Trong những năm gần đây, nhựa sinh học rất phổ biến vì được cho là có nhiều ưu điểm có thể thay thế cho các loại nhựa thông thường. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, nhựa sinh học không hề ít hóa chất độc hại hơn so với các loại nhựa truyền thống như nhiều người vẫn nghĩ.
Nhựa là loại vật liệu có chứa các hóa chất độc hại, dễ gây nguy hiểm nếu vô tình ăn phải, điển hình là Bisphenol A (BPA) gây rối loạn nội tiết ở nữ giới và dẫn đến vô sinh ở nam giới. Nhựa sinh học có một số ưu điểm như: thường được làm từ vật liệu tái chế hoặc cellulose thực vật, có thể phân hủy sinh học – hoặc bao gồm cả hai đặc điểm trên. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây cho thấy khoảng 75% nhựa sinh học và các vật liệu có nguồn gốc thực vật có chứa các hóa chất độc hại.
Nghiên cứu sinh Lisa Zimmermann của trường Đại học Goethe Universität (Frankfurt, Đức) cho biết nhựa có nguồn gốc sinh học và phân hủy sinh học không an toàn hơn các loại nhựa khác. Báo cáo từ nghiên cứu của cô cho thấy các sản phẩm làm từ cellulose và tinh bột chứa nhiều hóa chất có khả năng gây ra những phản ứng độc hại mạnh trong điều kiện phòng thí nghiệm.
Martin Wagner, Phó Giáo sư tại Khoa Sinh học của Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy cho biết: “Trong điều kiện phòng thí nghiệm, ba trên bốn sản phẩm nhựa được nghiên cứu có chứa các chất nguy hiểm tương tự nhựa thông thường”.
Wagner là một trong những cộng tác viên cho PlastX, nhóm nghiên cứu tại Institut für sozial-ökologische Forschung (ISOE) ở Frankfurt, Đức. Nhóm này vừa chủ trì cuộc khảo sát lớn nhất về hóa chất trong nhựa sinh học và chất dẻo làm từ vật liệu nguồn gốc thực vật.
Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia đã xem xét các chất độc hại trong các loại nhựa. Những chất trong đó có thể gây độc trực tiếp cho các tế bào, hoặc hoạt động như các hormone làm rối loạn sự cân bằng cơ thể. Nghiên cứu được triển khai trên 43 sản phẩm nhựa khác nhau, gồm dao kéo dùng một lần, giấy gói chocolate, chai nước uống và nút chai rượu vang. Theo Wagner, 80% sản phẩm chứa hơn 1.000 loại hóa chất khác nhau. Riêng một số loại có tới 20.000 loại hóa chất.
Trên thực tế, hầu như không thể xác định được toàn bộ tác hại của các sản phẩm này mang lại vì chúng được sản xuất bằng rất nhiều loại vật liệu khác nhau. Ngay cả những sản phẩm trông có vẻ giống nhau cũng có các loại thành phần hóa học riêng. Túi ni lông làm bằng polyethylene sinh học có thể chứa các chất hoàn toàn khác với nút chai có chất liệu tương tự. Vì vậy, Wagner kết luận rằng gần như không thể đưa ra những tuyên bố chung về một số vật liệu nhất định.
Hiện tại, hậu quả của việc sử dụng những chế phẩm nhựa này đối với môi trường và sức khỏe vẫn chưa được kết luận chắc chắn. Chưa rõ các chất trong nhựa có thể truyền sang con người ở mức độ nào và gây ra những hậu quả gì nếu vô tình ăn phải.
Chúng ta cũng không biết liệu các lựa chọn thay thế cho nhựa sinh học và nhựa thông thường có khả thi hơn không vì có rất nhiều yếu tố tác động. Rõ ràng cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác minh nhựa sinh học có chắc là vật liệu thay thế tốt hơn nhựa thông thường hay không.