Hệ thống thị giác máy tính dựa vào trí tuệ nhân tạo (AI) có thể hỗ trợ các nhà quản lý đo lường, giúp tính toán được sự tiến bộ hoặc suy thoái của một khu phố.
Theo Engadget, các nhà nghiên cứu tại Media Lab thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã xây dựng một hệ thống thị giác máy tính có thể xác định được tỷ lệ cải thiện hoặc phân rã trong một khu vực đô thị nhất định. Nhóm nghiên cứu đã dạy một hệ thống máy học để so sánh 1,6 triệu cặp ảnh (trong vài năm liên tiếp) từ Google Street View để tìm ra các dấu hiệu thay đổi trên cơ sở đối tượng-đối tượng.
Ví dụ, nếu có nhiều không gian xanh hơn hoặc tòa nhà lớn trong hình ảnh mới, điều này có nghĩa khu vực này đang phát triển.
Công nghệ này đã được đào tạo để bỏ qua những thay đổi có thể làm ảnh hưởng đến kết quả, chẳng hạn như xe đỗ hoặc sự khác biệt theo mùa của cây cối.
Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, kết quả thu được cũng có ý nghĩa nhiều cho các mục tiêu khác. Các khu phố phát triển cho thấy mật độ dân cư được giáo dục tốt hơn, khả năng tiếp cận các khu vực kinh doanh chính (hoặc các khu dân cư khác) dễ dàng hơn, và các địa điểm an toàn xuất hiện nhiều hơn.
Đây không phải là điều quá ngạc nhiên, bởi tỷ lệ tăng trưởng địa điểm an toàn sẽ giúp đảm bảo sự tăng tốc mang tính bền vững. Các khu phố không được đánh giá phát triển khi những tòa nhà đã quá cũ không được nâng cấp.
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng, ở thời điểm hiện tại hệ thống thị giác máy tính dựa trên AI không hoàn toàn đáng tin cậy. Điều này xuất phát từ việc hệ thống cần phải xác định những sự thay đổi lớn thay vì chỉ là những thay đổi tương đối ít.
Nhóm nghiên cứu tại MIT cho biết họ sẽ phát triển một phiên bản tinh tế hơn trong tương lai để hệ thống có thể chuyển những thông báo đến chính quyền thành phố giúp họ xác định công việc cần thiết để đưa thành phố phát triển và tránh những sai sót dẫn đến khủng hoảng.
Sau khi lộ diện dòng smartphone Galaxy On tại Flipkart, Samsung đã chính thức giới thiệu Galaxy On Max tại thị trường Ấn Độ.
Galaxy On Max thực chất là Galaxy J7 Max nhưng được làm lại thương hiệu để bán online, tương tự như dòng Galaxy On7 ra mắt năm 2016. Galaxy On Max có giá khoảng 262 USD (gần 6 triệu đồng).
Về cấu hình, Galaxy On Max (SM-G615F) sở hữu màn hình 5,7 inch Full HD, dùng panel TFT, máy dùng chip lõi 8 MTK P25 Lite (1,6GHz), RAM 4GB, bộ nhớ trong 32GB và hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ microSD. Máy có thiết kế vỏ kim loại và pin 3.300mAh.
On Max còn có camera 13MP với khẩu độ f/1.7, còn camera trước cũng 13MP và khẩu f/1.9. Cả hai camera đều có đèn Flash LED.
Máy còn có cảm biến vân tay tích hợp vào nút Home, với độ dày 8,1mm và nặng 178g. Galaxy On Max sẽ có hai phiên bản màu đen và vàng, bán ra vào ngày 10/7 tới tại Ấn Độ.
Chưa rõ phiên bản Galaxy On Max này có được Samsung đem về Việt Nam hay không.
Nỗ lực ngăn chặn vi phạm bản quyền không chỉ nhằm bảo vệ cho các nhà sản xuất nội dung khỏi bị thiệt hại mà còn là biện pháp để ngăn chặn mã độc tấn công người dùng Internet từ các quảng cáo được cài cắm trên trang web lậu.
Trước sự bùng nổ của các trang web lậu, ngành điện ảnh, truyền hình, nội dung số trở thành nạn nhân của vi phạm bản quyền. Quảng cáo số được coi là nguồn nuôi dưỡng chính của các trang web lậu. Hiện có nhiều đề xuất về việc phải ngăn chặn nguồn thu quảng cáo của các trang web lậu, cùng với việc cắt hợp đồng dịch vụ thuê máy chủ, thu hồi tên miền để xử lý nạn vi phạm bản quyền.
Có thể nói việc ngăn chặn vi phạm bản quyền không chỉ nhằm bảo vệ cho các nhà sản xuất nội dung khỏi bị thiệt hại mà còn là biện pháp để ngăn chặn mã độc tấn công người dùng Internet từ các quảng cáo được cài cắm trên trang web lậu.
Việt Nam đã đến lúc cần có biện pháp mạnh tay hơn nữa đối với nạn vi phạm bản quyền. Báo cáo mới đây của Verisite cho thấy, có 51 quảng cáo độc hại đang chạy trên 31 trang web lậu ở Việt Nam, trong đó nhiều quảng cáo chứa các phần mềm độc hại, phần mềm tống tiền, các sản phẩm khiêu dâm, cá cược và hoạt động phi pháp. 58% quảng cáo độc hại được phát hiện trên các trang web trình chiếu video, 42% trên các trang web tải trực tiếp. Tổng số lượt truy cập vào các trang này vào khoảng 19.000 lượt mỗi ngày.
