Mặc dù vẫn dẫn đầu thị trường chip di động nhưng các số liệu thống kê cho thấy Qualcomm đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong kinh doanh.

Qualcomm vẫn đang là cái tên dẫn đầu trên thị trường chipset di động nhưng bản báo cáo tài chính mới đây cho thấy công ty này hiện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cách đây khoảng 3 năm, hầu như những chiếc smartphone trên thế giới đều sử dụng vi xử lí của Qualcomm, trong đó có hai thị trường lớn của làng di động là Hàn Quốc và Trung Quốc.

Qualcomm đang đối mặt với vô vàn khó khăn

Năm 2013, Qualcomm chiếm 95% thị phần chipset di động toàn thế giới nhưng con số này chỉ còn 66% (doanh thu đạt 22,1 tỷ USD) vào năm 2014, xếp sau là MediaTek với 17% nhưng con số này đang bị thu hẹp nhanh chóng. Trong quý 3 vừa qua, tăng trưởng doanh thu của Qualcomm cũng giảm xuống còn 14% (so với 30% cách đây 3 năm). Những con số trên cho thấy Qualcomm hiện đang đối mặt với muôn vàng khó khăn trong việc kinh doanh chip di động. Đây là điều đã được các nhà phân tích phố Wall dự đoán từ cách đây khá lâu.

Có thể kể ra hàng loạt nguyên nhân khiến việc kinh doanh của Qualcomm gặp khó khăn như thất bại của con chip Snapdragon 810, sự cạnh tranh khốc liệt từ đối thủ MediaTek hay việc Samsung đã giảm bớt sự phụ thuộc vào Qualcomm bằng cách sản xuất chip riêng.

Không những vậy, Qualcomm còn bị chính quyền Trung Quốc phạt 1 tỷ USD vì độc quyền trong kinh doanh. Không thể phủ nhận Trung Quốc là một thị trường lớn của Qualcomm nhưng gần đây việc thu tiền bản quyền từ các nhà sản xuất Trung Quốc đang gặp nhiều trục trặc. Sau một thời gian phát triển với tốc độ nhanh, thị trường nước này đang đi vào giai đoạn bảo hòa nên nhiều nhà sản xuất đối tác của Qualcomm đã trì hoãn việc trả tiền bản quyền cho công ty đến năm sau. Đó là chưa kể đến việc các công ty Trung Quốc không kê khai chính xác số lượng sản phẩm họ bán ra nhằm để giảm bớt số tiền phải trả cho Qualcomm.

Trong khi Quacomm gặp khó khăn thì MediaTek (đối thủ chính của Qualcomm hiện nay) lại có tốc độ phát triển khá nhanh. MediaTek đã chi rất nhiều tiền để thành lập văn phòng R&D tại Bangalore (Ấn Độ), Phần Lan và San Diego (Mỹ) để mở rộng thị trường. Trước đây, các chip có hỗ trợ modem LTE của Qualcomm chiếm lĩnh thị trường nhưng nhờ đầu tư mạnh các sản phẩm của MediaTek đã bắt kịp đối thủ về khoản này. Ngoài thị trường Trung Quốc, MediaTek còn đang đàm phán với các nhà mạng Verizon, AT&T và T-Mobile để các con chip của họ tương thích với cơ sở hạ tầng mạng 4G tại Mỹ.
Vì vậy, vấn đề của Qualcomm hiện nay là họ phải sử dụng hiệu quả 21 tỷ USD tiền mặt trong ngân hàng vào các hạng mục đầu tư nhằm giữ vững sức cạnh tranh của mình trên thị trường.

Các nhà phân tích cho rằng đến năm 2016, 40% thị trường chip LTE ở Trung Quốc sẽ thuộc về MediaTek với dòng sản phẩm Helio mà công ty này phát triển gần đây. Những cái tên như Xiaomi, Huawei, OnePlus, Lenovo và Coolpad sẽ là các đối tác tiềm năng của MediaTek trong tương lai. Song song đó, công ty này cũng đang tìm cách mở rộng thị trường sang Châu Phi và Ấn Độ dù cho các thị trường này chưa lớn mạnh bằng Mỹ.

Theo GenK

Góc quảng cáo