Báo cáo e-Conomy SEA 2024: Nền kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số
Xem nhanh
- 1. Nền kinh tế số Việt Nam giữ vững mức tăng trưởng hai con số, thúc đẩy chủ yếu bởi lĩnh vực thương mại điện tử và du lịch trực tuyến
- 2. Lĩnh vực truyền thông trực tuyến tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á
- 3. Thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn với các hãng xe nội địa và xe điện (EV)
- 4. Mối quan tâm và nhu cầu về AI dẫn đầu ở các khu vực đô thị tại Việt Nam, điển hình là TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng
- 6. Một xã hội không tiền mặt đang nhanh chóng được hình thành tại Việt Nam, thúc đẩy bởi việc áp dụng rộng rãi các phương thức thanh toán kỹ thuật số và các sáng kiến của Chính phủ
- 7. Nguồn vốn tư nhân giảm trên mọi lĩnh vực
Google, Temasek và Bain & Company công bố báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á lần thứ chín với chủ đề “Lợi Nhuận trên Đà Tăng Trưởng, Khai Thác Lợi Thế của Khu Vực Đông Nam Á”, cập nhật xu hướng kinh tế số của sáu quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam trên sáu lĩnh vực: thương mại điện tử, dịch vụ giao đồ ăn, vận tải, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và dịch vụ tài chính.
Nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á đang phát triển mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng và sự tiến bộ của công nghệ. Bất chấp các thách thức toàn cầu, nền kinh tế của khu vực vẫn trụ vững, tăng trưởng GDP mạnh mẽ và lạm phát hạ nhiệt.
Nền kinh tế số là động lực chính của sự tăng trưởng này, tổng giá trị hàng hóa (GMV), doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng trong hai năm qua. Năm 2024, nền kinh tế số khu vực dự kiến đạt 263 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV), thu về 11 tỷ USD lợi nhuận, theo đó GMV và lợi nhuận đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lần lượt ở mức 15% và 24% kể từ năm 2023.
Lần đầu tiên, báo cáo tập trung xem xét tình hình nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á thông qua lăng kính lợi nhuận. Những doanh nghiệp chủ chốt đã đạt được bước tiến đáng kể về lợi nhuận thông qua việc thắt chặt hoa hồng, chính sách trả thưởng chặt chẽ với mục tiêu cụ thể, và các nguồn thu nhập mới giúp thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận gấp 2,5 lần trong hai năm qua tại Đông Nam Á.
Những điểm nhấn chính của Việt Nam trong báo cáo năm nay bao gồm:
1. Nền kinh tế số Việt Nam giữ vững mức tăng trưởng hai con số, thúc đẩy chủ yếu bởi lĩnh vực thương mại điện tử và du lịch trực tuyến
Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 16%, chạm mốc 36 tỷ USD vào năm 2024, hai lĩnh vực thương mại điện tử và du lịch trực tuyến là động lực thúc đẩy chính.
Năm 2024, ngành thương mại điện tử đã tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm 2023, với mức GMV chạm mốc 22 tỷ USD, trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế số Việt Nam. Ở khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng của lĩnh vực này được thúc đẩy thần tốc bởi video thương mại (video commerce) – mô hình sử dụng video trực tuyến để quảng bá sản phẩm và bán hàng.
Không chỉ đóng góp vào GMV và thu hút khách hàng mới, hình thức video thương mại chứng kiến tăng trưởng nhanh chóng trong năm qua. Mặc dù tác động toàn bộ của video commerce trong việc giữ chân khách hàng lâu dài vẫn chưa rõ nét, mô hình này mang lại tiềm năng xây dựng mối quan hệ bền chặt với khách hàng và thúc đẩy lòng trung thành lâu dài với thương hiệu.
Năm 2023, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng mở rộng phạm vi khám phá, những từ khóa tìm kiếm không chứa tên thương hiệu chiếm 68% tổng lượng tìm kiếm, trong khi đó tìm kiếm về các thương hiệu cụ thể chiếm 32% còn lại. Các thương hiệu đang tiếp cận khán giả thông qua việc hợp tác với nhà sáng tạo nội dung ở đa dạng lĩnh vực hơn ngoài danh mục cốt lõi của họ và thậm chí nhiều nhãn hàng tự trở thành nhà sáng tạo nội dung.
Bên cạnh thương mại điện tử, du lịch trực tuyến của Việt Nam chứng kiến tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 5 tỷ USD năm 2024, đóng góp đáng kể vào tổng giá trị hàng hóa (GMV). Du lịch trực tuyến tiếp tục duy trì việc tạo ra doanh thu thông qua tăng tỷ lệ hoa hồng trên từng chuyến bay, trong khi đó các kênh bán lẻ trực tiếp góp phần lớn nhất vào tổng doanh thu.