Không riêng gì Việt Nam, mà các quốc gia có nền nội dung số phát triển như Hàn Quốc, Anh, Mỹ đều phải ra tay xử lý nạn vi phạm bản quyền trên môi trường Internet. Trong đó, biện pháp được coi là hữu hiệu nhất chính là việc ngăn chặn nguồn thu từ quảng cáo trên các trang web lậu, khi nguồn thu bị chặt đứt thì các trang web này sẽ khó có thể tồn tại.
Vậy hãy cùng xem các quốc gia khác đã áp dụng quy trình nào để ngăn chặn quảng cáo trên trang web lậu. Ông Changhoon Lee, Nhóm bảo vệ nội dung, thuộc Cơ quan bảo vệ bản quyền MBC của Hàn Quốc đã chia sẻ về chiến dịch chặn quảng cáo trên web lậu (Stop AD Hàn Quốc) mà cơ quan này đã thực thi từ năm 2014 tới nay.
Ở Hàn Quốc vào năm 2015 số lượng các trang web lậu nhiều gấp 4 lần các trang web hợp pháp, các ứng dụng phi pháp nhiều gấp đôi các ứng dụng hợp pháp. Nội dung lậu được sử dụng nhiều hơn nội dung có bản quyền, với 51 triệu lượt truy cập vào các nội dung lậu trên YouTube và các trang web lậu, trong khi đó nội dung hợp pháp như truyền hình trả tiền VOD chỉ có 19 triệu lượt ( số liệu tháng 8/2015).
Trước vấn nạn này Hàn Quốc đã sử dụng biện pháp ngăn chặn nguồn thu để xử lý nạn vi phạm bản quyền trên các trang web lậu. Theo đó, các chủ sở hữu bản quyền, đơn vị quảng cáo, Chính phủ (Liên hiệp các tổ chức bản quyền Hàn Quốc) và các công ty quảng cáo đã cùng bắt tay thực hiện Dự án hợp tác công ty Stop AD.
Dự án này đặt mục tiêu sẽ ngăn chặn trung bình 67 trang web lậu mỗi năm. Hàng tháng Liên hiệp tổ chức bản quyền Hàn Quốc (KOFOKO) đã gửi thư cảnh báo tới các trang web lậu cho 12 đại lý và công ty quảng cáo lớn. Kết quả, hầu hết các đại lý quảng cáo đã hợp tác rất tốt và ngay sau đó đó có 82% các đại lý quảng cáo dừng quảng cáo trên các trang web lậu, 28,7% các đơn vị quảng cáo trực tiếp cũng đã dừng.
Các đơn vị quảng cáo trực tiếp phần lớn là quảng cáo độc hại như quảng cáo khiêu dâm, cá độ, phần mềm độc hại và trò gian lận nên họ không hợp tác trong việc ngăn chặn quảng cáo. Do đó biện pháp tiếp theo mà các nhà bảo vệ bản quyền Hàn Quốc thực hiện là tố cáo các trang web lậu chứa quảng cáo độc hại tới các cơ quan liên quan, chặn hoặc cho dừng các trang web lậu.
Tại nước Anh, lực lượng Cảnh sát chống tội phạm sở hữu trí tuệ được thành lập vào tháng 9/2013. Từ tháng 4/2014, 7 thành viên đại diện chính cho ngành công nghiệp sáng tạo nội dung đã liên kết với lực lượng Cảnh sát chống tội phạm sở hữu trí tuệ để đặt mục tiêu ngăn chặn các trang web vi phạm. Cơ quan này lập danh sách các trang web vi phạm và chuyển cho các đơn vị quảng cáo cùng các thông tin được cập nhật về các trang web vi phạm bản quyền đã được cơ quan có thẩm quyền hoặc ngành công nghiệp liên quan xác nhận về hành vi vi phạm bản quyền có tính hình sự.
Danh sách này còn để người dùng loại bỏ các trang web vi phạm pháp luật loại bỏ các trang web vi phạm pháp luật khỏi các hoạt động mua bán và thương mại của mình. Mô hình xử lý vi phạm bản quyền của Anh được đánh giá khá thành công do có sự phối hợp của Chính phủ, các nhà sở hữu quyền và các đơn vị quảng cáo.
Android có phải là Linux? Một câu hỏi trông rất đơn giản, cảm giác chỉ cần trả lời “Có” hoặc “Không” là xong. Tuy nhiên nó đã ngốn hàng năm trời tranh luận của cộng đồng Android và Linux mà vẫn chưa ngã ngũ.
Có hai điểm quan trọng khiến câu hỏi này rất khó để trả lời một cách chính xác:
Khái niệm Linux thường được dùng để chỉ một số hệ điều hành có họ hàng, nhìn qua rất giống nhau nhưng thực tế lại rất khác biệt.
Không có một khái niệm cụ thể nào định nghĩa một hệ điều hành như thế nào thì được gọi là Linux
Bài viết này sẽ giúp bạn gỡ rối một chút về việc tại sao có một số phần mềm được gọi là “Linux”. Sau đó, chúng ta sẽ đi sâu hơn về việc tranh luận “Android có phải là Linux” hay không nhé.
Linux là gì?
