Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc khu vực Đông Dương của Qualcomm cho biết, Qualcomm đang hỗ trợ một số doanh nghiệp Việt thiết kế và sản xuất thiết bị đầu cuối, trong đó có cả smartphone. Tuy nhiên, Qualcomm không tiết lộ tên công ty đang nhận được sự hỗ trợ này.

Qualcomm đang hỗ trợ doanh nghiệp Việt sản xuất smartphone
Hiện có nhiều thông tin đồn đoán về sản phẩm Bphone 2

Ngày 26/5/2015, Bkav đã chính thức cho ra đời chiếc điện thoại thông minh Bphone thế hệ đầu tiên. Mang trong mình khát vọng đổi thay của người Việt, nhưng Bphone vẫn chưa thể đạt được những thành công như mong đợi. Hiện có nhiều thông tin đồn đoán về sản phẩm Bphone 2, nhưng Bkav chưa có thông tin chính thức về sản phẩm này. Qualcomm cho biết là họ cũng đã hỗ trợ Bkav để đưa ra được sản phẩm Bphone.

Trả lời ICTnews liệu khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất smartphone đủ sức cạnh tranh được các sản phẩm đang tấn công từ Trung Quốc hay không? Ông Mantosh Malhotra, Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Nam Á cho rằng, nếu các doanh nghiệp của Việt Nam chỉ sản xuất smartphone cho thị trường trong nước, chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, nếu thiết kế, sản xuất vừa cho thị trường trong nước và thị trường nước ngoài thì sẽ có tiềm năng. Luôn có những thị trường ngách nhất định cho các công ty sản xuất thiết bị. Bên cạnh đó, không doanh nghiệp nào có thể hoạt động đơn lẻ, mà cần các mối quan hệ đối tác trong hệ sinh thái.

Trong hệ sinh thái đó, nếu chính phủ nhận thấy nhu cầu phát triển sản xuất điện thoại trong nước, cần đưa ra đãi ngộ và hỗ trợ để các công ty trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh và thậm chí cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác. Về phía Qualcomm, có những sự hỗ trợ nhất định về mặt chuyển giao kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm với các nhà sản xuất trong nước.

Hầu như trên tất cả thị trường, các nhà sản xuất đều bắt đầu từ quy mô nhỏ, sau đó mới phát triển lên. Các điện thoại sản xuất tại Việt Nam chiếm 15% thị phần smartphone trên thế giới. Tuy mang thương hiệu quốc tế, nhưng nếu biết khai thác nguồn lực có năng lực và kiến thức trong nước, đây không phải là điều không khả thi.

“Chúng tôi có cam kết mạnh mẽ trong việc hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước từ kinh nghiệm hỗ trợ các nhà sản xuất ở các quốc gia khác, và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ các nhà sản xuất tại Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi cũng đang làm việc với các công ty Việt Nam, nhưng vì lý do bảo mật, chúng tôi chưa thể chia sẻ thông tin cụ thể” Ông Mantosh Malhotra nói.

Ông Mantosh Malhotra cho rằng cơ hội tham gia sản xuất thiết kế thiết bị di động Việt Nam nếu nhìn về tương lai, chúng ta không chỉ giới hạn trong smartphone dù đó vẫn sẽ là thị trường rất lớn và tăng trưởng mạnh. Với xu hướng IoT đang đến, cơ hội cho các nhà sản xuất thiết bị rộng hơn nhiều, đấy là thị trường mà cạnh tranh bằng giá cả không phải yếu tố lớn nhất, mà thiết bị cần được thiết kế chuyên dụng tùy thị trường, tùy nhu cầu. Đó là tiềm năng mà các nhà sản xuất thiết bị Việt Nam có thể xem xét trong thời gian tới.

Bình luận về vấn đề này, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc khu vực Đông Dương của Qualcomm cho biết, hiện nay Việt Nam đã là một trong những trung tâm thiết kế và sản xuất các thiết bị di động lớn của thế giới. Nhiều smartphone và tablet đã được sản xuất tại Việt Nam, xu hướng đó sẽ tạo sự thuận lợi cho các công ty Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng thiết bị trên thế giới.

Khi các công ty lớn của thế giới chuyển cơ sở sản xuất và cơ sở nghiên cứu phát triển sang Việt Nam, các nhà cung cấp linh kiện cũng sẽ vào Việt Nam. Khi các công ty Việt thiết kế sản xuất thiết bị, nguồn cung đã sẵn sàng tại Việt Nam. Đó là điểm thuận lợi cho Việt Nam.

Ông Thiều Phương Nam nhấn mạnh rằng, khi các công ty lớn đầu tư vào Việt Nam, thì chính sách hỗ trợ xuất khẩu cũng đã sẵn sàng. Các công ty Việt Nam tham gia thiết kế sản xuất thiết bị để xuất khẩu cũng sẽ được hỗ trợ bởi chính sách xuất khẩu. Do đó triển vọng rất sáng sủa.

“Năng lực thiết kế phần cứng và phần mềm của Việt Nam rất tốt. Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp phần mềm mạnh. Đó là điểm thuận lợi bởi đây là 2 yếu tố quan trọng để sản xuất smartphone. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có thách thức, khó khăn.

Có nhiều kỹ năng Việt Nam chưa có nhiều hoặc chưa có, bởi thiết kế thiết bị di động là lĩnh vực còn khá mới ở Việt Nam. Đó cũng là lý do Qualcomm xem xét việc chuyển giao công nghệ, huấn luyện cho đối tác ở Việt Nam, và trong thời gian lâu dài chúng tôi hợp tác với những trường đại học để đưa nội dung thiết kể sản phẩm di động vào chương trình đào tạo, khi đó sẽ giúp nâng cao năng lực chung về thiết kế thiết bị di động của Việt Nam.

Chúng tôi đang làm việc với một số công ty trên một số sản phẩm đáp ứng cả nhu cầu tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu. Chúng tôi chưa thể chia sẻ thông tin ngay trong giai đoạn này, khi đang bàn bạc, phát triển sản phẩm” ông Thiều Phương Nam nói.

Theo ICTnews

Góc quảng cáo