Nếu không cẩn thận, bạn rất dễ bị đánh lừa bởi những nguồn tin sai sự thật trên Internet. Bài viết này gồm những câu hỏi giúp bạn phân biệt tin giả và tin thật.

Mỗi ngày bạn phải tiếp nhận rất nhiều thông tin trên báo chí, mạng xã hội… Tuy nhiên không phải tất cả thông tin trên đó đều đúng sự thật. Nếu không có đủ kiến thức về lĩnh vực đó, bạn rất dễ bị đánh lừa bởi những nguồn tin sai lệch. Hiện tại, rất nhiều kẻ xấu đang lợi dụng thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát để phát tán tin giả, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong cộng đồng. Nguy hiểm hơn, nếu những thông tin đó được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Khi cảm thấy nguồn tin nhận được có vẻ không đáng tin cậy, bạn hãy tự tìm câu trả lời cho những câu hỏi dưới đây.

Làm thế nào để phân biệt tin giả và tin thật?

1. Thông tin đó có xuất hiện trên “website lạ” không?

Hãy lưu ý hậu tố tên miền của đường dẫn trang web. Nhiều trang giả mạo đã bắt chước tên những trang web uy tín và đáng tin cậy, giống URL và tên miền, nhưng thay vì dùng .com, họ sẽ dùng .com.co ở cuối. Vì vậy, bạn nên thận trọng nếu thấy hậu tố tên miền của đường dẫn có dạng như “.co” hay “.su” hoặc những hậu tố kiểu tương tự.

2. Tiêu đề bài viết có khớp với nội dung không?

Nhiều người thường không nhấp chuột vào xem nội dung của bài viết mà chỉ xem tiêu đề. Đây là một trong những lý do lớn nhất khiến tin tức giả lan truyền trên mạng xã hội.

3. Thông tin trong bài viết mới xảy ra hay đã cũ?

Thỉnh thoảng sẽ có trường hợp những thông tin thật nhưng đã cũ, được “đào lên”, chỉnh sửa để sử dụng lại với mục đích khác, lèo lái theo ý định của người viết. Khi bạn nghi ngờ về tính xác thực của thông tin, hãy thử tìm kiếm từ khóa về sự kiện được báo cáo trong bài viết trên Google Search xem thời điểm chính xác thông tin đó được đăng.

4. Video và hình ảnh trong bài viết đã được kiểm chứng chưa?

Vì muốn xuyên tạc sự thât, những trang tin tức giả thường xử lý, chỉnh sửa hình ảnh hoặc cắt xén video để phù hợp với ngữ cảnh. Trong trường hợp này, người dùng có thể xác minh độ tin cậy của các bức hình trong bài viết bằng cách bấm chuột phải vào tấm hình cảm thấy đáng ngờ và chọn Search Google for image (Tìm kiếm hình ảnh trên Google), những trang web có hình ảnh tương tự sẽ hiện ra. Nếu hình ảnh đó có điểm khác biệt với những hình ảnh còn lại, hoặc nhiều trang web cũng sử dụng hình ảnh đó nhưng với những nội dung khác thì bạn nên cảnh giác với nội dung bài viết.

5. Nguồn tin bài viết

Những thông tin chính thống, đúng sự thật thường chứa đường dẫn tới các nguồn tin đáng tin cậy, đồng thời hiển thị thời gian cụ thể. Những thông tin khác có thể là giả mạo, sai sự thật.

6. Có phải chính bạn đang thiên vị không?

Sự thiên vị của mỗi người cũng là một lý do lớn khiến cho tin tức giả có cơ hội lan tràn. Ví dụ, nếu bạn không thích Tổng thống Donald Trump, bạn dễ có xu hướng cho rằng những thông tin tiêu cực về vị tổng thống Mỹ này là đúng dù không có bất kỳ bằng chứng nào.

Góc quảng cáo