Khi ai đó nhắc đến “Linux” thì có thể họ đang muốn nói đến các trường hợp sau:
Nhân Linux (Linux Kernel) Đây là một phần rất nhỏ, nhưng lại vô cùng quan trọng của một hệ điều hành. Phần lõi này chịu trách nhiệm tương tác với phần cứng, cung cấp các dịch vụ để khởi động lại hệ thống. Nó kiêm luôn cả việc quản lý CPU và bộ nhớ của máy tính. Nhân Linux, cũng giống như nhân các hệ điều hành khác, chỉ có thể hoạt động như một phần của một hệ điều hành. Không thể có một hệ điều hành nào mà chỉ có mỗi phần nhân này chạy một mình được. Bởi vì Android là một hệ điều hành, cho nên bạn có thể loại trừ ngay việc coi Android là một nhân Linux đi nhé.
Một phiên bản của hệ điều hành Linux (Linux Distro, Linux Distribution). Đây là một hệ điều hành có chứa phần nhân Linux. Ngoài ra nó được tích hợp thêm các phần mềm, công cụ, các thư viện. Ngày nay nó phải có thêm giao diện người dùng (GUI) nữa. Thông thường thì ngoài các thứ đó, các Linux distro này còn phải có thêm một số phần mềm như trình duyệt, trình soạn thảo văn bản, xem film và nghe nhạc. Những phần mềm này được thiết kế để chạy trên Nhân Linux nhưng nó không được coi là một phần của nhân Linux đâu nhé. Khi nói về một hệ điều hành Linux thì bạn có thể dùng các thuật ngữ “distribution“, “distro” hay “hệ điều hành” thay thế nhau cũng được. Bởi vì Nhân Linux là miễn phí, cho nên bất kỳ ai cũng có thể lấy nó về và thêm vào vài thứ để tạo ra một hệ điều hành. Do vậy nên số lượng các hệ điều hành Linux nhiều không đếm nổi luôn.
GNU/Linux. Đa phần các Linux distro được tạo ra bởi việc kết hợp một nhân linux với hệ thống GNU. Đó là lý do nhiều người cho rằng nên gọi các Linux distro là GNU/Linux mới đúng. Đây lại là một tranh luận tốn thời gian khác. Để hiểu đơn giản, bạn chỉ cần biết rằng giữa hệ thống phần mềm GNU và nhân Linux có liên quan đến nhau rất chặt chẽ. Từ giờ mình sẽ chỉ dùng thuật ngữ “Linux distro” thôi cho gọn.
Tới đây chắc bạn thấy vẫn chưa có gì liên quan đến câu hỏi ban đầu đúng không. Chúng ta còn phải tìm hiểu thêm một chút nữa trước khi đi vào thảo luận. Đó là việc bản thân khái niệm “Android” cũng mang hai ý nghĩa.
Đầu tiên, Android ám chỉ Android Open Source Project (AOSP). Đây là một dự án nguồn mở mà ở đó Google đã viết nên mã nguồn của Android. Về cơ bản, bạn có thể dùng mã nguồn này để xây dựng một hệ điều hành chạy trên điện thoại, máy tính bảng. Tuy nhiên hệ điều hành này sẽ thiếu rất nhiều chức năng cần thiết. Đặc biệt là Google Mobile Services (GMS).
GMS này là một bộ các app và APIs thiết yếu đối với người dùng. Giống như việc iTune và App Store là không thể thiếu với người dùng macOS vậy. AOSP là mã nguồn mở, nhưng thật sự đó chỉ là phần khung trống trơ mà thôi. Cái người dùng mong đợi là một hệ điều hành đầy đủ chức năng và phải thật tiện dụng cơ.
Thứ hai Andoid dùng để chỉ hệ điều hành mà bạn thường thấy trong các điện thoại thông minh, máy tính bảng. Android này về bản chất chính là AOSP, ngoài ra có thể có thêm vài thay đổi từ nhà sản xuất. Không chỉ có thế, nó còn được tích hợp thêm rất nhiều các đoạn mã độc quyền của nhà sản xuất. Cho nên đừng nghĩ cứ điện thoại Android là giống nhau nhé. Khác nhau rất nhiều đấy.
Đa số các tranh luận về việc Android có phải là Linux hay không đều cố gắng áp dụng cho cả hai cách hiểu vể Android. Tuy nhiên có một vài trường hợp câu trả lời sẽ rất khác, tùy xem bạn định nghĩa như thế nào nữa. Bạn coi Android là AOSP hay cái mà bạn vẫn thấy trong các thiết bị chạy Android? Hãy cùng nghe qua các quan điểm sau.
Tại sao Android là Linux?
Chỉ có một lý luận duy nhất để chứng minh rằng Android là Linux. Tuy nhiên lý luận này vô cùng có lý. Đó là vì mỗi thiết bị chạy Android đều có chứa một nhân Linux. Cho nên, Android là Linux chứ sao. Bạn có thể xem phiên bản linux kernel mà mình đang sử dụng bằng cách vào Setting sau đó tìm đến About Device > Software info.
Tuy nhiên, Android không chỉ là mỗi phần nhân Linux. Nó là một hệ điều hành đầy đủ chức năng với rất nhiều các thư viện được thêm vào, có cả GUI, app và vô số thứ nữa. Nghe có vẻ giống một Linux distro thì phải? Có phải Android là một Linux distro không?
