Hôm nay, “gã khổng lồ mạng xã hội” vừa giới thiệu dịch vụ Facebook Shop, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tạo cửa hàng miễn phí và bắt đầu bán hàng trực tuyến trên hai nền tảng Facebook và Instagram. Đây được xem là một “cú đánh mạnh” vào thị trường thương mại điện tử.

Trong thông báo chính thức, CEO Mark Zuckerberg cho biết Facebook sẽ hợp tác với Shopify, BigC Commerce, Woo, Channel Advisor, CedC Commerce, Cafe24, Tienda Nube và Feedonomics. Người bán có thể sử dụng những nền tảng của các bên thứ ba kể trên để quản lý Facebook Shop, hoặc quảng cáo liên kết với những Cửa hàng (Shop) này. Ví dụ, dịch vụ Facebook Shop cho phép người bán Shopify kiểm soát tùy chỉnh và bán hàng trên Facebook và Instagram, đồng thời quản lý sản phẩm, hàng tồn kho, đơn đặt hàng và thực hiện trực tiếp từ chính nền tảng của Shopify.

Facebook ra mắt dịch vụ Faebook Shop, thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường bán hàng trực tuyến

Dịch vụ Facebook Shop hứa hẹn biến mạng xã hội thành một điểm đến mua sắm mới cho mọi người. Trong buổi phát trực tiếp, CEO Mark Zuckerberg cho biết thương mại điện tử mở rộng là tiền đề quan trọng để xây dựng lại nền kinh tế trong lúc đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn. “Nếu bạn không thể mở cửa hàng hoặc nhà hàng, bạn vẫn có thể nhận đơn đặt hàng trực tuyến và bán hàng cho mọi người. Hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa bao giờ bán hàng trực tuyến”, Zuckerberg nói.

Dịch vụ Facebook Shop ra mắt vào thời điểm các công ty thương mại điện tử đang đạt doanh số cao kỷ lục do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các đơn đặt hàng giao tại nhà tăng liên tục. Theo khảo sát của Facebook, cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ buộc phải ngừng hoạt động, có 11% doanh nghiệp cho biết họ có thể thất bại nếu tình hình dịch COVID-19 kéo dài thêm 3 tháng nữa.

Theo The Verge, bán hàng trực tuyến đang là “cơ hội vàng” cho doanh nghiệp nhỏ. Rất nhiều công ty đã tăng doanh thu gấp đôi, thậm chí gấp ba chỉ trong thời gian ngắn nhờ bán hàng trực tuyến. Với dự án lần này, Facebook muốn tạo thêm môi trường kinh doanh cho nhiều doanh nghiệp địa phương, giúp họ vượt qua khủng hoảng trong thời gian dịch bệnh, thông qua đó mở ra cơ hội kinh doanh cho chính Facebook.

Facebook ra mắt dịch vụ Faebook Shop, thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường bán hàng trực tuyến

Doanh nghiệp có thể tạo cửa hàng (Shop) miễn phí trên nền tảng mạng xã hội, chỉ cần tải lên danh mục, chọn sản phẩm cần giới thiệu, sau đó tùy chỉnh với hình ảnh bìa và màu sắc. Khách hàng truy cập vào có thể duyệt, lưu và đặt hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể mang về lợi nhuận đáng kể cho Facebook thông qua dịch vụ quảng cáo, thanh toán trực tuyến…

Theo Zuckerberg, Cửa hàng (Shop) sẽ từng bước nâng cấp trải nghiệm thương mại web tiêu chuẩn, lưu trữ thông tin thanh toán của người dùng ở một nơi duy nhất, sau đó họ có thể sử dụng trên bất kỳ cửa hàng nào của Facebook hoặc Instagram. Theo báo cáo, hiện có hơn 160 triệu doanh nghiệp nhỏ sử dụng ứng dụng của công ty.

Khách hàng có thể tìm thấy thông tin về doanh nghiệp trên các trang Facebook và hồ sơ Instagram, ngoài ra công ty còn có thể quảng bá trong stories và mục quảng cáo. Những mặt hàng mà doanh nghiệp muốn bán sẽ xuất hiện trong cửa hàng, người dùng có thể lưu lại và đặt hàng (có thể mua trực tiếp trên nền tảng Facebook hoặc điều hướng đến trang web riêng và hoàn tất việc thanh toán). Các doanh nghiệp có thể xử lý sự cố và hỗ trợ khách hàng thông qua Messenger, Instagram và WhatsApp.

Ngoài ra, Facebook còn có kế hoạch hỗ trợ duyệt danh mục sản phẩm và mua hàng trực tiếp trong cửa sổ trò chuyện. Người dùng cũng có thể mua sắm khi phát trực tiếp ở phần dưới cùng video.

Facebook đã dấn thân vào lĩnh vực thương mại trong nhiều năm. Năm 2016, hãng ra mắt dịch vụ Marketplace trực tiếp trong ứng dụng để mọi người có thể mua và bán hàng cùng nhau. Năm 2018 Instagram xây dựng ứng dụng mua sắm trực tuyến độc lập nhưng không thành công. Dịch vụ Facebook Shop chính thức ra mắt hôm nay tại Mỹ và sẽ tích hợp vào Instgram từ mùa hè tới.

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

Góc quảng cáo