Theo Phone Arena, Huawei và chính quyền Bắc Kinh có mối quan hệ sâu sắc khi nhiều nhân viên đang làm việc tại đây từng được quân đội Trung Quốc giao nhiệm vụ tấn công mạng, gián điệp công nghệ chống lại các nước phương Tây.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố dừng lệnh cấm Huawei, hãng công nghệ Trung Quốc đã có thể “thở phào nhẹ nhõm”. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn thắc mắc liệu sản phẩm của hãng này có thực sự an toàn hay không khi mới vài tuần trước Bộ Thương mại Mỹ vừa tuyên bố những thiết bị của họ là mối đe dọa an ninh quốc gia?
Phó giáo sư Christopher Balding của Đại học Fulbright Việt Nam đã điều tra thông tin lý lịch của những nhân viên Huawei rò rỉ từ các cơ sở dữ liệu không bảo mật và trang web tuyển dụng của công ty. Một số thông tin cho thấy hãng công nghệ này đang thuê nhiều cựu nhân viên chính phủ – những người chuyên tấn công mạng hoặc làm nhiệm vụ gián điệp công nghệ.
“Những nhân viên kỹ thuật trung cấp được Huawei tuyển dụng có nền tảng kiến thức vững chắc trong lĩnh vực thu thập thông tin tình báo và quân sự. Một số có liên quan đến các vụ hack và gián điệp công nghệ chống lại phương Tây”, nghiên cứu viết.
Trong những hồ sơ điều tra cho thấy một nhân viên Huawei từng giữ vai trò quan trọng tại trường đại học quân sự, được tuyển bởi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), có liên quan đến nhiều vụ tấn công mạng và chiến tranh điện tử của Bắc Kinh.
Hồ sơ khác cho thấy có một nhân viên Huawei từng là đại diện cho cơ quan chính phủ, chịu trách nhiệm về mặt gián điệp và phi gián điệp. Nghiên cứu cho biết người này từng “tham gia mô tả công nghệ và phần mềm thu thập thông tin trên các sản phẩm của Huawei”.
Kết quả nghiên cứu
Balding xác nhận chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy nhà nước Trung Quốc trực tiếp ra lệnh cho nhân viên Huawei thực hiện hành vi gián điệp hoặc các hoạt động tương tự. Tuy nhiên, những CV của nhân viên Huawei thường nói về các hành vi chặn thông tin. Ngoài ra, có nhiều trường hợp đang giữ vị trí kép trong Lực lượng Hỗ trợ chiến lược cho PLA, giám sát chiến tranh điện tử và các đơn vụ tác chiến phi truyền thống tương tự. Vì vậy, mặc dù không thể kết luận họ được ra chính phủ Trung Quốc ra lệnh, nhưng xét về vị trí và hành vi được đề cập trên CV, dễ thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa Huawei và chính quyền Bắc Kinh.
Mỹ từng nghi ngờ “gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc” cài đặt backdoor trong thiết bị và dịch vụ để tạo điều kiện cho Bắc Kinh khai thác thông tin gián điệp nhưng đến nay vẫn chưa có bằng chứng cụ thể. Khi được hỏi về cuộc điều tra, Huawei trả lời không thể xác minh những CV đó và không cách nào “xác thực tất cả các thông tin trực tuyến”.
Huawei cho biết họ quản lý việc kiểm tra lý lịch và cấp quyền cho những người đào tạo nhân viên được truy cập vào mạng và dữ liệu khách hàng của mình. Ngoài ra, hãng công nghệ Trung Quốc cho rằng không có gì lạ khi các cựu nhân viên quân đội từ bỏ cơ quan nhà nước và tìm kiếm công việc với mức lương tốt hơn ở các công ty tư nhân.
“Huawei duy trì chính sách nghiêm ngặt khi tuyển dụng các ứng cử viên có nguồn gốc từ quân đội hoặc chính phủ. Trong quá trình tuyển dụng, những ứng viên này được yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh họ đã chấm dứt mối quan hệ với quân đội hoặc chính phủ”, đại diện hãng cho biết.
“Chúng tôi hoan nghênh báo cáo chuyên nghiệp và thực tế về tính minh bạch của Huawei nhưng hy vọng rằng những tài liệu nghiên cứu khác sẽ ít mang tính phỏng đoán hơn trong kết luận, tránh những tuyên bố mang tính suy đoán như ‘tin’, ‘suy ra’ và ‘không thể loại trừ’ theo cách Giáo sư Balding đã dùng”, phát ngôn viên của Huawei nói thêm.
Theo Phone Arena