Trong thực tế, có rất nhiều Linux distro, cho nên việc gom hết lại cho vào một định nghĩa: Thế nào là một Linux distro là rất khó.
Ngoài việc phải có một Linux kernel ra, định nghĩa Linux distro khá là mở và khó xác định. Cho nên cũng khó thể nói rằng Android là một Linux distro.
Tại sao Android KHÔNG phải là Linux, nó đâu có sử dụng Linux Kernel chuẩn đâu?
Để có thể tạo ra một hệ điều hành phù hợp với một chiếc điện thoại, đội ngũ phát triển Android đã phải thay đổi Linux kernel khá nhiều. Họ đã phải thêm vào các thư viện mới, các APIs và các công cụ được thiết kế riêng biệt, tối ưu hóa cho Android
Trở lại luận điểm đầu tiên cho rằng Android là một Linux distro. Lý do chính để luận điểm này có lý là bởi vì Android có dùng Linux kernel. Nhưng cái đó đâu phải kernel chuẩn đâu? Bị thay đổi rất nhiều luôn rồi mà?
Thật ra, cũng không hiếm khi bạn gặp một Linux distro sử dụng phần kernel đã bị thay đổi.
Linux kernel được phân phối dưới hiệu lực của giấy phép GNU (General Public License). Cho nên ai cũng có thể sửa mã nguồn của nó. Và thực tế thì cũng rất nhiều Linux distro đã làm việc này. Vậy thì vấn đề sẽ là đội ngũ phát triển Android đã sửa phần nhân này “mạnh tay” đến mức nào. Theo một nguồn từ Linux wiki thì đội phát triển đã thay đổi một lượng “không quá nhiều, để thay đổi vài cái thông thường ở phần nhân”.
Nó không bao gồm hệ thống phần mềm và thư viện GNU
Có một điều phải thừa nhận rằng chính GNU software là linh hồn của một Linux distro. Như đã nói ở trên, một Linux distro thậm chí nên được gọi là GNU/Linux. Do vậy nên chẳng thể nào Android lại là Linux được. Nó có quá ít thành phần của một GNU software. Rât dễ nhận thấy nhất là đội ngũ phát triển Android đã tạo ra 1 thư viện mới gọi là Bionic để thay thế cho GNU C Library.
Cho dù bạn có thể nói rằng Linux distro đâu nhất thiết cần GNU, thì vẫn phải thừa nhận rằng thiếu vắng GNU làm Android khác hẳn các Linux distro khác. Khác biệt một cách rất rõ rệt luôn.
Các ứng dụng Linux đâu có chạy được trên Android? Và cả ngược lại nữa.
Nếu bạn chọn ngẫu nhiên vài Linux distro thì bạn sẽ thấy nhiều khi nó chỉ có mỗi phần kernel là giống nhau. Tuy nhiên các ứng dụng vẫn có thể dùng được chung giữa các Linux distro. Trong thực tế, Android có rất ít điểm chung, về mặt phần mềm, với một Linux distro. Thế nên chẳng thể nào chạy các app cho Linux trên Android được.
Điều ngược lại cũng như vậy. Các ứng dụng cho Android cần rất nhiều thư viện riêng, môi trường riêng chỉ có trên Android. Thế nên các ứng dụng cho Android chả thể chạy được ở môi trường nào khác ngoài Android đâu.
Android là sản phẩm của Google
Google dù đã tung ra phần cơ bản của Android thông qua AOSP. Tuy nhiên, họ lại phát triển phiên bản tiếp theo của AOSP cho riêng mình. Thực tế là tại website của AOSP đã chỉ ra rằng “Google chịu trách nhiệm chính cho việc định hướng chiến lược của Android như một nền tảng và như một sản phẩm”
Thêm vào đó, mặc dù bất kỳ ai cũng có thể thêm thắt, sửa dổi AOSP theo nhiều cách. Tuy nhiên website AOSP chỉ ra rất rõ ràng rằng người lãnh đạo các dự án thường sẽ là nhân viên của Google. Google cũng sở hữu thương hiệu và logo Android. Bởi vậy nên dù bạn có tự xây dựng một hệ điều hành dựa trên AOSP. Bạn sẽ vẫn phải liên lạc với Google để có thể sử dụng cái tên Android đấy nhé.
Mặc dù thường thì một Linux distro phải có mối liên hệ với một công ty nào đó. Như Ubuntu và Canonical chẳng hạn. Nhưng việc một Linux distro được phát triển bí mật, toàn bộ bởi một công ty là điều chả thấy bao giờ.
Android có thật sự là nguồn mở?
Mặc dù tổ chức Free Software Foundation khuyến cáo các nhà phát triển không nên thêm các phần mềm độc quyền vào Linux distro của họ, nhưng vẫn không có quy định nào cụ thể về vấn đề này. Thực tế thì rất nhiều distro trước khi tung ra đã được thêm vào kha khá các đoạn mã độc quyền như thế. Thế nên câu hỏi thực tế phải là: Android có thật sự mở như các distro thông thường khác?
Dù rằng AOSP còn rất xa mới đạt đến chuẩn của một dự án mã nguồn mở, nhưng code của nó cũng được công bố rộng rãi. Ai cũng có thể xem và sửa đổi.
