Xem nhanh
- Những triệu chứng của thai phụ nhiễm virus Zika:
- Phụ nữ mang thai có nên lo lắng về Zika?
- Điều trị bệnh virus Zika như thế nào?
- Bệnh virus Zika được chẩn đoán như thế nào?
- Mẹ bị nhiễm virus Zika có thể truyền sang con trong thời gian cho bú hay không?
- Thai phụ bảo vệ mình tránh nhiễm virus Zika bằng cách nào?
- Thai phụ có nên đến khu vực virus Zika đang lưu hành hay không?
- Những thai phụ nào nên xét nghiệm Zika?
- Phụ nữ có nên trì hoãn việc mang thai do lo lắng chứng đầu nhỏ hay không?
- Phụ nữ mang thai nên làm gì nếu bị nhiễm virus Zika?
- Phụ nữ nên làm gì nếu muốn bỏ thai do lo lắng về chứng đầu nhỏ?
- Một số báo cáo cho rằng virus Zika có thể truyền qua đường tình dục, làm thể nào để phòng tránh?
- Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika , Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
Sáng ngày 05/04/2016, Bộ Y tế đã chính thức công bố hai trường hợp nhiễm virus Zika tại Việt Nam.
Theo đó, Bộ Y tế cũng nhận định trong thời gian tới sẽ xuất hiện thêm nhiều trường hợp mắc virus này. PGS. TS Trần Danh Cường, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã chia sẻ với giới báo chí một số thông tin nhắm làm rõ mức độ nguy hiểm của virus Zika với phụ nữ mang thai và cách xử lý khi nhiễm virus này:
“Hiện tại, WHO đã khẳng định có sự liên quan giữa virus Zika và hội chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, không phải tất cả những trường hợp bị hội chứng đầu nhỏ đều do Virus Zika gây ra. Chính vì thế, phụ nữ mang thai không nên quá lo lắng trước sự xuất hiện của virus Zika ở Việt Nam.
Với người phụ nữ mang thai thông thường, trong một thai kỳ thường phải đi siêu âm thai ít nhất 3 lần. Tuy nhiên, nếu người phụ nữ mang thai đó sống trong vùng có virus Zika, hoặc nhiễm virus Zika thì cần phải đi siêu âm thai 2 tuần một lần để theo dõi để phòng và phát hiện hội chứng đầu nhỏ ở thai”.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang từng bước điều chế vắc-xin phòng ngừa virus Zika, tuy nhiên loại vắc-xin này sẽ chưa thể hoàn thiện trong năm nay. Dưới đây là những vấn đề liên quan đến virus Zika mà thai phụ cần quan tâm và chú ý trong quá trình thai kỳ:
Những triệu chứng của thai phụ nhiễm virus Zika:
80% thai phụ mắc bệnh không biết mình đang nhiễm virus, do virus Zika rất khó nhận biết – Theo ông David Colombo, Giám đốc bộ phận y học bào thai thuộc Nhóm y tế Sức khỏe Spectrum (Mỹ). Các triệu chứng khi mắc bệnh gồm sốt, phát ban, viêm kết mạc (mắt đỏ) hoặc hiện tượng nhức đầu, đau cơ. Các triệu chứng này kéo dài trong một tuần.
Phụ nữ mang thai có nên lo lắng về Zika?
Trong số hơn 6.000 ca nhiễm virus Zika tại Brazil thì có 944 trường hợp phát hiện hội chứng đầu nhỏ do virus này gây ra. Ở một số quốc gia khác, tỷ lệ này cũng chỉ từ 1-2 ca, do đó không phải tất cả trường hợp nhiễm virus Zika đều có khả năng gây đầu nhỏ.
Dị tật đầu nhỏ là tình trạng trẻ sơ sinh có chu vi đầu nhỏ hơn bình thường, do não bộ của trẻ phát triển khó khăn từ khi còn trong bụng mẹ hoặc trong giai đoạn sơ sinh.
Cơ quan y tế đang điều tra mối liên quan tiềm năng giữa virus Zika ở phụ nữ mang thai và dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Cho đến khi có thể hiểu rõ hơn về mối liên quan này, phụ nữ mang thai không nên quá lo lắng về Zika, nhưng vẫn phải lưu ý bảo vệ mình khỏi bị muỗi đốt.
Nếu bạn đang mang thai và nghi ngờ nhiễm virus Zika, hãy đến cơ sở y tế làm xét nghiệm để được theo dõi chặt chẽ trong quá trình mang thai.
Điều trị bệnh virus Zika như thế nào?
Các triệu chứng của bệnh virus Zika có thể được điều trị bằng thuốc hạ sốt và giảm đau thông thường, nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Nếu triệu chứng xấu đi, mọi người nên tìm tư vấn y tế. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vắc-xin cho bệnh này.
Bệnh virus Zika được chẩn đoán như thế nào?
Với hầu hết các trường hợp được chẩn đoán nhiễm virus Zika, việc chẩn đoán dựa trên các triệu chứng và tiền sử gần đây của họ (ví dụ muỗi đốt hoặc đi đến nơi có virus Zika lưu hành). Phòng thí nghiệm có thể xác định chẩn đoán bằng xét nghiệm máu.
Mẹ bị nhiễm virus Zika có thể truyền sang con trong thời gian cho bú hay không?
Virus Zika đã được phát hiện trong sữa mẹ nhưng không có bằng chứng cho thấy rằng virus có thể truyền sang con trong khi bú sữa mẹ. WHO tiếp tục khuyến cáo cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Thai phụ bảo vệ mình tránh nhiễm virus Zika bằng cách nào?
Phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai nên áp dụng các biện pháp phòng tránh muỗi truyền bệnh đốt bằng các cách sau:
- Sử dụng các loại thuốc chống muỗi có thể xoa lên vùng da hở hoặc bôi lên quần áo.
- Mặc quần áo có thể che phủ hầu hết bộ phận cơ thể.
- Sử dụng các màng chắn, đóng cửa để tránh muỗi bay vào trong nhà.
- Ngủ màn, kể cả thời gian ban ngày khi muỗi Aedes hoạt động.
- Phát hiện và loại bỏ những nơi muỗi có thể sinh sản, đậy kín các vật dụng chứa nước sinh hoạt hàng ngày, thường xuyên thay nước trong các lọ hoa.
Thai phụ có nên đến khu vực virus Zika đang lưu hành hay không?
WHO không khuyến cáo các biện pháp nhằm hạn chế sự đi lại đến các khu vực có virus Zika. Phụ nữ đang mang thai và dự định có thai phải tự quyết định trên cơ sở nguy cơ nhiễm virus Zika. Trong trường hợp cụ thể, nên:
- Tìm hiểu thông tin về virus Zika và các bệnh do muỗi truyền.
- Tự bảo vệ mình không để muỗi đốt.
- Lắng nghe tư vấn của bác sĩ hoặc cán bộ y tế nếu đến các khu vực có virus Zika.
- Thông báo về kế hoạch đi lại trong thời gian kiểm tra thai kỳ.
- Theo dõi chặt chẽ tình trạng thai khi trở về từ vùng có virus Zika.
Những thai phụ nào nên xét nghiệm Zika?
Theo PGS.TS Trần Danh Cường khuyến cáo: Việt Nam đã ghi nhận trường hợp mắc Zika nhưng không phải phụ nữ mang thai nào cũng cần làm xét nghiệm. Việc phòng và phát hiện hội chứng đầu nhỏ ở phụ nữ mắc virus Zika là vô cùng cần thiết trong 3 tháng đầu, còn thai nhi từ tháng thứ 4 trở lên, các cơ quan đã hình thành đầy đủ nên nguy cơ sẽ thấp hơn.
“Chúng tôi chỉ khuyến cáo phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu tại vùng có dịch, có các triệu chứng như sổ mũi, viêm kết mạc, sốt, nổi ban… mới cần tiến hành xét nghiệm. Nếu kết quả dương tính, sẽ tập trung theo dõi hội chứng đầu nhỏ”.
Phụ nữ có nên trì hoãn việc mang thai do lo lắng chứng đầu nhỏ hay không?
- Có thai hay không và khi nào nên có thai là quyết định của cá nhân trên cơ sở thông tin đầy đủ và khả năng tiếp cận cơ sở y tế.
- Phụ nữ nên tiếp cận với các biện pháp tránh thai ngắn hoặc dài hạn.
Phụ nữ mang thai nên làm gì nếu bị nhiễm virus Zika?
Phụ nữ mang thai nếu bị nhiễm virus Zika nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và chăm sóc thai cẩn thận.
PGS.TS Trần Danh Cường cho biết:
“Nếu người mẹ mang thai nhiễm Virus Zika, không có nghĩa là sẽ phải phá bỏ thai hay đình chỉ thai nghén ngay lập tức. Tuy nhiên, trong trường hợp phát hiện đứa trẻ bị hội chứng đầu nhỏ thì việc đình chỉ thai nghén là cần thiết. Vì những di chứng của hội chứng đầu nhỏ rất nặng nề về với trẻ. Khi chào đời trẻ có thể bị ảnh hưởng tới thần kinh, vận động, sự phát triển của chúng”.
“Việc ngừng thai nghén của thai phụ bị nhiễm Zika và thai nhi bị dị tật đầu nhỏ tùy thuộc theo tuổi thai, nếu phát hiện trước 22 tuần thai thì việc quyết định ngừng thai nghén rất dễ, nhưng nếu muộn hơn 32 tuần thì việc ngừng là khó khăn, phức tạp. Việc đình chỉ thai nghén tùy từng trượng hợp mà có chỉ định khác nhau”.
Phụ nữ nên làm gì nếu muốn bỏ thai do lo lắng về chứng đầu nhỏ?
- Hầu hết phụ nữ trong khu vực có virus Zika sinh ra những đứa trẻ bình thường.
- Việc siêu âm thai chưa đủ để xác định chứng đầu nhỏ trừ những trường hợp có biến dạng rõ rệt.
- Phụ nữ nếu muốn bỏ thai do lo lắng về chứng đầu nhỏ nên đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn các biện pháp phá thai an toàn.
Một số báo cáo cho rằng virus Zika có thể truyền qua đường tình dục, làm thể nào để phòng tránh?
Virus Zika đã được tìm thấy trong tinh dịch, một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng virus Zika có thể truyền từ người này sang người khác qua quan hệ tình dục. Tuy nhiên, cần có thêm bằng chứng để khẳng định virus này có thể lây truyền dễ dàng qua đường tình dục.
Cho đến khi có thông tin chính xác về vấn đề này, mọi người sống hoặc trở về từ vùng có virus Zika nên lắng nghe tư vấn của cán bộ y tế về nguy cơ truyền bệnh và biện pháp quan hệ tình dục an toàn. Sử dụng bao cao su đúng cách là biện pháp bảo vệ hiệu quả nhất đối với các bệnh truyền qua đường tình dục.
Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika , Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Phải đến ngay cơ sở y tế nếu có biểu hiện sốt để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng (bọ gậy) bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa, dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ. Lật úp các dụng cụ không chứa nước. Thường xuyên thay nước bình hoa. Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.