việt Nam chưa lâu, các dòng sản phẩm “Đỉnh hiệu năng, Đặc trưng phong cách” như Realme 2, Realme 2 Pro và Realme C1 đã lập tức nhận được gần 6,000 lượt đăng ký đặt trước. Đây có thể xem là sức hút rất lớn mà chính OPPO giai đoạn mới vào Việt Nam gần 6 năm trước chưa có được, hứa hẹn bước tiến sắp tới của Realme có thể sẽ nhanh đạt được cột mốc đỉnh cao sớm hơn người anh OPPO.
Mặc dù vậy, sự hoà hợp của hai thương hiệu smartphone đình đám OPPO, Realme suy cho cùng đều là phục vụ người dùng để gia tăng trải nghiệm cho họ và thoả mãn giới công chúng này bằng những sản phẩm tương ứng ở từng phân khúc giá.