Theo thống kê gần đây, lượng rác điện tử thải ra trên toàn cầu năm 2019 cao kỷ lục từ trước tới nay, với 53,6 triệu tấn điện thoại, máy tính cùng nhiều thiết bị tiện ích khác.

Tổng khối lượng rác thải điện tử năm 2019 còn cao hơn so với trọng lượng của tất cả những người trưởng thành ở châu Âu. Số liệu này tăng 21% so với năm 2014. Theo một báo cáo quốc tế, chỉ có 17% lượng rác thải được đưa vào quy trình tái chế. Phần lớn trong đó bị quăng vào bãi rác, thiêu hủy hoặc xử lý theo cách quan liêu nào đó.

Rác thải điện tử năm 2019 cao kỷ lục từ trước đến nay

Các chuyên gia dự đoán tình trạng rác thải điện tử sẽ tồi tệ hơn trong vài năm tới. Theo ước tính, lượng rác điện tử sẽ tăng gấp đôi năm 2014 vào năm 2030. Đây là vấn đề cấp bách, ảnh hưởng xấu đến môi trường và gây nguy hại đời sống con người. Rất dễ thấy mọi thứ xung quanh chúng ta ngày nay đều đi kèm pin hoặc sử dụng điện, từ đèn, các thiết bị gia dụng, điện thoại di động, TV, máy tính…

Ruediger Kuehr, giám đốc Chương trình Chu kỳ bền vững tại Đại học United Nations, và các cộng sự của ông đã làm việc với Liên minh Viễn thông Quốc tế, Hiệp hội Chất thải rắn Quốc tế, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức về báo cáo rác thải lần này. Đây là báo cáo toàn cầu thứ ba được phát hành kể từ năm 2014.

Theo đó, các cơ quan chức năng đã bị mất dấu hơn năm mươi tấn thủy ngân tồn tại trong các chất thải điện tử. Thủy ngân là một chất độc thần kinh nguy hiểm, ảnh hưởng đến não và có thể làm suy yếu sự phát triển nhận thức của trẻ em. Tháng Tư năm ngoái, một công ty tái chế chất thải điện tử nổi tiếng của Mỹ đã gửi tới Hồng Kông hàng triệu tấn màn hình phẳng chứa thủy ngân. Hành động này đã gây nguy hại cho những công nhân xử lý chúng do không đào tạo và trang bị đầy đủ kiến thức lẫn thiết bị bảo vệ bản thân.

Rác thải điện tử năm 2019 cao kỷ lục từ trước đến nay

Ngoài ra, lượng rác thải điện tử bị thải ra không có biện pháp tái chế phù hợp đã làm thất thoát rất nhiều khoáng sản như vàng, đồng, sắt… Vấn đề này được xem là lãng phí, thiệt hại môi trường do khai thác khoáng sản mới mà không tận dụng tối đa những thứ đang có.

Những thiết bị điện tử nhỏ, như máy quay video, đồ chơi, lò nướng, máy cạo râu… là những thành phần lớn nhất trong tổng lượng rác thải ra năm 2019 (chiếm 32%). Tiếp theo là những thiết bị lớn như vật dụng nhà bếp, máy photo… (24%), trong đó có cả những tấm pin sử dụng năng lượng mặt trời. Rác thải màn hình chỉ chiếm một nửa so với những thiết bị lớn nhưng vẫn lên đến gần 7 triệu tấn. Thiết bị CNTT và viễn thông nhỏ chiếm khoảng 5 triệu tấn.

Châu Á là nơi tạo ra nhiều rác thải điện tử nhất năm 2019. Tuy nhiên châu Âu có tỷ lệ chất thải điện tử trên đầu người cao nhất, gần gấp ba lần châu Á. Châu Âu cũng có tỷ lệ thu gom và tái chế chất thải cao nhất. Các chuyên gia cho rằng nhu cầu về hàng điện tử và xử lý rác thải điện tử tăng cao ở những nơi tập trung nhiều tầng lớp trung lưu mới nổi. Vì trước đây họ chưa từng mua thiết bị công nghệ cao cấp, khi có tiền họ muốn mua sắm và tận hưởng chúng nhiều hơn.

Theo Scott Cassel, nhà sáng lập Viện Quản lý Sản phẩm Phi lợi nhuận, các chất thải điện tử ngày càng phức tạp và độc hại hơn. Về cơ bản, các hãng công nghệ lúc nào cũng sáng tạo và liên tục cho ra đời những sản phẩm có thiết kế mới thu hút người dùng. Tuy nhiên sự thay đổi này lại biến những sản phẩm mới hôm nay thành một thứ lỗi thời và bị vứt bỏ vào ngày mai.

Tỷ lệ tái chế chất thải điện tử rất thấp. Đây là dấu hiệu cho thấy dù nhiều chính sách và luật pháp được ban hành nhưng lại chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Một số chuyên gia môi trường cho rằng nên áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn để kiểm soát rác thải, tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người trong tương lai.

“Không chỉ các đại dương của chúng ta đang bị lấp đầy bởi nhựa. Mặt đất cũng đang chứa đầy rác thải điện tử”, Cassel nói.

Góc quảng cáo