Nội dung từng là một điều cao quý, bây giờ nó không hơn việc đổi chác lấy tiền, đó là lý do tôi quyết định chấm dứt công việc vốn đã có thể cho tôi một cuộc sống nhàn hạ.
Khoảng 5 năm trước, có một người bạn hỏi tôi có hứng thú đi “bán” chữ không. Thật sự thì nó chả khác công việc tôi đang làm là mấy, tức là đi khai thác thông tin rồi xâu chuỗi thành những câu chuyện hấp dẫn người xem.
Vụ “bán” chữ này là vì một khoản tài trợ nhỏ bởi một công ty cỡ bự (Nissan) và đề tài của nó thì quá quen thuộc với tôi rồi. Về phần các nhà tài trợ nhiều khi cũng không bận tâm việc có sử dụng tên tuổi của họ hay không, còn tôi thì không quan tâm lắm vụ chạy quảng cáo để tăng lượt view.
Thế mà nhờ vậy, ban giám đốc mới nhận ra tầm quan trọng của những thông tin thú vị trong bài viết có sức ảnh hưởng lớn như thế nào. Và việc chắt lọc thông tin hữu ích có ảnh hưởng tích cực đến các kênh quảng cáo truyền thống ra sao. Từ lúc đó mấy vị giám đốc marketing và các bác bên truyền thông mới nhận ra rằng cánh nhà báo làm tuyên truyền giỏi hơn tụi copywriter nhiều.
Ban đầu, công việc viết bài PR xem ra dễ ăn với tụi nhà báo chúng tôi, thu nhập cũng ổn định. Thêm nữa là tôi không cần để bút danh dưới những bài viết đó. Nhưng mấy năm sau này, nhiều chuyện dở khóc dở cười xảy ra làm tôi bất mãn kinh khủng với ngành truyền thông.
Tôi từng cộng tác với Forbes.com, đa phần cộng tác viên lúc đó cũng đều là nhà báo, tôi làm được khoảng 2 năm thì nghỉ, số người viết còn lại lúc đó cũng chẳng còn bao nhiêu. Mọi người đều nghỉ việc vì nhuận bút quá thấp mà thời gian để viết một bài cho ra hồn thì lại hạn hẹp. Forbes chỉ trả 50USD một bài viết, khi nó đạt 30.000 lượt xem thì bạn mới được thưởng thêm 500USD.
Thực tế thì website đó đã bị bọn cò mồi nhân danh “chỉ đạo” của mấy ông CEO hết rồi. Mà không phải chỉ có trò đểu ấy thôi đâu, hơn nửa tá bài viết của tôi trên Forbes đều được đặt dưới một cái tên “ma” nào đó mà người được hưởng lợi là các vị giám đốc. Với số lượng bài như thế thì có tới 10 bài tôi không được trả đồng nào cả. Chưa hết, những bài viết đó không chỉ đăng ở Forbes, mà còn xuất hiện trên một số trang như VentureBeat, Pando Daily, Entrepreneur.com, … Chắc ai đó đang nghĩ tôi bịa đặt hay thổi phồng sự việc lên, nhưng tiếc rằng đó thực sự là những trò lố bịch của ngành truyền thông mà tôi đã trải qua.
“Nội dung là vua” (content is king) là câu châm ngôn nằm lòng của giới làm truyền thông, nắm được giá trị đó, các thương hiệu lớn nhỏ sẵn sàng chi tiền cho một bài viết đáng giá để quảng bá tên tuổi của họ. Việc này rõ ràng mang nhiều lợi ích nhanh chóng và thiết thực hơn so với các phương tiện quảng cáo truyền thống.
Trong khi đó, các nhà xuất bản cứ tìm cách để có càng nhiều bài viết càng tốt để câu view như chăn dê vậy, nhuận bút thì rẻ bèo để dẫn đến cái đích cuối cùng là tăng doanh thu quảng cáo. Rồi thì nhà báo cũng được tăng lương, nhà xuất bản có nhiều tít để giật và các doanh nghiệp thì được cộng đồng tin tưởng hơn.
Vậy thì vấn đề nằm ở đâu? Tôi xin chia sẻ vài điều mình tự đúc kết ra như sau:
- Đây không phải là một bài báo thực sự, các công ty sẵn sàng trả tiền cho những bài quảng cáo đầy lời hoa mỹ, bay bướm cho thương hiệu của mình. Nhiệm vụ của đám nhà báo chúng tôi đơn giản chỉ là viết theo những gì họ yêu cầu và nhận tiền công hậu hĩnh. Quả thật khi làm công việc này, tôi cảm thấy vô cùng hổ thẹn với chính lương tâm mình và với cái gọi là danh dự của nghề viết báo.
- Tuy bề ngoài nó không giống bài quảng cáo nhưng thực tế thì chính là vậy. Bạn sẽ phải viết về những thứ không đúng sự thật đến mức bạn không thể hình dung nổi, các kênh truyền thông bạn tin tưởng cũng dần biến thành sân chơi của bọn quảng cáo dưới áp lực phải tăng lượng nội dung câu view lên.
- Bạn nên biết rằng chúng ta bán ý tưởng của mình là để được mức giá hời, các doanh nghiệp cũng sẵn sàng trả cả đống tiền cho những ý tưởng khả thi. Nhưng bạn biết đó, không có con đường nào trải hoa hồng cho mình đi cả. Thường mỗi năm tôi chỉ có khoảng mười câu chuyện mang ý tưởng đột phá mà tôi hài lòng để bán cho các thương hiệu. Và nếu lấy tượng trưng 6 trong số các bài đó để bán ra ngoài thì giá của nó sẽ không dưới 1000USD một bài viết.