Tuy nhiên, từ cái AOSP sơ khai đó cho tới khi nó đến tay bạn là cả một quá trình. Trong quá trình đó, rất nhiều đoạn code độc quyền đã được thêm vào. Cho dù bạn có lựa chọn một cái máy chạy Android thuần như Nexus hay Pixel, hay chọn của nhà sản xuất nào thì cũng vẫn vậy cả. Tất cả đều đã được sửa đổi rất nhiều.
Bạn có thể nói rằng như thế vẫn là chưa đủ để phủ nhận Android là một Linux distro. Tuy nhiên, những phần quan trọng mà người dùng nhìn thấy thì lại là độc quyền bởi các nhà sản xuất. Ví dụ điển hình là Google Mobile Services hay như TouchWiz của Samsung chẳng hạn. Điều này khiến Android tạo ra cảm giác “đóng” nhiều hơn là cảm giác “mở” cần có của một distro.
Mặc định thì bạn không thể chỉnh sửa được Android
Đối với một Linux distro mà nói thì bạn rất dễ dàng để chỉnh sửa. Thậm chí bạn có thể can thiệp rất sâu nữa. Android thì không thế. Mặc định nó không cho bạn quyền can thiệp sâu vào hệ thống. Các phần được cho là nhạy cảm của hệ thống cũng bị khóa chặt luôn. Thế nên các bạn mới nghe đến thuật ngữ ‘root máy‘. Đây chính là thao tác để vượt qua các rào cản này. Bạn chỉ có thể can thiệp sâu hơn vào hệ thống sau khi đã root máy.
Kết luận
Ta cùng quay lại câu hỏi ban đầu: Android có phải là một Linux distro? Câu trả lời lại phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn định nghĩa thế nào là một Linux distro. Nếu bạn cho rằng Linux distro phải như kiểu GNU/Linux ấy, thì câu trả lời đương nhiên là không rồi.
Bạn coi Linux distro là một hệ điều hành có nhân Linux cộng với vài tiêu chí nữa? Câu trả lời trong trường hợp này có vẻ như vẫn là không. Dù Android vẫn có nhân Linux nhưng ngoài ra nó trông chả giống các Linux distro khác tí nào. Nó ‘đóng’ tịt, nó không chạy Linux app. Chả giống tí nào.
Tuy nhiên nếu bạn chỉ định nghĩa Linux distro là một hệ điều hành dựa trên nhân Linux thôi thì đúng. Bạn có thể gọi Android là một Linux distro. Có thể trông nó hơi lạc loài, hơi đặc thù một chút, nhưng nó vẫn dựa trên nhân Linux. Cũng giống như việc Ubuntu, Fedora, Debian… vẫn dựa trên nhân Linux vậy.
Đọc đến đây rồi thì quan điểm của bạn như thế nào? Android là Linux hay không là Linux? Hãy cho mình biết ở phần comment nhé.
Con virus CopyCat đã kiếm được hàng triệu USD bằng cách cài ứng dụng giả mạo lên nhiều điện thoại.
Theo các nhà nghiên cứu của Check Point, một loại mã độc mới có tên CopyCat đã ảnh hưởng đến hơn 14 triệu thiết bị Android trên toàn cầu, root máy và hck ứng dụng để kiếm hàng triệu USD doanh thu quảng cáo lừa đảo.
Dù phần lớn nạn nhân sống tại châu Á, có hơn 280.000 thiết bị Android tại Mỹ cũng bị tác động bởi cuộc tấn công khổng lồ. Google đã theo dõi dấu vết của mã độc trong 2 năm qua và nâng cấp Play Protect để chống CopyCat nhưng hàng triệu người vẫn “lọt lưới” khi tải ứng dụng của bên thứ ba và tấn công lừa đảo.
Check Point cho biết không có bằng chứng CopyCat được phát tán trên Google Play.
Đúng như tên gọi của mình, CopyCat giả làm ứng dụng phổ biến trên các chợ ứng dụng bên ngoài, chẳng hạn SlmSlml, đang có hơn 50 triệu lượt tải trên Google Play. Sau khi tải về máy, nó thu thập dữ liệu về thiết bị nhiễm độc và tải rootkit về để giúp root điện thoại, về cơ bản chặn hệ thống bảo mật của máy.
Từ đây, CopyCat có thể tải các phần mềm giả khác cũng như hijack Zygote – launcher trên thiết bị. Một khi đã kiểm soát được Zygote, nó biết mọi ứng dụng bạn cài đặt cũng như mở thường xuyên. CopyCat có khả năng thay thế Referrer ID trên ứng dụng bằng cái của nó, vì vậy mọi quảng cáo hiện ra trong ứng dụng đều gửi doanh thu về cho hacker thay vì nhà phát triển. Không chỉ có vậy, nó còn hiển thị quảng cáo riêng để kiếm thêm.
Có gần 4,9 triệu ứng dụng giả mạo đã bị cài trên thiết bị nhiễm độc, hiển thị tối đa 100 triệu quảng cáo. Check Point ước tính chỉ trong 2 tháng, CopyCat giúp hacker thu về hơn 1,5 triệu USD.
Tuy chưa có bằng chứng trực tiếp nào về người đứng sau cuộc tấn công, có một vài kết nối giữa CopyCat và mạng quảng cáo MobiSummer của Trung Quốc. Malware và công ty quảng cáo hoạt động trên cùng một máy chủ và một số dòng trong đoạn mã của virus được dùng bởi MobiSummer. Cả hai cũng dùng chung dịch vụ điều khiển từ xa.
