Chuyên gia bán lẻ: Nokia cần phải làm 6 điều nếu muốn thành công tại Việt Nam
Xem nhanh
Thừa hưởng tên tuổi từ Nokia Phần Lan trước đây, những ông chủ mới của thương hiệu Nokia cần làm những thứ sau đây mới mong thành công tại Việt Nam.
HMD Global vừa ra mắt thị trường Việt 3 mẫu smartphone gồm Nokia 3, 5, 6. Trước đó, công ty này tung ra phiên bản làm mới của chiếc Nokia 3310 và liên tục cháy hàng (do lượng hàng phân phối nhỏ giọt cho các đại lý).
Nếu xét về thị phần, điện thoại gắn mác Nokia hiện nay nằm cùng nhóm dưới như Sony, HTC, Huawei, Asus, Vivo, Mobiistar,… Tuy vậy, chắc chắn không có thương hiệu nào ở nhóm “chiếu dưới” này được quan tâm nhiều như điện thoại thương hiệu Nokia.
Tất cả thông tin về Nokia dưới thời HMD Global như 3310 phiên bản 2017 và các smartphone 3, 5, 6, 9 đều được truyền thông quan tâm đặc biệt, không chỉ tại Việt Nam mà cả thế giới.
Sức hút của điện thoại thương hiệu Nokia chắc chắn do di sản mà hãng điện thoại Phần Lan để lại. Và đây chính là ưu thế mạnh nhất hiện nay của hãng này khi tham chiến tại các thị trường. Nhưng với hào quang xưa, liệu HMD Global với quyền kinh doanh Nokia có vực dậy thương hiệu này tại Việt Nam hay không vẫn cần thời gian trả lời.
Tất cả các chuyên gia trả lời ICTnews đều thống nhất rằng thương hiệu Nokia vẫn còn trong lòng nhiều người Việt nên khả năng thành công của điện thoại mang thương hiệu này là cao. Tuy nhiên, thế hệ người dùng ưa chuộng điện thoại Nokia đã lớn, trong khi HMD cần phải chinh phục nhóm khách hàng trẻ hiện nay, vốn không hề dễ dàng.
Ông Mai Triều Nguyên, chủ hệ thống Mai Nguyên, cho rằng “cửa” cho HMD Global dù khó khăn nhưng vẫn có, có thể tiến đến vị trí thứ 4 thị trường Việt Nam, sau Samsung, Apple, Oppo. Ông Trương Hồng Hoàng, Giám đốc phụ trách ngành hàng Nokia tại Thế Giới Di Động, cho biết mặc dù đã có thương hiệu trước đây nhưng sự thành công của điện thoại thương hiệu Nokia vẫn là câu hỏi lớn. Vậy HMD cần làm gì?
1. Phải thành công bước đầu
Ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc hệ thống FPT Shop cho rằng HMD cần thành công ngay ban đầu với những chiếc smartphone Nokia 3, 5, 6 vừa ra mắt tại Việt Nam, dựa vào tên tuổi mà Nokia có được trước đây.
2. Tung chiến dịch tiếp thị đủ mạnh
Sau những thành công bước đầu, theo ông Việt Anh, HMD Global phải làm các hoạt động truyền thông giúp người dùng hiểu về điện thoại Nokia gắn với hệ điều hành Android. Đồng thời, các hoạt động tiếp thị phải được tiến hành song song nhằm đảm bảo độ phủ rộng lớn, giúp thương hiệu Nokia được biết đến nhiều nhất, đặc biệt là các thế hệ trẻ.
Không chỉ phủ rộng, ông Trương Hồng Hoàng cho rằng chiến dịch tiếp thị phải kéo dài, đủ mạnh để gợi nhớ và quảng bá thương hiệu Nokia tại Việt Nam, vì giới trẻ độ tuổi 15-25 đã quen dần với các thương hiệu mới và dễ dàng thay đổi hơn nhóm khách hàng 10 năm trước đây có nhiều hồi ức tốt đẹp về sản phẩm Nokia.
Những hoạt động tại các kênh bán hàng như bàn trải nghiệm và nhân viên bán hàng riêng cho Nokia cũng rất cần, để người tiêu dùng có thể trải nghiệm và được tư vấn về các sản phẩm của Nokia.