Sự tăng trưởng này được đóng góp bởi quá trình phục hồi du lịch của nhóm khách trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương (không bao gồm Đông Nam Á), chiếm 52% tổng chi tiêu du lịch tại Việt Nam. Trong khi đó, người Việt cũng chi tiêu cho du lịch nhiều nhất tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương (không bao gồm Đông Nam Á), chiếm hơn 1/3 tổng chi tiêu du lịch nước ngoài của người Việt, tương đương 36%. Đáng chú ý, chi tiêu của du khách Việt ở nước ngoài tăng trưởng 290% kể từ nửa đầu 2020, với 58% chi tiêu dành cho mua sắm.
2. Lĩnh vực truyền thông trực tuyến tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á
Năm 2024, GMV ngành truyền thông trực tuyến tại Việt Nam trên đà chạm mốc 6 tỷ USD, với tỷ lệ tăng trưởng kép tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái và dự đoán đạt mức 11 tỷ USD vào năm 2030.
Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế trong mảng phát triển game tại khu vực Đông Nam Á, với đội ngũ nhà phát triển tài năng đông đảo cùng hệ sinh thái mang tính hỗ trợ, năng động góp phần đưa Việt Nam trở thành cái nôi cho sự đổi mới trong lĩnh vực game di động.
Nội dung video nguyên bản tại Việt Nam tiếp tục là động lực chính thúc đẩy lượng đăng ký theo dõi trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của các nền tảng streaming. Bên cạnh đó, định dạng này cũng thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo tại Việt Nam thông qua phân khúc video thương mại, mở ra nguồn doanh thu mới cho nhà sáng tạo nội dung. Đáng chú ý, những nội dung về thời trang và phong cách thu hút số lượng nhà sáng tạo nhiều nhất bởi lượng người tiêu dùng, theo sau là game.
3. Thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn với các hãng xe nội địa và xe điện (EV)
GMV của Việt Nam cho hai lĩnh vực vận tải và thực phẩm dự kiến đạt 4 tỷ USD (tăng trưởng 12%) trong năm nay. Không chỉ vậy, lĩnh vực gọi xe của Việt Nam đang trải qua thời kỳ cạnh tranh gay gắt với sự xuất hiện của các hãng xe nội địa và xe điện. Bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng dẫn đến sự rút lui của một số công ty trong khu vực. Khi lĩnh vực này tiếp tục phát triển, dự kiến sự cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn, định hình lại ngành và có khả năng đẩy nhanh sự lấn sân của xe điện.
4. Mối quan tâm và nhu cầu về AI dẫn đầu ở các khu vực đô thị tại Việt Nam, điển hình là TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng
Sự chuyển mình và phát triển của kỹ thuật số cho thấy người dùng ngày càng thích ứng và sẵn sàng với các giải pháp và dịch vụ mới. Điều này cũng thúc đẩy mức độ quan tâm và nhu cầu về AI trong cộng đồng người tiêu dùng số tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt ở các thành phố lớn.
Tại Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về mức độ quan tâm và nhu cầu về AI. Các ngành Giáo dục, Tiếp thị và Chăm sóc sức khỏe là ba ngành tạo ra nhiều lượng tìm kiếm nhất về AI tại Việt Nam.
Ngoài ra, AI cũng đang đóng vai trò chuyển đổi trong sự phát triển của Nền kinh tế sáng tạo. Với sự phổ biến của các công cụ cùng nền tảng tạo nội dung dễ tiếp cận và sử dụng, điều này đã tạo đà cho kinh tế sáng tạo phát triển mạnh mẽ. Theo đó, tại Việt Nam, có hơn 22% lượt tải xuống các ứng dụng di động tích hợp những tính năng AI như hiệu ứng ảnh, tạo dựng nội dung và chỉnh sửa video.
Nhận thấy được cơ hội này, trong năm qua, Chính phủ Việt Nam đã công bố lộ trình kỹ thuật số đầy tham vọng, trong đó nhấn mạnh vào AI và công nghệ bán dẫn cùng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện các dịch vụ công. Cách tiếp cận chủ động này của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam đạt được những tiến bộ đáng kể về công nghệ số bất chấp những hạn chế trước đây trong đầu tư cơ sở hạ tầng.
