Công ty an ninh mạng Tenable vừa phát hiện rất nhiều quảng cáo trên mạng xã hội TikTok có nội dung lừa đảo, quảng bá ứng dụng không lành mạnh, thuốc giảm cân cùng một số sản phẩm và dịch vụ giả mạo khác.

Báo cáo lần này nêu bật những thách thức mà TikTok phải đối mặt giữa bối cảnh những hãng công nghệ hàng đầu như Oracle, Microsoft và Walmart đang đàm phán giành quyền tiếp quản mạng xã hội này ở Mỹ. Đầu tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ ban hành lệnh cấm mạng xã hội TikTok tại Mỹ vì lo ngại vấn đề an ninh quốc gia. Sau đó, ông ký lệnh hành pháp buộc công ty mẹ ByteDance bán TikTok ở Mỹ cho một hãng công nghệ bản địa trước 15/9. Phía TikTok đã đệ đơn kiện lại chính phủ Mỹ vì không cho họ cơ hội phản bác cáo buộc chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc.

“TikTok là một mạng xã hội thực sự rất khó kiểm soát. Nền tảng này đang tồn đọng rất nhiều mối lo cho chủ sở hữu tương lai tại Mỹ”, Satnam Narang, kỹ sư nghiên cứu của Tenable cho biết.

Đại diện TikTok cho biết họ đã xóa toàn bộ quảng cáo được đề cập trong báo cáo của Tenable.

Quảng cáo lừa đảo, nội dung không lành mạnh tràn lan trên TikTok

“TikTok có các chính sách nghiêm ngặt để bảo vệ người dùng khỏi những nội dung lừa đảo, gian lận hoặc gây hiểu lầm, gồm cả các quảng cáo không đúng sự thật. Tài khoản của các nhà quảng cáo và các nội dung trong bài quảng cáo phải tuân thủ theo chính sách và Nguyên tắc Cộng đồng, Hướng dẫn Quảng cáo và Điều khoản Dịch vụ của công ty,” đại diện TikTok tuyên bố.

Tuy nhiên phía TikTok không tiết lộ chi tiết có bao nhiêu người đã xem những quảng cáo này, chỉ cho biết công ty đã có biện pháp để phát hiện và xóa các quảng cáo gian lận.

Satnam Narang đã “lật tẩy” một số kiểu quảng cáo lừa đảo phổ biến xuất hiện trong mục “Dành cho bạn” trên TikTok. Phần này chuyên trình chiếu các video ngắn dựa trên sở thích và được cá nhân hóa theo từng đối tượng người dùng trên mạng xã hội này.

Trong một quảng cáo, những kẻ lừa đảo đã đăng những bài viết lừa người dùng rằng họ có thể kiếm “433 USD mỗi ngày bằng cách chơi game”. Khi người dùng nhấp vào quảng cáo đó, hệ thống sẽ tự động điều hướng tới App Store và yêu cầu tải về một ứng dụng “đội lốt” ứng dụng khác. Ví dụ, ứng dụng Super Expense thực tế có tên iMoney. Một số ứng dụng khác được dùng để ngụy trang cho iMoney gồm DaysTaker, CanEnrich, OlMoneing và Minemalist.

Để kiếm tiền, người dùng được yêu cầu tải ứng dụng về máy và mở trong vòng 3 phút hoặc hoàn thành một số nhiệm vụ khác như: để lại đánh giá tích cực cho các sản phẩm trên Amazon. Sau khi thực hiện theo yêu cầu, một số người dùng phát hiện họ đã bị lừa, hoàn toàn không nhận được tiền. Trong khi số khác còn bị dẫn dụ cung cấp thông tin cá nhân như ảnh chụp bằng lái, chứng minh thư…

Trong một số quảng cáo khác, những kẻ lừa đảo đã sử dụng các bài báo giả mạo CNN và Fox News, trong đó đề cập đến việc người nổi tiếng quảng cáo một số loại thuốc giảm cân. Người dùng được yêu cầu cung cấp địa chỉ và thông tin thanh toán để nhận được sản phẩm dùng thử miễn phí. Sau khi để lại thông tin, hệ thống tự kích hoạt cho họ một chương trình dùng thử trong vòng 14 ngày, nếu không hủy sẽ bị trừ 90 USD trong tài khoản. Hoạt động này mang về rất nhiều tiền cho những kẻ lừa đảo.

Ngoài ra, rất nhiều người dùng bị lừa mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng với giá cao hoặc đăng ký các dịch vụ hỗ trợ học tập và tín dụng không đáng tin cậy. Trong nhiều trường hợp, người dùng phản hồi rằng sau khi đặt hàng họ nhận được sản phẩm không giống với hình ảnh thấy được trong quảng cáo trên TikTok.

Đây không phải lần đầu tiên nền tảng TikTok bị phát hiện chứa nội dung lừa đảo. Năm ngoái, Tenable cũng công bố một số trò gian lận trên mạng xã hội này liên quan đến các trang web hẹn hò dành cho người trưởng thành. Những kẻ lừa đảo đã mạo danh những người nổi tiếng để tăng lượt thích và lượt theo dõi. Khi đó, đại diện TikTok cũng tuyên bố đã gỡ bỏ các tài khoản vi phạm được đề cập trong báo cáo.

Theo Narang, những kẻ xấu cũng từng sử dụng các mạng xã hội khác như Facebook, Instagram, Twitter và Snapchat để đánh lừa người dùng. Tính đến tháng 7/2020, TiKTok có khoảng 689 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn cầu.

Góc quảng cáo