Mạng Internet Trung Quốc có thể tự hoạt động trong nước mà không cần liên kết với dịch vụ bên ngoài lãnh thổ của mình, nghĩa là nhiều nơi trên thế giới có thể bị hạn chế kết nối với Trung Quốc và ngược lại.

Oracle: mạng Internet của Trung Quốc giống với mạng Intranet

Theo phân tích của Oracle, mạng Internet Trung Quốc hoạt động tương tự như hệ thống mạng nội bộ khổng lồ và không giống bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Nước này có rất ít điểm kết nối với mạng Internet toàn cầu, không có công ty viễn thông nước ngoài nào được phép hoạt động tại quốc gia này và lưu lượng truy cập Internet không bao giờ rời khỏi biên giới.

Thông thường, các quốc gia khác sẽ cho phép nhà mạng trong và ngoài nước hoạt động trên lãnh thổ của nhau. Những công ty viễn thông sẽ kết nối tại các Điểm trao đổi Internet (Internet Exchange Points – IXP), hình thành một mạng lưới khổng lồ gồm nhiều điểm IXP được liên kết với nhau trên toàn cầu.

Nhưng Trung Quốc không làm như vậy. Nước này không cho phép nhà mạng nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ mà những công ty viễn thông địa phương sẽ mở rộng cơ sở hạ tầng sang một số quốc gia khác để kết nối Internet toàn cầu.

Bằng cách này, các nhà mạng Trung Quốc sẽ tự trao đổi lưu lượng với nhau tạo thành một cấu trúc chặt chẽ. Người dùng trong nước muốn truy cập đường liên kết ra bên ngoài lãnh thổ phải thông qua Great Firewall (công cụ chặn kết nối của chính quyền Bắc Kinh), tiếp cận IXP nước ngoài bằng nền tảng của những công ty viễn thông được chính phủ lựa chọn (China Telecom, China Unicom, China Mobile), sau đó truy cập Internet công cộng.

Oracle: mạng Internet của Trung Quốc giống với mạng Intranet

Toàn bộ cấu trúc này giống với mạng nội bộ công ty và có khá nhiều lợi thế với an ninh quốc gia. Đầu tiên, vì không có nhà mạng nước ngoài hoạt động nên chính phủ có thể xây dựng chương trình kiểm duyệt Internet theo ý muốn mà không cần quan tâm đến bất kỳ chính sách khách hàng nào khác (các nhà mạng trên thế giới có quy định rạch ròi về bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư). Thứ hai, Trung Quốc có thể ngắt Internet ngay khi bị tấn công từ bên ngoài mà vẫn duy trì kết nối mạng trong nước thông qua những trung tâm dữ liệu và viễn thông địa phương.

Một lợi thế nữa là lưu lượng truy cập từ người này sang người khác luôn nằm trong nước và chịu sự kiểm soát của chính phủ. Điều này khiến mạng Internet Trung Quốc không giống với một số nơi khác. Ví dụ: khi người dùng ở Ý muốn truy cập vào trang web địa phương thì trước đó kết nối của họ có thể sẽ đi qua máy chủ đặt tại Pháp hoặc Đức.

Những đường dẫn kết nối “kỳ lạ” như vậy luôn luôn xảy ra ở hầu hết quốc gia – nhưng không phải ở Trung Quốc. Tại đây, vì các công ty viễn thông địa phương ngang hàng với nhau và được kiểm soát chặt chẽ bởi chính phủ, nên không có lý do để Internet nội bộ rò rỉ ra bên ngoài.

Oracle: mạng Internet của Trung Quốc giống với mạng Intranet

Ưu điểm chính của cấu trúc mạng này là các dịch vụ tình báo nước ngoài có rất ít thông tin về Internet ở Trung Quốc – khá lý tưởng nếu xét trên quan điểm an ninh quốc gia. Tuy nhiên, đến hiện tại chỉ Trung Quốc mới có một hệ thống như vậy. Cơ sở mạng tại quốc gia tỷ dân được thiết lập để tách biệt với phần còn lại của thế giới, một số nước đã bắt đầu áp dụng phương thức tương tự để phát triển và kiểm soát không gian mạng riêng.

Một trong những nước đang cố gắng xây dựng mô hình “mạng nội bộ quốc gia” giống Trung Quốc là Nga. Tháng 3/2019, Tổng thống Vladimir Putin đã ký một đạo luật mới cho phép chính phủ mở rộng quyền kiểm soát Internet. Về cơ bản, luật yêu cầu nhà mạng nội địa phải cài đặt các thiết bị định tuyến lưu lượng truy cập web của Nga thông qua hệ thống máy chủ do chính phủ điều hành và chịu sự kiểm soát của những dịch vụ tình báo.

Ngoài ra, nước này đã bắt đầu xây dựng bản sao lưu cục bộ của Hệ thống tên miền (DNS) và tiến hành một số thử nghiệm ngắt kết nối trong nước khỏi phần còn lại của Internet toàn cầu. Có thể chậm hơn vài năm, nhưng Nga đang rất quyết tâm xây dựng “bức tường Kremlin” tương tự như Great Firewall của Trung Quốc.

Theo ZDNet

Góc quảng cáo