6. Một xã hội không tiền mặt đang nhanh chóng được hình thành tại Việt Nam, thúc đẩy bởi việc áp dụng rộng rãi các phương thức thanh toán kỹ thuật số và các sáng kiến của Chính phủ
Việt Nam đang nhanh chóng phổ biến hình thức không dùng tiền mặt, được thúc đẩy bởi các sáng kiến cộng đồng và giải pháp tài chính sáng tạo. Sự phát triển của ví điện tử cùng với việc áp dụng rộng rãi thanh toán bằng mã QR đã làm giảm đáng kể các giao dịch tiền mặt. Các sáng kiến của Chính phủ đã tiêu chuẩn hóa hệ thống thanh toán và nâng cao khả năng tương tác, khuyến khích hơn nữa việc chuyển đổi sử dụng không tiền mặt.
7. Nguồn vốn tư nhân giảm trên mọi lĩnh vực
Dù 2023 là một năm đầy thách thức, mức vốn đầu tư trong khu vực Đông Nam Á vẫn giữ mức 6-8 tỷ USD mỗi năm, với số thương vụ giảm và lãi suất trái phiếu kho bạc tăng. Các nhà đầu tư hiện đang ưu tiên những công ty có kinh tế vững chắc, tiềm năng thị trường mạnh mẽ và có lộ trình đạt lợi nhuận rõ ràng. Xu hướng chuyển đổi này đã khiến những người sáng lập doanh nghiệp tập trung vào việc xây dựng mô hình kinh doanh bền vững ngay từ ban đầu.
Chịu ảnh hưởng bởi sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu và khu vực, nguồn vốn tư nhân tại Việt Nam giảm trên mọi lĩnh vực, chỉ 23 thương vụ được ghi nhận trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, 80% nhà đầu tư kỳ vọng và thể hiện sự tự tin rằng hoạt động đầu tư tại Việt Nam sẽ tăng trưởng dài hạn (giai đoạn 2025 – 2030), đặc biệt đối với các lĩnh vực phần mềm & dịch vụ, tài chính số, công nghệ y tế và AI.
Ông Andrea Campagnoli, Đối tác tại Bain & Company cho biết: “Nền kinh tế số Đông Nam Á tiếp tục vận hành tốt, với GMV và doanh thu tăng trưởng hai con số, cùng với lợi nhuận phát triển trên nhiều lĩnh vực, dẫn đầu bởi các công ty lớn. Nền kinh tế số của Việt Nam tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô, đặc biệt là với hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động và phát triển, hứa hẹn trở thành một điểm nóng cho công nghệ AI và đổi mới.
Để khai thác toàn diện tiềm năng chuyển đổi của AI tạo sinh, các doanh nghiệp phải vượt qua giai đoạn thử nghiệm và đầu tư vào các yếu tố nền tảng – liên kết các sáng kiến AI với mục tiêu kinh doanh cốt lõi để giải quyết những vấn đề thực tế và tạo ra giá trị hữu hình, tăng cường nhân tài AI và xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng mở rộng, thích ứng để phát triển bền vững.”
“Nền kinh tế số của Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn nhờ các yếu tố nội tại vững chắc như dân số trẻ, am hiểu công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp năng động. Temasek cam kết triển khai vốn xúc tác cho nền kinh tế số của Việt Nam để đạt được tăng trưởng bền vững và bao trùm, nhằm đảm bảo sự thịnh vượng cho mọi thế hệ.”, ông Fock Wai Hoong, Trưởng ban Đông Nam Á, Temasek nhận định.
Ông Marc Woo, Giám đốc điều hành, phụ trách Việt Nam, Google Châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ:“Trong 5 năm qua, chúng tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh và liên tục của nền kinh tế số Việt Nam, và năm 2024 tiếp tục chứng minh tiềm năng ấy. Được thúc đẩy bởi thương mại điện tử, nền kinh tế số quốc gia duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số, dù trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn.
Ngoài ra, lĩnh vực truyền thông trực tuyến tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á (14%), và ngày càng có nhiều nhà phát triển ứng dụng Việt Nam tạo nên ảnh hưởng toàn cầu với các ứng dụng phổ biến cho người dùng trên toàn thế giới. Người dùng Việt Nam cũng thể hiện sự quan tâm rất lớn về AI trong năm 2024 và thật đáng khích lệ khi Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên lĩnh vực này.
Cam kết “Kiến tạo Việt Nam, với Google AI” của Google tiếp tục hỗ trợ kinh tế số Việt Nam tăng trưởng bằng cách giúp lực lượng lao động và doanh nghiệp địa phương trang bị kỹ năng và kiến thức sẵn sàng cho kỷ nguyên AI. Chúng tôi tự hào đã tạo ra tác động tích cực với các sáng kiến như “Google for Startups Accelerator” và mới nhất là quỹ 1 triệu USD dành cho nghiên cứu và phát triển AI tại Việt Nam thông qua Đại học Fulbright Việt Nam.”