Nạn nhân chủ yếu ở Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Indonesia và Myanmar. Malware lây lan qua 5 lỗ hổng trên thiết bị chạy Android 5.0 trở về trước, từng bị phát hiện và vá hơn 2 năm trước. Người dùng Android trên thiết bị cũ vẫn có nguy cơ bị tấn công nếu tải về từ kho thứ ba.
Theo Check Point, điều này hoàn toàn có thể xảy ra do người dùng không vá thiết bị thường xuyên hoặc tệ hơn là không cập nhật bao giờ.
Trên một chuyến tàu tới London, một phụ nữ đã định nghĩa lại thế nào là “tiện lợi” khi mang nguyên chiếc máy tính iMac của mình lên tàu hỏa trước khi tự tay kết nối mọi thiết bị.
Chúng ta không biết nhiều về “nữ anh hùng” này, ngoài việc người ta trông thấy cô mang theo mình chiếc iMac cồng kềnh cùng bàn phím, chuột và các dây kết nối theo người lên chuyến tàu hòa tới London một mình, không nhờ ai giúp đỡ. Hẳn cô đã tính toán trước đến việc thiết kế một không gian làm việc như ở nhà trên tàu từ lúc đặt vé, chứ không phải một sự cố bất đắc dĩ nào cả. Chưa hết, khi lên tàu cô bắt đầu lấy máy tính ra, tự tay kết nổi các thiết bị và cắm máy tính vào ổ điện, một lần nữa, không cần ai giúp đỡ.
Người phụ nữ này thực sự là một nguồn cảm hứng cho những người hay phải đi công tác xa, từ ý định mang một chiếc iMac lên tàu hỏa tới việc tự lắp ráp các thiết bị một mình, cô một lần nữa cho thấy phụ nữ có thể làm mọi thứ độc lập, cũng như chứng tỏ rằng bạn hoàn toàn có thể dành trọn thời gian cho công việc trên những chuyến xe đường dài nếu bạn muốn, dù bạn có máy tính xách tay hay không.
“Một phụ nữ đã mang nguyên chiếc iMac lên tàu! Cô ta chưa bao giờ nghe tới máy tính xách tay hay sao?”
Bức ảnh về người phụ nữ kỳ lạ này được chụp bởi David Hill, một tư vấn viên công nghệ tới từ Texas. “Tôi đã phải dụi mắt và nhìn lại, tôi đã sốc khi thấy một chiếc máy tính to đến vậy trên một cái bàn gập tí hon”, Hill trả lời trong một cuộc phỏng vấn với báo Telegraph. “Đến giờ tôi vẫn không tin vào mắt mình, tại sao lại có người lựa chọn mang nguyên một chiếc máy tính để bàn lên tàu hỏa, khi một chiếc laptop vẫn cho phép cô ấy làm việc, mà lại nhỏ gọn hơn rất nhiều”.
Quả là kỳ lạ, nhưng có lẽ chúng ta vẫn cần phải thán phục trước tinh thần làm việc cùng sự tự lập của cô gái này.
Mỗi người dùng mạng xã hội với những lý do khác nhau, nhưng thực chất chỉ có vài tuýp người dùng nhất định thông qua cách họ sử dụng Facebook. Ước tính trung bình một người dành 35 phút mỗi ngày để lướt mạng xã hội.
Theo HindustanTimes, trong một báo cáo nghiên cứu gần đây của bộ ba giáo sư khoa truyền thông trường Đại học Brigham Young (bang Utah, Mỹ) đã khám phá ra nguyên nhân sức hút của Facebook.
Tác giả chính Tom Robinson thắc mắc: “Điều gì khiến Facebook phổ biến trên toàn bộ thế giới?”. “‘Tại sao con người lại sẵn sàng phơi bày cuộc sống chính mình cho mọi người biết?”Tại sao bạn thích mạng xã hội ảo?'” – tất cả những câu hỏi trên khó có thể giải đáp.
Dựa vào phản hồi từ cuộc khảo sát, nhóm nghiên cứu đã xác định bốn loại người dùng Facebook: Tạo dựng mối quan hệ, đưa tin và chia sẻ thông tin đến mọi người, thích sống ảo đăng ảnh selfie và nhóm những người dùng để mua bán online.
Những người tạo dựng quan hệ dùng mạng xã hội chủ yếu để có thêm hoặc củng cố mối quan hệ thực ngoài xã hội. Robinson nhận định: “Họ sử dụng nó như một phần phụ cho cuộc sống, chỉ để kết nối liên lạc với gia đình và bạn bè.” Nhóm người dùng này muốn khẳng định rõ ràng rằng, “Facebook chỉ giúp tôi bày tỏ tấm lòng với gia đình và ngược lại”.
Mặt khác, người dùng hay lan truyền tin tức thì phân biệt rạch ròi giữa không gian thực và ảo.”Họ không quan tâm đến việc chia sẻ hình ảnh, đời tư hay bất cứ thông tin nào của mình mà chủ yếu chỉ muốn lan truyền những gì đang xảy ra trên mạng xã hội” – ông Robinson chia sẻ. Ngoài ra họ còn được so sánh như người rao tin ngày xưa “mang thông tin đến cho mọi người biết”, chia sẻ tin tức mới thông báo sự kiện. Tuy hoạt động tích cực trên Facebook nhưng họ lại dùng một mạng xã hội khác để liên lạc với bạn bè và gia đình.
