Giấu BlackBerry nhanh lên. Nó không còn thời thượng nữa!”. Hiện giờ, còn sử dụng BlackBerry dường là một nỗi xấu hổ của người đang dùng nó.
Đó là hiện tượng đang diễn ra ở Mỹ vừa được tường thuật lại trên báo New York Times.
Bắt đầu từ một trường hợp cụ thể là cô Rachel Crosby, một đại diện bán hàng ở Los Angeles, cảm thấy xấu hổ và thôi không rút chiếc BlackBerry của mình ra khỏi túi tại các buổi tiệc cocktail hay họp hành nữa. Tại các cuộc họp, cô nói cô giấu chiếc BlackBerry ở dưới chiếc iPad vì sợ khách hàng sẽ thấy nó và đánh giá cô thấp đi.
Chiếc smartphone BlackBerry từng một thời được tự hào bởi là vật sở hữu không thể thiếu của các nhân vật quyền lực và nổi tiếng. Nhưng những ai vẫn đang cầm nó trong tay ngày nay đã trở thành một cục nam châm thu hút sự cười nhạo và chế diễu từ những người đang sở hữu iPhone và những smartphone Android mới nhất.
Research in Motion (RIM) – nhà sản xuất BlackBerry – có lẽ vẫn thành công trong việc bán BlackBerry ở các quốc gia như Ấn Độ và Indonesia nhưng ở Mỹ, hãng giờ chỉ giữ được có chưa đầy 5% thị phần – giảm từ thời thống lĩnh 50% thị trường cách đây 3 năm.
Tương lai của RIM đều đặt vào cả chiếc điện thoại bị trì hoãn quá lâu và dự kiến đến tận đầu sang năm mới ra mắt. Trong lúc đó, RIM buộc phải công báo khoản lỗ ròng nửa đầu năm 2012 tới mức kỷ lục là 753 triệu USD so với khoản lãi 1 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Một dấu hiệu cho thấy BlackBerry đang gặp nguy là các doanh nghiệp – khách hàng trung thành của BlackBerry bởi tính bảo mật của nó – đã không còn để mắt đến nó nữa. Gần đây nhất, CEO Yahoo là Marissa Mayer đã quyết định phát iPhone cho nhân viên thay vì BlackBerry. BlackBerry có thể vẫn còn lảng vảng ở Washington, Wall Street và ngành pháp lý nhưng ở Silicon Valley, bóng dáng của chúng hiếm như lá mùa thu.
Văn hóa phân biệt giữa những người trung thành với BlackBerry và những người khác đã trở nên cực kỳ rõ rệt trong năm qua khi nhiều công ty trước đó cấp BlackBerry – chỉ BlackBerry – cho nhân viên đã bắt đầu đầu hàng trước yêu cầu của nhân viên đòi smartphone iPhone hoặc Android.
Ngân hàng Goldman Sachs gần đây đã cho nhân viên sự lựa chọn sử dụng iPhone. Hãng luật Covington & Burling cũng làm tương tự do các đồng sự thúc giục. Thậm chí cả Nhà Trắng, trước vốn sử dụng BlackBerry vì các lý do an ninh, gần đây đã bắt đầu hậu thuẫn iPhone (một số nhân viên đoán rằng quyết định này bị ảnh hưởng bởi Tổng thống Obama, người hiện giờ đang sử dụng iPad cho các cuộc họp nhanh về an ninh quốc gia. Còn người phát ngôn Nhà Trắng thì từ chối bình luận về thông tin này).
Ở ngoài đời, sự sỉ nhục đối với BlackBerry còn tiếp tục. Victoria Gossage, một nhân viên quỹ hedge fund 28 tuổi cho biết gần đây cô dự một sự kiện ở một câu lạc bộ cao cấp. Khi chiếc BlackBerry của cô gần hết pin, cô hỏi người phục vụ mượn sạc pin thì nhận được phản ứng: “Ban đầu, anh ta nói là có sạc nhưng khi nhìn chiếc điện thoại của tôi, anh ta nói với giọng ghê tởm: Ồ, không, không phải cho cái đó”.
“Bạn sẽ phải quen với loại từ chối đó khi dùng BlackBerry”, Gossage rút ra kết luận.
Những người dùng BlackBerry bị ruồng bỏ nói rằng càng ngày họ càng phải chịu đựng nỗi xấu hổ và sỉ nhục công khai khi họ xem đồng sự của mình thao tác nhoay nhoáy trên các ứng mạng xã hội mà điện thoại của họ không có, chụp những bức hình độ nét cao và dễ dàng tìm thông tin bản đồ với ứng dụng GPS tốt hơn và trình duyệt Internet nhanh hơn. Đó là chưa kể đến smartphone Android và iPhone của đồng nghiệp, bạn bè làm được những tác vụ như xác định lộ trình đường đi, đặt tour, đặt chỗ nhà hàng, tra kết quả trận đấu thể thao… nhanh chóng.
“Tôi cảm thấy vô dụng bất lực. Bạn liên tục theo dõi được mọi người làm được tất cả những thứ đó trên điện thoại của họ, còn tôi, tất cả những thứ dành cho tôi là chat nhóm BBM với gia đình, bạn bè có BBM”,cô Gossage nói.
Tuy nhiên, vẫn có một số người dùng BlackBerry nói họ “mắc kẹt” với thiết bị này chủ yếu là bởi bàn phím cứng và hiệu quả của BlackBerry. Với họ, soạn email trên bàn phím ảo là rất khó khăn.
Anh Lance Fenton, một nhà đầu tư 32 tuổi, nói anh không làm sao bị lây nhiễm bởi cơn sốt iPhone được. Anh thường xuyên hỏi mọi người rằng “Có gì hay ở iPhone?” và họ thường có những câu trả lời rất vô vị.“Một ai đó bảo tôi là tôi đang bỏ lỡ một số ứng dụng thú vị như trượt tuyết. Tôi trượt tuyết 4 ngày mỗi năm. Trên đường đi, tôi chẳng cần ứng dụng trượt tuyết làm gì”, Fenton nói.
RIM có nhiều nỗ lực để giữ khách hàng trung thành cũng như các nhà phát triển ứng dụng cho điện thoại thế hệ mới của họ. Gần đây nhất, trong một video quảng cáo của RIM có chiếu bài rock tựa đề: “Các nhà phát triển! BlackBerry vẫn yêu bạn”, chế từ bản ballad nổi tiếng năm 1981 của REO Speedwagon là “Keep on Loving You”.
Nhưng tình yêu như thế đối với người dùng, nhà phát triển dường như chưa đủ.
“Đây là dấu hiệu của một công ty tuyệt vọng”, Nick Mindel, một nhà phân tích đầu tư 26 tuổi nói. “Thôi nào, BlackBerry, tôi luôn có lòng tin nhưng anh đã vừa để mất một khách hàng”.
Sau 8 năm sử dụng BlackBerry, anh Mindel cho hay anh đã gia nhập danh sách chờ đợi iPhone 5. Khi iPhone 5 bán ra, anh nói: “Tôi dự định tháo pin chiếc BlackBerry của tôi, nhúng nó vào xi măng và sử dụng BlackBerry làm cái chặn giấy“.
Mạc Vũ
Theo VnReview