Góp mặt trong mọi phân khúc, nhưng gần như chưa mẫu điện thoại nào cạnh tranh được với thương hiệu nước ngoài, ngay cả Trung Quốc dù vẫn nói hàng Trung Quốc kém bền, không đủ uy tín.

Hiện nay, số lượng người dùng smartphone ở Việt Nam đang tăng rất cao, chính vì vậy Việt Nam cũng trở thành thị trường béo bở với các hãng nỗi tiếng như Apple, Sony, Samsung, LG … Ngoài những tên tuổi lâu đời trên, còn rất nhiều thương hiệu mới nổi và không thể không nhắc đến các thương hiệu Việt như FPT, Q-Mobile, Rovi… và mới nhất hiện nay chính là Bkav với chiếc Bphone mà nhiều người biết đến.

Vậy, thương hiệu Việt đã làm được đến đâu? Tất cả, góp mặt đủ trong mọi phân khúc, nhưng gần như chưa có mẫu điện thoại nào cạnh tranh được với các thương hiệu đến từ nước ngoài, ngay là Trung Quốc, trong khi nhiều người vẫn nói hàng Trung Quốc kém bền, không đủ uy tín… Vậy tại sao thương hiệu Việt lại thất bại như vậy?

Những bước đi sai lầm của điện thoại thương hiệu Việt

Trước hết, ta sẽ xét về nhu cầu người dùng. Đặt bản thân dưới con mắt của một người tiêu dùng bình thường, thiết kế là điều đầu tiên mà ta chú ý đến. Tất nhiên không ai bỏ tiền ra để đi mua một chiếc điện thoại có kiểu dáng xấu cả. Thứ hai là chất lượng của điện thoại, hay có thể gọi là độ bền theo thời gian, không ai muốn thiết bị mình dùng được vài tháng là hư. Và cuối cùng là cấu hình, đa số người dùng điện thoại thông minh hiện nay là giới trẻ, họ cần gì thì chúng ta đều biết, họ cần một chiếc điện thoại chụp hình đẹp, có thể sử dụng trơn tru các ứng dụng mạng xã hội và một số game giải trí đơn giản.

Đây là nhận xét của tôi dưới con mắt của một người dùng là giới trẻ. Vậy với những yêu cầu trên thì điện thoại thương hiệu Việt làm được những gì?

Đầu tiên về thiết kế: Có thể nói điện thoại thương hiệu Việt làm rất tốt điều này khi mà thiết kế của họ bắt kịp với xu hướng của giới trẻ. Tuy nhiên, các thương hiệu lớn họ còn làm tốt hơn khi tạo ra những mẫu thiết kế mới hoàn hảo.

Tiếp theo là độ bền: Hầu hết điện thoại thương hiệu Việt không thể cạnh tranh với thương hiệu từ nước ngoài ở điểm này (ai từng dùng thì cũng sẽ rõ điều đó) và tạo ra một ấn tượng xấu đến người tiêu dùng.

Cấu hình: Điện thoại thương hiệu Việt trải đều ở mọi phân khúc. Có vẻ như họ chạy đua mạnh mẽ về mặt này.

Nhận xét chung về điện thoại thương hiệu Việt, có thể thấy, khi thiết kế và chất lượng chưa cạnh tranh được với các thương hiệu từ nước ngoài nhưng họ đã sẵn sàng chạy đua cấu hình thì đó là bước đi sai lầm. Điện thoại thương hiệu Việt chưa tạo được sự khác biệt với những mẫu điện thoại khác thì cơ hội hoàn toàn không có.

Ta cũng nhận thấy  khó khăn đối với điện thoại Việt. Các mẫu điện thoại tầm trung phải cạnh tranh với nhiều model từ Trung Quốc có giá rẻ và cấu hình cao, còn đối với những mẫu cao cấp thì phải chạy đua với các thương hiệu lớn và lâu đời. Hầu như khi ai đó sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua điện thoại thì chắc chắn các thương hiệu như Apple, Sony, Samsung, LG … sẽ là những chọn lựa đầu tiên.

Vậy hướng đi nào cho điện thoại thương hiệu Việt? Đầu tiên là sự khác biệt, khác biệt về thiết kế, giao diện… Tiếp theo là sự đổi mới về phương pháp, chiến lược hoạt động. Cuối cùng là bước đi đúng đắn, điện thoại Việt trước tiên cần vượt qua những thương hiệu mới nổi từ Trung Quốc rồi mới có thể cạnh tranh với các thương hiệu lớn.

Theo VnExpress

Góc quảng cáo