Xem nhanh
Sẽ rất khó thuyết phục khi bỏ ra đến 25 triệu để mua chiếc Flagship mà lại thiếu những tính năng mạnh nhất. Nhưng OPPO Find X2 đáp ứng đầy đủ những điều bạn có thể nghĩ ra đến một sản phẩm đầu bảng.
Thiết kế
Ở OPPO Find X, những người đã sử dụng và cả nhìn lướt qua đều sẽ thấy một chiếc điện thoại với phần camera trượt lên rất phong cách và sang trọng. Nhưng điều này đã không lặp lại ở phiên bản kế nhiệm.
Với Find X2, OPPO mang đến một chiếc flagship nguyên khối, không camera thò thụt, trông nó lại khá giống các dòng flagship khác đến từ Samsung, Huawei, Xiaomi… Điều này sẽ gây thất vọng với một lượng người dùng vốn trông chờ xem OPPO sẽ cải tiến thêm những gì với công nghệ camera thò thụt. Nhưng cá nhân mình nghĩ OPPO đang lựa chọn giải pháp an toàn, khi mà chiếc Find X nổi bật nhưng có nhiều nhận định rằng chiếc máy này sinh ra không phải để bán, mà nhằm khẳng định thương hiệu OPPO vốn không hề bỏ qua phân khúc máy cao cấp.
Phiên bản kế nhiệm Find X2 sở hữu mặt lưng đẹp chỉn chu, phiên bản mình được trải nghiệm có màu Xanh đại dương. OPPO nói phần mặt lưng này được làm bằng kính cường lực. Nhìn dưới điều kiện ánh sáng khác nhau, phần họa tiết dạng gợn sóng sẽ hiện rõ, điều giúp Find X2 trở nên khác biệt. Dù vậy việc dùng kính bóng ở chất liệu mặt lưng đổi lại sẽ làm lưu khá nhiều dấu tay, đòi hỏi bạn cần thường xuyên lau chùi để máy luôn sáng bóng, hoặc có thể dùng ốp lưng trong suốt bán kèm. Cá nhân mình sử dụng lại không thích phần ốp lưng này vì dù khi đeo sẽ giúp cầm máy rất tốt, nhưng nó làm mất đi tính thẩm mỹ một chút.
@diemtincongnghe##oppofindx2
Tính ra thì việc không tích hợp camera selfie trượt cũng có một lợi điểm, đó là giúp cho chiếc Find X2 trở thành một smartphone nguyên khối, và từ đó dễ dàng trong việc chống nước hơn (điều đã được chứng minh ở phiên bản cao cấp hơn – X2 Pro). Quả thực việc vô tình để nước rớt vào điện thoại cũng sẽ giúp bạn lau chúng mà không quá lo sẽ vào hẳn linh kiện bên trong.
Find X2 cũng như các thế hệ tiền nhiệm, đưa hẳn xuống khu vực bên dưới (loa ngoài, jack sạc USB Type C, khe cắm SIM nano) trong khi bố trí hai bên là nút nguồn bên phải và tăng giảm âm lượng bên trái. Cạnh trên chỉ còn duy nhất một lỗ nhỏ dùng cho micro ghi âm khi quay phim.
Mặt sau máy là bộ 3 camera được đặt trong một module và hơi lồi lên, trong khi mặt trước là camera selfie dạng “nốt ruồi” – điểm không gây chướng mắt như “tai thỏ”, mới lạ hơn “giọt nước” và đảm bảo máy có thể chống nước, chống bụi, điều mà camera “thò thụt” vẫn bó tay.
Trải nghiệm sử dụng
Điều ấn tượng nhất của Find X2 đầu tiên phải là màn hình, khu vực được bạn dùng gần như mỗi ngày. Và theo mình, OPPO đã trang bị một màn hình thực sự tốt, hãng nói độ sáng của màn hình này là 800 nits, tức rất sáng so với trung bình các smartphone hiện nay (tầm 600 nits). Chính vì vậy, những trải nghiệm thị giác trên Find X2 sẽ tạo ra một điểm rất khác, đặc biệt nếu bạn là người thường xuyên dùng smartphone.
