Đó là một nhà máy được bảo mật xuyên suốt 24 giờ tại một địa điểm bí mật ở Hong Kong, đó không phải là nơi chứa bí mật quốc gia hay nơi nghiên cứu cao siêu gì, ấy là nơi những chiếc iPhone được phân tách và tiêu hủy.

Đây là nơi chiếc điện thoại iPhone an nghỉ và được tái sinh

Nó chỉ là một trong một nhóm nhỏ những cơ sở phân tách và tái chế iPhone như thế, tất cả đều được chọn kĩ càng bởi chính tập đoàn Apple. Họ giữ bí mật những ý tưởng, khâu sản xuất và họ cũng áp dụng chính sách bảo mật ấy với việc tháo gỡ những chiếc điện thoại của mình luôn. Apple đã bán được hơn 570 triệu máy trên khắp thế giới, kể từ cái buổi sáng tháng Giêng định mệnh, ngày mà Steve Jobs bước lên bục cao, tuyên bố “tái phát minh chiếc điện thoại hiện đại”.

Bản thân Apple cũng chẳng nắm được số lượng những chiếc iPhone vẫn còn trôi nổi ngoài kia, liệu nó đã được đổi chủ tới lần thứ tư hay đang nằm gọn trong xó nào đó. Nhưng họ mong muốn rằng có càng ít iPhone bị vứt đi càng tốt.

Và đó là lúc những nhà máy tái chế công nghiệp vào cuộc. Đó là nơi an nghỉ cuối cùng của những chiếc iPhone, iPad và iMac.

Đây là nơi chiếc điện thoại iPhone an nghỉ và được tái sinh

Những hãng lớn khác bao gồm HP, Huawei, Amazon hay Microsoft đều có những chính sách tái chế sản phẩm riêng biệt. Nhưng Apple mới là kẻ khắt khe và chính xác nhất trong những quy trình này, điều này đã được xác nhận bởi chính những người tham gia vào quá trình ấy. Xin phép không nêu tên họ ra đây, những điều khoản ràng buộc bắt họ phải giữ bí mật cho khách hàng của mình.

“Tôi nghĩ người dùng trông đợi điều đó ở chúng tôi, tôi nghĩ khác hàng yêu cầu một tiêu chuẩn cao nơi Apple”, giám đốc ban môi trường của Apple, Lisa Jackson nói với Bloomberg. “Điều đó rất khó khăn, bởi lẽ đây là những sản phẩm vô cùng phức tạp”.

Họ từ chối cho phóng viên bước vào xưởng tái chế bí mật này, thậm chí cũng chẳng đưa ra số lượng máy được tái chế hay đưa ra những thông tin chi tiết về quá trình tháo gỡ, nghiền vụn và tái chế các thiết bị của Apple. Chỉ có một sơ đồ đơn giản thế này mà thôi:

Đây là nơi chiếc điện thoại iPhone an nghỉ và được tái sinh

Trong ngành tái chế đồ điện tử, thì mục đích chung thường là thu thập và tái chế được 70% khối lượng nhập vào. Jackson nói rằng Apple thường vượt được trên con số ấy, thường là tới được tận 85%, số đó là bao gồm cả những đồ điện tử không phải của Apple được khách hàng mang tới. Trong năm tài chính vừa qua, số lượng iPhone bán ra là 155 triệu máy, con số ấy cho thấy ngành tái chế iPhone đang trên đường phát triển vô cùng thịnh vượng.

Apple nói rằng họ thu được tới 40.000 tấn rác thải điện tử nội trong năm 2014. Từ số lượng rác khổng lồ ấy, họ có thể chế ra đủ thép để lắp được một đường ray tàu hỏa dài 150 km.

Tất cả những công ty tham gia phá hủy, tái chế iPhone đều phải đồng ý với hàng loạt quy định và điều khoản nghiêm ngặt, từ bảo mật, bảo hiểm cho tới tài chính, … Quá trình ấy sẽ bắt đầu từ hàng trăm cửa hàng Apple trên thế giới hoặc từ các trang thu mua trên mạng. Apple thường sử dụng thẻ quà tặng để “dụ” khách hàng bán lại những thiết bị cũ của mình.

Đây là nơi chiếc điện thoại iPhone an nghỉ và được tái sinh

Sau một bài thử nhanh, người thu mua hoặc sẽ mua lại chiếc điện thoại hoặc sẽ đưa ra đề nghị phá hủy nó miễn phí. Tại Mỹ, một chiếc iPhone 4 cũ sẽ có giá khoảng 100 USD còn một chiếc iPhone 6 Plus thường sẽ có giá 350 USD. Sau khi được thu mua, thiết bị sẽ lại đi qua một lần kiểm tra nữa để quyết định số phận của nó, được bán lại hay là mang đi tái chế.

Apple chi trả cho mọi dịch vụ tái chế, tiêu hủy iPhone và sở hữu từng gram hàng một – từ chiếc điện thoại tái chế cho tới đống bột vụn của thiết bị bị nghiền nát, giám đốc chiến lược tại công ty tái chế ở Hong Kong, co Linda Li cho hay. Hành trình của một thiết bị điện tử này gồm khoảng 10 bước, được thực hiện trong những phòng chân không kín, được kiểm soát chặt chẽ và được thiết kế để thu về 100% các thành phần hóa học cũng như những khí gas tỏa ra trong quá trình tái chế.

Nhiều hãng khác thì có chính sách tái sử dụng những thành phần như chip điện tử, nhằm mục đích sửa những thiết bị cùng loại bị hỏng khác. Apple không như vậy, họ có một chính sách tiêu hủy hoàn toàn.

“Việc nghiền nát các thiết bị ra tốn nhiều năng lượng hơn là tái chế”, cô Li nói. Hiểu được điều này, công ty tái chế tại Hong Kong cũng thường xuyên khuyên khách hàng nên thiết kế sản phẩm như thế nào cho hợp lý và dễ tái chế. Ví dụ như một camera điện thoại có thể được tháo ra và gắn vào drone, lớp kính màn hình của chiếc Microsoft Surface có thể được biến thành lớp cửa kính ô tô rẻ tiền, đại loại vậy.

Đây là nơi chiếc điện thoại iPhone an nghỉ và được tái sinh

Apple thì phá hủy toàn bộ để tránh việc những sản phẩm giả của họ xuất hiện trên thị trường secondhand. Tuy vậy, họ cũng đang tiến hành nghiên cứu những cách tái chế khác trong tương lai, nhưng đáng buồn là Apple không nói thêm thông tin gì về việc này.

Thế một khi chiếc iPhone cũ bị biến thành một nhúm bột, người ta sẽ dùng nó làm gì? Những phần rác thải độc hại sẽ được chứa tại những nơi đảm bảo, những cơ sở tái chế có thể rút ra được những nguyên tố còn có thể có ích như vàng hay đồng. Những thứ còn lại sẽ được biến thành những đồ gia dụng mà có lẽ bạn thấy hàng ngày: khung cửa sổ, đồ nội thất hay các ô cửa kính.

Nguồn: GenK

Góc quảng cáo