Nhiều người nghĩ rằng các loại ốp lưng kháng khuẩn từ những nhà sản xuất nổi tiếng như Gear4, Tech21, Speck và OtterBox… có thể ngăn ngừa được virus Corona, nhưng liệu điều này có đúng?
Hơn một năm trước, các nhà sản xuất ốp lưng và miếng dán màn hình thi nhau phát hành những sản phẩm có phủ thêm lớp kháng khuẩn, khuyến khích khách hàng sử dụng để bảo vệ sức khỏe. Về cơ bản, lớp phủ kháng khuẩn có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn trên vỏ hoặc màn hình điện thoại. Tuy nhiên, vi khuẩn, nấm và virus là các sinh vật hoàn toàn khác nhau, vì vậy sản phẩm kháng khuẩn tốt chưa chắc đã có hiệu quả với virus và ngược lại.
Theo Chris Micklem, nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge (Anh), có một số chất liệu đã được chứng minh có khả năng làm giảm tuổi thọ một số loại virus nhất định trên bề mặt thiết bị hữu hình. Nhưng hiện vẫn chưa rõ vật liệu cấu thành ốp lưng kháng khuẩn có công hiệu với virus hay không, đặc biệt là virus Corona.
Theo ông, ốp lưng kháng khuẩn nếu có thể chống virus thì cũng không mang lại hiệu quả cao, vì công dụng của sản phẩm chỉ là kháng khuẩn. Mặt khác, cho đến hiện tại, chưa có nhà sản xuất nào tuyên bố sản phẩm của họ có thể phòng ngừa được virus. Tuy nhiên, chính sự mơ hồ của khách hàng về hai thuật ngữ “kháng khuẩn” và “kháng virus” đã tạo nên sự hiểu lầm, nhất là trong thời điểm nhạy cảm, dịch bệnh đang bùng phát khắp nơi.
Hiên tại, người dùng nên tuân thủ khuyến cáo của các cơ quan y tế, giữ vệ sinh, thường xuyên rửa tay và không tụ tập ở những nơi đông người. Và nhất là đừng quá tin tưởng lớp phủ mỏng manh, dễ bị bào mòn trên ốp lưng điện thoại có thể ngăn ngừa được virus.