Nhóm người thích selfie, sống ảo lại hay đăng ảnh, video, cập nhật trạng thái để thu hút sự chú ý, muốn được nhiều “like” nhiều “comment”.
Mua bán online, nhóm người thường xuyên giao tiếp trên mạng xã hội nhưng ít khi đăng thông tin cá nhân. Đồng tác giả nghiên cứu Clark Callahan cũng là người sử dụng Facebook, không như người dùng khác, ông muốn biết mọi người đang làm gì, khá giống với việc đi theo dõi, giám sát người khác. Nhóm người ấy nêu ý kiến rằng: “Tôi có thể xem thông tin Facebook của người tôi biết và quan tâm một cách tự do” hay “muốn biết sở thích và tình trạng các mối quan hệ của họ”
Để thực hiện việc nghiên cứu, các giáo sư đã biên soạn một danh sách gồm 48 nguyên nhân khiến Facebook thu hút được mọi người. Sau đó, những nhà nghiên cứu phỏng vấn từng người một để thu thập ý kiến. Qua đó thấy được nhóm người dùng Facebook có thể được phân biệt với nhau – ví dụ như đa số có xu hướng chụp ảnh tự sướng rồi đăng lên trang cá nhân. Nghiên cứu này xuất hiện trên Tạp chí Quốc tế về Cộng đồng ảo và Mạng Xã hội của Mỹ.
Còn bạn, trong 4 nhóm người dùng Facebook trên, bạn thuộc nhóm nào?
Đầu tư khoảng 3.000 USD cho Bitcoin từ năm 2010, Smith hiện có khối tài sản trị giá 25 triệu USD. Ông đã đi du lịch vòng quanh thế giới trong 4 năm qua.
Zing.vn lược dịch câu chuyện của Jordan Bishop từ Forbes về việc anh gặp một triệu phú Bitcoin, người đang đi du lịch vòng quanh thế giới sau khi trở thành triệu phú USD nhờ Bitcoin:
“Tháng trước, tôi bất ngờ gặp một triệu phú tại tầng 56 của Horizon Club Lounge tại Shangri-La Hong Kong. Anh ta không giấu giếm sự thật rằng anh đang bơi trong biển tiền. Tôi không đoán ra anh ta kiếm được chúng tất cả từ Bitcoin.
Smith (người yêu cầu giấu tên thật của mình) đã đi du lịch vòng quanh thế giới theo cách cực kỳ xa xỉ trong 4 năm qua. Anh chỉ bay các chuyến hạng nhất, ở khách sạn 5 sao. Trong 30 ngày qua, anh đã du lịch Singapore, New York, Las Vegas, Monaco, Moscow, trở lại New York, Zurich và giờ là Hong Kong. ‘Không có một khoảnh khắc buồn tẻ nào’, anh nói.
Sau khi học xong đại học, Smith kiếm được một công việc đáng mơ ước là kỹ sư phần mềm của một công ty lớn tại thung lũng Silicon. Anh là một nhân viên tốt. Thông qua một người bạn, anh nghe về Bitcoin vào thời điểm tháng 7/2010, ngay sau khi đợt tăng giá đầu tiên của nó diễn ra (từ 0,008 USD lên 0,08 USD trong 5 ngày).
‘Tôi thực sự quan tâm, nhưng vẫn đợi vài tháng sau trước khi bắt đầu đầu tư. Tôi muốn tìm hiểu thêm về công nghệ đứng sau nó’.
Đến tháng 10/2010, Smith thực sự vào cuộc. ‘Tôi không biết phải đầu tư bao nhiêu. Tôi có thu nhập khá thời điểm đó. Do vậy, tôi quyết định đầu tư 3.000 USD”. Anh mua nó vào thời điểm Bitcoin có giá 0,15 USD và có 20.000 Bitcoin.
Tại thời điểm đó, kỳ vọng vào một khoản lãi là điều không tưởng. Ngay ở thung lũng Silicon, nhiều người cũng trợn mắt khi nghe đến cụm từ Bitcoin. ‘Tôi biết mình sẽ chơi một cuộc chơi dài. Tôi muốn xem nó có thể lên cao đến mức nào’.
Trong 3 năm tiếp theo, Smith đơn thuần làm công việc của mình và gần như quên bẵng khoản đầu tư cho đến khi giá Bitcoin tăng phi mã vào năm 2013. “Tôi không thể tin được nó tăng giá nhanh như vậy. Nó bắt đầu tăng giá 10% mỗi ngày. Tôi lo lắng, hưng phấn và bối rối”.
Khi giá Bitcoin cán mốc 350 USD, hơn 2.000 lần so với thời điểm anh mua nó, Smith bán 2.000 đồng; khi giá lên mức 800 USD (chỉ 2 ngày sau đó), anh bán tiếp 2.000 đồng. Anh có trong tay 2,3 triệu USD và lập tức bỏ việc để đi du lịch vòng quanh thế giới trong tuần tiếp theo.
Tôi nhờ Smith cho xem dữ liệu để chứng minh khối tài sản của mình. Sau một vài thao tác bảo mật trên chiếc iPhone, tôi cầm trong tay chiếc điện thoại của anh ta. Tôi nhìn thấy thứ mà anh ta nói: Tài khoản 1.000 BTC, trị giá 2,6 triệu USD thời điểm này. Anh ta thực sự là một triệu phú Bitcoin.