3. Xây dựng trung tâm bảo hành và dịch vụ sau bán hàng
Ông Trương Hồng Hoàng cho rằng Nokia cần phát triển mạng lưới trung tâm bảo hành để đảm bảo dịch vụ sau bán hàng tốt nhất cho người tiêu dùng. Hoặc có chính sách bảo hành đặc biệt cho khách hàng yên tâm và tin cậy sử dụng sản phẩm Nokia.
4. Sản phẩm khác biệt
Ông Hoàng cũng chia sẻ, sản phẩm Nokia phải luôn thể hiện cái chất và linh hồn của Nokia trước đây trong thiết kế và sử dụng.
Song song đó, HMD cần tạo những nét riêng khác biệt cho Nokia, theo ý kiến của ông Nguyễn Lạc Huy – đại diện CellphoneS. Đánh giá những smartphone mới ra mang thương hiệu Nokia chưa thực sự ấn tượng, ông Huy cho rằng HMD cần tìm hướng đi riêng, khác biệt với các sản phẩm khác trên thị trường. Chẳng hạn cần tạo ra xu thế như camera kép, hoặc như Oppo tập trung phát triển điện thoại chụp ảnh selfie.
Với tỷ lệ người dùng điện thoại cơ bản mang thương hiệu Nokia đang khá cao, ông Hoàng cho rằng HMD cần biến nhóm khách hàng này chuyển sang dùng smartphone mang thương hiệu Nokia. Sắp tới, HMD ra mắt những chiếc smartphone giá rẻ có kết nối 4G, sẽ là một hướng đi dễ xâm nhập thị trường Việt Nam.
5. Đội ngũ thiện chiến
Điện thoại thương hiệu Nokia có lợi thế nhất định, nhưng ông Mai Triều Nguyên nhận định rằng đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm, am hiểu thị trường, năng động, quyết tâm mới tạo nên thành công. 3 hãng thành công dẫn đầu thị trường Việt Nam đều có đội ngũ đáp ứng các yếu tố kể trên, bên cạnh đó, các hãng này đầu tư nghiêm túc và thật sự kiên trì và bền bỉ mới thành công tại Việt Nam.
“Thị trường Việt Nam khó mà dễ, dễ mà khó. Phải cày, cày và cày thì mới hái được quả ngọt”, ông Nguyên kết luận.
6. “O bế” nhà bán lẻ
Sau cùng, ông Nguyễn Việt Anh cho rằng HMD phải xây dựng mối quan hệ và duy trì tính canh trạnh về mặt lợi nhuận kinh doanh với các nhà bán lẻ lớn trên thị trường.
Ông Mai Triều Nguyên cũng chia sẻ câu chuyện bên lề về một hãng khá thành công trước đây từng có chính sách chiết khấu tốt cho nhà bán lẻ, tuy nhiên sau đó giảm lãi của các nhà bán lẻ nên đã bị phản ứng, khiến thị phần đi xuống.
Ông Trương Hồng Hoàng cho rằng HMD phải đảm bảo cung cấp đủ hàng hoá và phát triển kênh bán hàng đến tay người tiêu dùng nhanh nhất và giá thành hợp lý nhất. (Hiện nay Nokia 3310 phiên bản 2017 vẫn khan hàng, trong khi các smartphone mới ra mắt chưa bán ra – PV).
Nokia từng là số 1 thế giới nhưng sau đó lao dốc không phanh, được mua lại bởi Microsoft nhưng vẫn không lấy lại được hào quang xưa. Từ cuối năm 2016, thương hiệu Nokia đã được liên doanh HMD Global và FIH Mobile mua lại, với quyền kinh doanh thương hiệu đến năm 2024 cho HMD Global.
HMD Global là công ty mới thành lập tại Phần Lan cuối năm 2016 với những lãnh đạo cao cấp từng làm cho hãng Nokia cũ. Trong khi đó, FIH Mobile là công ty con của tập đoàn Hồng Hải/Foxconn (Trung Quốc) sẽ đảm nhiệm việc sản xuất điện thoại gắn thương hiệu Nokia.
Nguồn: ICTnews