Để thực hiện mục đích phát tán virus, chiếm đoạt tài khoản Facebook của người dùng, nhiều tội phạm mạng liên tục đăng tải các dòng trạng thái “núp bóng” một bài báo với nội dung gây sốc nhằm lừa người dùng ngây thơ.

Nhiều thủ đoạn tinh vi hòng chiếm đoạt tài khoản Facebook
Một trong các thủ đoạn của hacker: chiếm đoạt tài khoản Facebook rồi tiếp tục phát tán liên kết chứa mã độc hoặc dẫn đến trang đăng nhập Facebook (giả mạo)

Thời gian gần đây, nhiều người dùng phản ánh trên Facebook của mình xuất hiện nhiều tin tức được chia sẻ với nội dung giật tít gây sốc. Đi cùng đó là những hình ảnh mang tính chất bạo lực, thậm chí là hình ảnh hở hang, khiêu dâm…

Bạn Quốc Dũng (ngụ Phú Nhuận) cho biết: “Cứ mỗi sáng mở Facebook lướt một vòng, ít nhất cũng phải có đến 2, 3 đoạn status đăng tải với nội dung gây chú ý, hình ảnh mát mẻ và tựa đề cực thu hút. Vì cảnh giác trước nên tôi không click vào đó vì sợ dính virus.”

Bạn Hoài Anh (ngụ Gò Vấp) thì cho rằng: “Mình cũng không bấm vào các trang web bậy bạ nhưng tự dưng Facebook của mình dạo gần đây, xuất hiện nhiều tin ảnh khá mát mẻ. May là chỉ vừa kịp thấy là mình đã kéo nó xuống liền, lỡ ai thấy được thì chắc không biết để mặt mũi ở đâu.”

Cũng theo phản ánh chung của nhiều độc giả gửi về cho biết: “Hình ảnh được đăng tải khá sốc, có những bức ảnh khiêu dâm nặng nề và đi cùng là một đường dẫn đến một trang web khá xa lạ. Đa phần các tựa đề luôn tạo sự kích thích, tò mò và giả dạng như một bài viết để người dùng click vào xem.”

Ông Ngô Trần Vũ - Giám đốc điều hành NTS Security
Ông Ngô Trần Vũ – Giám đốc điều hành NTS Security

Trước vấn đề trên, trao đổi với Dân trí, ông Ngô Trần Vũ – Giám đốc điều hành NTS Security – nhà phân phối sản phẩm Kaspersky Lab tại Việt Nam cho biết: “Đây là hình thức phát tán hình ảnh chứa liên kết đến nguồn chứa mã độc để tấn công nhằm chiếm đoạt tài khoản Facebook. Người dùng cần cảnh giác với hình thức tấn công này.”

Để giải quyết tình trạng trên, theo ông Vũ: “Đầu tiên người dùng phải vào tài khoản Facebook để đổi mật khẩu mới. Tiếp theo, bạn tiếp tục vào các group (nhóm) và fanpage (trang) để dislike (huỷ thích) các nhóm đã bị gán ghép trong tài khoản của mình. Kể từ lúc đó bạn sẽ tránh được các đường link lạ chứa các hình ảnh nhạy cảm. Nếu có bạn bè nào share hình nhạy cảm thì bạn vào hướng dẫn cho bạn bè thay đổi mật khẩu luôn hoặc từ chối họ trong friend list (danh sách bạn bè).”

Đây là một hình thức tấn công không mới, các tin tặc thường sẽ tạo ra những website giả mạo để dụ dỗ người dùng nhấp vào và gõ thông tin nhằm chiếm đoạt tài khoản Facebook và sử dụng nó phát tán virus. Theo thống kê về tình hình an ninh mạng 2015, trung bình mỗi tháng xuất hiện hơn 1.000 trang giả mạo Facebook nhằm lấy cắp thông tin tài khoản, 3,9 triệu tin nhắn rác được phát tán mỗi ngày, 23.605 dòng virus máy tính mới xuất hiện tại Việt Nam…

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

Góc quảng cáo