Số còn lại của 20.000 Bitcoin đâu? Smith cho tôi xem một số giao dịch bán gần đây. Anh giải thích, đầu cơ là nguyên nhân khiến giá Bitcoin tăng lên mức không thể tưởng tượng. Smith nói, tổng cộng anh thu về 25 triệu USD từ Bitcoin với khoản đầu tư 3.000 USD.
Đó là chưa kể Smith vẫn giữ 1.000 Bitcoin mà anh dự định bán ‘khi giá đạt mức 150.000 USD’, gấp hàng triệu lần so với mức anh mua. ‘Tôi nghĩ nó có thể đạt mức giá đó’ anh nói một cách tự tin. ‘Chính phủ và các công ty lớn sẽ vào cuộc. Không một sự đầu cơ nào trên thế giới có thể đẩy mức giá lên mức đó’.
Lý giải về việc tại sao không giữ Bitcoin nếu anh tin chắc nó sẽ tăng giá, Smith nói: ‘Hiện tại tôi có mọi thứ mình mơ ước. Tôi bay vòng quanh thế giới để thăm bạn bè. Tôi làm bất cứ thứ gì mình muốn và không bao giờ phải lo về tiền bạc trong phần còn lại. Sẽ là ngu ngốc nếu tôi không rút tiền ra’.
HTC U11 là chiếc điện thoại rất thành công về cả hai mặt doanh thu và tính năng của nó.
Theo đánh giá của PhoneArena, HTC U11 là một thiết bị tuyệt vời. Và nó đã tạo ra một sự thay đổi lớn, các khách hàng thực sự rất thích U11. Điều này đã góp phần tạo nên một tháng thắng lớn về doanh thu trong năm đối với HTC.
Nói cách khác, tháng 6 đã khiến cho nhà sản xuất Đài Loan tăng doanh thu hơn 50% so với tháng trước (điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì chiếc điện thoại này đã được công bố hồi tháng 4). Tổng doanh thu trong tháng là 225,2 triệu USD, tăng đáng kể so với một năm trước, từ khi HTC 10 được phát hành. Trên thực tế, U11 đã từ khi bán ra thị trường có doanh thu cao hơn hẳn HTC 10 trước đó, chỉ trong vòng 1 tháng từ khi được tung ra thị trường.
Dù vậy, Digitimes đã chỉ ra rằng lượng thiết bị tồn kho của HTC vẫn đang tăng lên một cách đáng kể, điều đó có nghĩa là HTC sẽ phải thúc đẩy doanh số bán hàng trong vòng 1 tháng tới, lí do cũng có thể đến từ việc người dùng chỉ có nhu cầu trong một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra công ty đang lên kế hoạch quảng bá flagship của mình trên nhiều thị trường trong toàn thế giới, điều này có thể làm tăng thêm sự quan tâm của người dùng về chiếc điện thoại và dẫn đến tăng doanh thu.
Đã có tin đồn được lan ra về các thiết bị sắp ra mắt của HTC: Google Pixel 2 và Pixel 2 XL do HTC sản xuất thay vì LG như tin đồn trước đó, và HTC cũng đang lên kế hoạch lên kế hoạch giới thiệu thêm một sản phẩm mới mang theo tính năng nổi bật của U11: Edge Sense. Ngoài ra, việc tập trung vào thực tế ảo cũng có thể cho kết quả tốt, nếu chiếc kính VR độc lập với smartphone từng rò rỉ trước đây được nhiều người đón nhận.
Tóm lại, fan của mỗi hãng đều có quyền tự hào về thiết bị của họ: sự cạnh tranh đòi hỏi các hãng cần sáng tạo, đặc biệt là HTC với những tính năng như Edge Sense cũng như chất lượng và cấu hình sản phẩm tốt.
Theo các chuyên gia bảo mật, các tài liệu bị mã hóa bởi ransomware Petya vẫn có khả năng giải mã được.
Theo Neowin, các nhà nghiên cứu tại hãng bảo mật Positive Technologies đã thực hiện việc giải mã các file đã được mã hóa bởi phiên bản mới nhất của ransomware Petya được gọi là NotPetya. Các nhà nghiên cứu hi vọng họ có thể đơn giản hóa giải pháp kỹ thuật của họ để phục vụ cho công việc này.
Trong một bài viết của mình, đại diện công ty cho biết:
“Hóa ra là những người tạo ra NotPetya đã để lại trong thuật toán Salsa20. Do sai lầm này, một nửa số khóa mã hóa byte không được dùng vào bất kỳ mục đích nào. Những đoạn mã hóa dài 256-128 bit này gần như không để lại bất kỳ cơ hội nào để giải mã. Tuy nhiên, một số yếu tố đặc trưng về cách các thuật toán Salsa20 được áp dụng cung cấp phương pháp phục hồi dữ liệu mà không cần các chìa khóa cần thiết”.
Cùng ngày với cuộc tấn công đầu tiên, Posteo quyết định đóng cửa truy cập vào tài khoản email của hacker, nghĩa là họ không thể gửi các email yêu cầu thanh toán để mở khóa các tài liệu.
Nhờ vào phát hiện của Positive Technologies, cộng đồng an ninh có thể phát triển các công cụ để cứu vãn các tập tin được mã hóa bởi NotPetya. Nói cách khác, các nạn nhân của NotPetya đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì dữ liệu của họ vẫn có thể được cứu vãn.