Quyết định mua lại Android năm 2005 với giá 50 triệu USD là một trong những thương vụ thành công nhất trong suốt 15 năm qua của Google vì nền tảng này đã mang về cho công ty những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Trở lại năm 2005, mọi người đều nghĩ Google chỉ là một thương hiệu tìm kiếm hỗ trợ quảng cáo. Tuy nhiên, 15 năm trước công ty đã lặng lẽ thực hiện một thương vụ rẻ tiền – được đánh giá là thành công nhất trong lịch sử của họ – đó là mua lại một công ty khởi nghiệp nhỏ mang tên Android.
Sau khi mua lại, Google đã dành ba năm tiếp theo để phát triển một hệ điều hành cho thiết bị di động và ra mắt phiên bản Android công khai đầu tiên năm 2008. Hiện tại Android là hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới. Theo ước tính từ Statista tính đến tháng 12/2019, Android đã được sử dụng trong 74,13% các điện thoại thông minh. Hệ điều hành này cũng đánh bại các đối thủ lâu đời hơn như Windows Phone của Microsoft (và Windows Mobile), Symbian của Nokia và cả BlackBerry.
Tháng 5/2019, Google tiết lộ có hơn 2,5 tỷ người dùng Android hoạt động hàng tháng, con số này có thể đã tăng lên đáng kể ở hiện tại. Ngoài smartphone, Android được sử dụng trong smartwatch, tablet, TV thông minh… Không thể phủ nhận sự ra đời của Android đã giúp Google trở thành một trong những công ty lớn và có ảnh hưởng nhất trên toàn cầu.
Google đã mua Android từ một công ty độc lập cùng tên, được thành lập từ nửa đầu năm 2003 bởi Andy Rubin, người có kinh nghiệm nhiều năm làm việc cho các công ty như MSN và Apple.
Năm 1999, Rubin phát triển Danger, công ty này đã ra mắt chiếc Danger Hiptop (được đổi tên thành Sidekick khi T-Mobile bán ra thị trường năm 2002) – một trong những smartphone đầu tiên trên thế giới. Năm 2003, Rubin rời Danger và đồng sáng lập Android cùng với Rich Miner, Nick Sears và Chris White.
Ý tưởng ban đầu của công ty là tạo ra một hệ điều hành cho máy ảnh kỹ thuật số. Tuy nhiên thị trường này đã bắt đầu bị thu hẹp khi ngày càng nhiều người dùng chuyển sang sử dụng điện thoại di động. Nắm bắt thị trường, Rubin và cộng sự quyết định chuyển trọng tâm sang tạo ra một hệ điều hành nguồn mở cho điện thoại.
Có những thời điểm Android trên bờ vực đóng cửa do không đủ kinh phí để tiếp tục hoạt động. Tháng 1/2005, Google yêu cầu gặp những nhà sáng lập Android để xem xét việc hỗ trợ công ty tiếp tục phát triển. Sau cuộc họp thứ hai diễn ra cuối năm đó, Rubin và cộng sự đã trình diễn một nguyên mẫu hệ điều hành di động cho Larry Page và Sergey Brin của Google. Ý tưởng này tốt đến nỗi Google nhanh chóng đề nghị mua lại Android. Theo một số tài liệu chính thức, thương vụ này chỉ có giá trị 50 triệu USD.
Vì sao Google quyết định mua lại Android?
Có thể vì Page và Brin tin rằng hệ điều hành di động sẽ giúp công ty mở rộng hoạt động tìm kiếm và quảng cáo ra khỏi nền tảng máy tính thông thường.
Trên thực tế, số tiền 50 triệu USD Google bỏ ra để mua lại Android thực sự rất nhỏ so với các thương vụ khác những năm về sau. Bằng chứng là hãng đã chi đến 1,65 tỷ USD để mua lại YouTube. Thời điểm đó, quyết định này đã gây ra khá nhiều tranh cãi, nhưng rõ ràng đến hiện tại sự đầu tư này đã được đền đáp xứng đáng. Dẫu vậy, không thể phủ nhận rằng thương vụ mua lại Android là quá hời, nhưng lại mang về cho Google nhiều thành công vượt bậc.
Tuy nhiên, không phải quyết định mua lại nào của Google cũng đúng đắn. Ví dụ, khoản tiền 12,5 tỷ USD chi cho Motorola năm 2011 được xem là một trong những sai lầm lớn nhất của Google. “Gã khổng lồ tìm kiếm” đã phải bán công ty này cho Lenovo ba năm sau đó chỉ với giá 2,9 tỷ USD.
Một số giao dịch khác của Google cũng không gây được nhiều tiếng vang. Ví dụ, gã khổng lồ tìm kiếm này đã mua Nest Labs với giá 3,2 tỷ USD năm 2014 với ý định hợp nhất thương hiệu Google và Nest, nhưng các dự án bị triển khai chậm chưa được như mong đợi. Ngoài ra, hãng còn đang có kế hoạch mua lại Fitbit với giá 2,1 tỷ USD.
Rõ ràng, rất khó tìm được khoản đầu tư nào gặt hái nhiều thành công hơn quyết định mua lại Android năm đó. Thương vụ này không chỉ mang lại lợi nhuận to lớn cho Google mà còn làm tiền đề phát triển toàn bộ ngành công nghiệp công nghệ nói chung.