Công ty hàng không vũ trụ Swarm Technologies bị phạt 900.000 USD vì phóng vệ tinh không được sự đồng ý của Cơ quan Truyền thông Liên bang Mỹ.
Đầu năm nay, Swarm Technologies – một công ty hàng không vũ trụ mới của Mỹ – đã phóng 4 vệ tinh nhỏ mà không được chính phủ chấp thuận. Hãng đã đồng ý đóng 900.000 USD vào kho bạc Mỹ cho việc làm trái phép của mình.
Khoản tiền phạt là một phần của thỏa thuận với Cơ quan Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) – nơi điều tra vụ việc. Swarm Technologies cũng sẽ chịu một kế hoạch xem xét nghiêm ngặt và phải nộp thêm tài liệu cho FCC bất cứ khi nào công ty muốn phóng vệ tinh trong tương lai.
Swarm Technologies khởi nghiệp với tham vọng sẽ đưa 100 vệ tinh lên quỹ đạo để cung cấp internet toàn cầu giá rẻ. Vào ngày 12/1, công ty đã phóng các vệ tinh đầu tiên, trong đó có bốn thiết bị nhỏ tên là SpaceBEE trên đỉnh một tên lửa PSLV của Ấn Độ. Tuy nhiên, sau đó Cơ quan Truyền thông Liên bang thông báo chưa cấp phép cho bốn vệ tinh này của Swarm.
Lý do FCC đưa ra là họ lo lắng rằng các SpaceBEE quá nhỏ để theo dõi từ trái đất và rất khó biết được nếu có sự va chạm với những vệ tinh khác.
Vào tháng 3, FCC đã mở một cuộc điều tra về vụ việc. Cơ quan này nhận thấy Swarm không chỉ phóng vệ tinh khi chưa được phép mà còn sử dụng trái phép các trạm liên lạc mặt đất ở Georgia để kết nối với các vệ tinh trong hơn một tuần, lúc tàu vũ trụ đang ở trên quỹ đạo.
Thêm vào đó, công ty đã thực hiện các thử nghiệm bất hợp pháp với bóng bay thời tiết và một số thiết bị khác trước khi bị lộ. FCC chịu trách nhiệm cấp phép tất cả các quy trình này, nhưng đã không đồng ý cho Swarm thực hiện.
Cùng với việc trả một khoản tiền phạt khổng lồ, Swarm còn phải gửi báo cáo liên tục cho FCC trước mỗi lần phóng vệ tinh trong ba năm tới. Các báo cáo phải có tất cả chi tiết về phương tiện phóng sẽ mang theo các vệ tinh, thời gian và địa điểm khởi động, thông tin liên lạc của người đang điều phối vụ phóng. Hãng phải làm tốt điều này nếu muốn thực hiện việc đưa vệ tinh lên vũ trụ trong tương lai.
Báo cáo cần phải được gửi trong vòng năm ngày kể từ khi mua chuyến bay trên một tên lửa, hoặc trong vòng 45 ngày của chuyến bay và gửi bổ sung khi các vệ tinh được vận chuyển để tích hợp trên tên lửa, lúc thực sự được tích hợp và khoảng thời gian sẽ phóng.
Trong vòng hai tháng tới, Swarm cũng phải thiết lập kế hoạch để đảm bảo công ty tuân thủ tất cả các quy định xung quanh việc phóng vệ tinh. Điều này đòi hỏi phải xây dựng các quy trình và danh sách kiểm tra rõ ràng, mọi nhân viên phải tuân theo để xác nhận các yêu cầu cấp phép của FCC đang được thực hiện.
Ông Michael O’Rielly, đại diện cho FCC cho biết hai bên đã đi đến một thỏa thuận khác trước đó, nhưng một số thành viên trong cơ quan cho rằng việc giải quyết quá dễ dàng nên đã đàm phán lại một lần nữa để đi đến thỏa thuận cuối cùng.
Ông Sara Sara Spangelo, CEO và đồng sáng lập của Swarm cho biết trong một tuyên bố với The Verge, họ sẽ tuân thủ tất cả các điều khoản trên. “Swarm chấp nhận quyết định của FCC và đánh giá cao sự hỗ trợ liên tục của cơ quan cho nhiệm vụ của mình”, ông nói.
Sắp tới, FCC sẽ xem xét các ứng dụng vừa khởi chạy của Swarm một cách cụ thể. Nhưng có vẻ như công ty sẽ nhận được giấy phép trong tương lai. Trên thực tế, cơ quan này đã phê duyệt việc phóng thêm ba vệ tinh Swarm, đã bay thành công lên vũ trụ trên đỉnh tên lửa SpaceX Falcon 9 vào đầu tháng 12. Và FCC cũng khẳng định kể từ sự cố tháng 1, Swarm đã không tham gia vào bất kỳ hoạt động vệ tinh trái phép nào nữa.
Cách giải quyết vấn đề như trên là công cụ răn đe hiệu quả đối với các nhà khai thác vệ tinh khác, đặc biệt là những đơn vị còn non trẻ lăm le ý định phóng vệ tinh một cách trái phép. Việc phải làm nhiều giấy tờ hơn để lên vũ trụ có thể làm giảm bớt khả năng đó và khoản tiền phạt gần một triệu USD thật sự không phải nhỏ, ngay cả đối với hãng từng có các khoản tiền thiên văn.
Và để tăng mức độ nghiêm trọng của vụ việc, FCC cũng đã gửi một cảnh báo vào tháng tư, yêu cầu các nhà khai thác vệ tinh khác không được làm những việc trái phép như Swarm, nếu không họ cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Theo: The Verge