Được định vị là flagship của OPPO trong năm 2020, Find X2 dĩ nhiên sở hữu cấu hình ở mức “thừa mứa” cho các nhu cầu sử dụng. Cụ thể, vi xử lý máy là Snapdragon 865 của Qualcomm với 8 nhân, trong đó nhân có xung nhịp nhanh nhất lên đến 2,84GHz, đi cùng đồ họa Adreno.
Để test sức mạnh của Find X2, mình đã thử bằng một tựa game đòi hỏi cấu hình thuộc hàng cao đó là Liên Quân Mobile. Với các thiết lập cấu hình ở mức cao nhất (độ phân giải HD, fps cao) đồng thời ghi hình trận đấu trong suốt quá trình chơi. Quá trình chơi và kết quả thực sự vẫn chưa đủ sức làm khó chiếc Find X2. Cấu hình mạnh như vậy nên tựa game thứ 2 mà mình thử là Asphalt 8 Airbone cũng không hề thấy giật lag hay phải giảm chất lượng đồ họa mới có thể đáp ứng được.
Dưới đây là video ghi hình chơi game Liên Quân Mobile trên Find X2
Màn hình của Find X2 được OPPO quảng cáo rất mạnh, với tên gọi màn Hình Ultra Vision 120Hz QHD+. Đây quả thực là màn hình hiển thị cực kỳ đẹp mắt khi sử dụng. OPPO cho phép bạn lựa chọn giữa tần số làm tươi là 60Hz hoặc 120Hz, với một lưu ý là với 120Hz máy sẽ trở nên ấm hơn một chút, bù lại thì trải nghiệm cho thấy sự khác biệt rất rõ rệt, những cảnh chuyển động có sự mượt mà hơn đáng kể.
Ở khả năng sạc nhanh, OPPO Find X2 sở hữu công nghệ sạc nhanh VOOC 2.0 với công suất sạc lên đến 65W, củ sạc bán kèm OPPO Find X2 cho ra 2 dòng diện: 5V 2A và 10V 6.5A, trong đó công nghệ VOOC 2.0 sẽ kích hoạt khi các con chip bên trong củ sạc và Find X2 nhận ra nhau và bắt đầu thiết lập quá trình sạc nhanh. Mình để ý trong khoảng từ 0 đến 70% pin sợi dây sạc của Find X2 có ấm nhẹ. Quá trình sạc nhanh mất hơn 35 phút một chút để máy hồi pin từ 0% đến mức tối đa.
Dưới đây là video timelapse mình thử sạc nhanh VOOC 2.0 trên Find X2
Ở camera, OPPO Find X2 trang bị ở mặt sau là 3 camera, trong đó máy ảnh chính có độ phân giải 48MP, đi cùng một ống kính góc siêu rộng 12MP và kính tele 13MP. Mặt trước, camera nốt ruồi của Find X2 nhỏ gọn, không chiếm quá nhiều diện tích, với độ phân giải 32MP khẩu độ f/2.4. Chất lượng hình ảnh đến từ hệ thống camera trên OPPO Find X2 là rất đẹp. Dưới đây là những hình ảnh chụp từ OPPO Find X2, ảnh đã được hiệu chỉnh kích thước và nén lại để giảm dung lượng khi đăng lên website:
Ảnh chụp trong điều kiện đủ sáng
Thử chụp chức năng zoom trên Find X2
Ảnh selfie và chụp đêm
Còn bên dưới là video quay từ OPPO Find X2, máy được trang bị cơ chế chống rung quang học OIS ngay trên camera, nhờ vậy đã loại bỏ đi gần như hoàn toàn những rung động nhỏ khi mình di chuyển. Chuyển động đều được ghi lại mượt mà, không có sự rung lắc nào.
Kết hợp với sạc nhanh và dung lượng pin lâu, mình hoàn toàn có thể sử dụng máy cho công việc và sáng tác ảnh trong hơn một ngày mới phải sạc lại pin. Thời lượng pin này sẽ giảm khá nhiều do mình chơi game online với chất lượng đồ họa cao nhất.
Lời kết
Với mình, OPPO Find X2 thực sự là một chiếc smartphone cao cấp đem đến đẩy đủ trải nghiệm từ hiệu năng, thị giác cho đến ảnh chụp. Nếu nói có điểm tiếc nuối trên Find X2 thì đó là việc máy không có tính năng chống nước cao cấp như trên chiếc Find X2 Pro (chuẩn IP68) mà chỉ dừng lại ở việc chống bụi theo IP54.