- Tôi cảm thấy được sự phân biệt giới tính trong ngành này, hầu hết những tay viết “ma” và xuất bản nội dung đều là phụ nữ. Họ làm những việc từ viết báo, dịch thuật, biên tập cho đến là “nhà chiến lược nội dung”. Hình ảnh đáng lo ngại của vấn đề này là một loạt phụ nữ phải chạy việc tất bật “sau cánh gà” để phục vụ cho các ông chủ, những người đàn ông mang bộ mặt tốt đẹp. Đáng nói hơn, mọi ý tưởng của bạn chỉ được thực hiện nghiêm túc khi nó được trình bày bởi một nam CEO.
- Công việc này ngày càng tồi tệ đến mức các doanh nghiệp không còn cái nhìn tốt về giới báo chí truyền thông nữa. Mỗi một đoạn quảng cáo tôi đồng ý xuất bản không khác gì việc tự hiểu ngầm rằng danh dự của chính mình lại tiếp tục bị hạ thấp. Khi nhìn lại, tôi không thể tin được những gì mình đã làm và chỉ muốn dừng lại ngay tất cả.
Bên cạnh những điều đó, tôi vẫn nhận thấy được mục đích và quan điểm tích cực của các CEO qua cách điều hành của họ. Tôi từng làm việc cho nhiều CEO tài năng, những công việc họ đảm nhiệm đều rất đáng quan tâm và học hỏi. Với góc nhìn của tôi thì việc các CEO tự mình viết nên những câu chuyện kinh doanh, hoặc kể về những trải nghiệm chuyên môn của họ thì độ tin cậy ở bài viết sẽ được tăng gấp nhiều lần.
Đi theo đó là những thành quả tự nhiên từ kinh nghiệm và thành thạo chuyên môn chứ không cần phải thuê ai đó “mạo danh” chính mình để quảng cáo. Đến khi mọi rắc rối xảy ra là lúc bộ phận tiếp thị và các công ty PR giới thiệu họ với một blog nào đó. Họ thực sự lúng túng với những nội dung, chủ đề mà phía bên kia khai thác.
Về phần tôi, tôi đã quyết định chấm dứt mọi thứ liên quan đến vấn đề đó. Sẽ không có chuyện tôi quay lại viết bài cho những “nhà lãnh đạo tư tưởng” hoặc cho một blog của công ty nào đó. Tôi thà dành thời gian cho các dự án nghiên cứu về mức sống cũng như thu nhập của các nhà báo chân chính, bên cạnh đó còn tìm cách để họ được trả lương xứng đáng hơn.
Thật đáng mừng là dự án này ngày càng được hiện thực hoá, thế nên với hy vọng được sản xuất nội dung đa dạng và xác thực nhất có thể, chúng tôi đã phải tạo mối quan hệ và gây ấn tượng tốt với các đối tác nhằm xin được giấy phép Creative Commons.
Nhưng bạn biết đó, tôi cũng có cuộc sống như bao người. Hàng tháng tôi vẫn phải trả rất nhiều hoá đơn, rồi tiền thuê nhà, tiền trông trẻ, nên ngoài dự án đang thực hiện tôi phải nhận thêm một vài việc bán thời gian thì mới đảm bảo được cuộc sống của mình. Tôi hoàn toàn không thấy ngại gì khi nhận những công việc như làm phục vụ, trông trẻ, pha chế hay thậm chí là nhận dắt chó đi dạo thay cho những người chủ bận rộn của nó. Ít nhất thì những công việc này không hề làm tôi cảm thấy mình như đang rao bán bản thân hay làm xấu mặt nghề báo.
Bản thân tôi cũng thấy cuộc sống này đã quá đủ mệt mỏi với tùm lum thứ rồi, nên chả ai cần thêm các “thánh đạo đức” cho mình nữa. Quan điểm của tôi có vẻ hơi tự mãn, nhưng tôi không cố làm cho mọi người cũng phải sống như vậy. Tuy nhiên, tôi khuyến khích các nhà báo nên suy nghĩ kỹ trước khi quyết định nhận một hợp đồng viết nội dung quảng cáo nào đó. Liệu những ý tưởng của mình có bị ăn cắp bản quyền không? Bài viết đó có phải là để thay thế cho bài của người khác? Và bút danh của mình có được đặt dưới bài viết? Bạn có thể tự đặt một vài câu hỏi như thế, tự trả lời và đưa ra quyết định khách quan nhất cho mình cũng là một cách tốt.
Một khi nội dung quảng cáo được đề cao về chất lượng hơn số lượng, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu nhìn nhận lại vấn đề khách hàng có đọc hết những 30 bài quảng cáo được đăng lên website hay không. Và thực sự các kết quả SEO mang lại có phải là thực? Các CEO lúc đó sẽ là những nhà lãnh đạo đúng nghĩa với một số ý ít tưởng nhưng được chăm chút nhiều hơn từ nội dung cho đến hình thức.
Thậm chí, cánh nhà báo chúng ta có thể trở lại công việc này khi có ít kênh truyền thông hơn. Nội dung bài viết được đánh giá cao hơn với những cây bút chắc tay, tiền nhuận bút hấp dẫn, biên tập viên thì không phải đối mặt với lượng bài khổng lồ mỗi ngày. Bên cạnh đó, độc giả sẽ không mắc vào mớ hỗn độn của nội dung quảng cáo, mà còn có cái nhìn khách quan hơn về những bài uy tín, chất lượng.
Bạn thấy sao? Còn với tôi thì nó là sự thay đổi rất có triển vọng cho ngành xuất bản nội dung quảng cáo.
Tham khảo: Medium