Hơn 50 nhà nghiên cứu hàng đầu về AI (trí thông minh nhân tạo) và Robotics (Robot học) tuyên bố sẽ tẩy chay trường đại học KAIST của Hàn Quốc vì dự án phát triển các vũ khí sử dụng trí thông minh nhân tạo.

Các nhà nghiên cứu AI kêu gọi tẩy chay trường đại học tại Hàn Quốc vì các nghiên cứu về "Robot sát thủ"

Lời cảnh báo đã được đưa ra trước thềm hội nghị Geneve của Liên Hợp Quốc, tổ chức vào tuần tới về chủ đề “Robot sát thủ”. Điều này đánh dấu cho sự leo thang các chiến dịch của cộng đồng nhà khoa học đấu tranh chống lại việc sử dụng AI điều khiển vũ khí.

Cuộc vận động tẩy chay được tạo ra bởi giáo sư Toby Walsh của trường đại học New South Wales, ông là người đã cảnh báo về tình trạng chạy đua vũ khí quân sự tự hành của các nước. Walsh cho biết: “Chúng tôi có thể thấy các mẫu vũ khí tự hành đang được phát triển bởi nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nga và Anh. Chúng tôi bị hút vào cuộc chạy đua vũ trang này, hành động của KAIST chỉ đẩy nhanh cuộc chiến này và chúng tôi không thể chịu đựng được điều đó.”

Rất nhiều nhà nghiên cứu AI hàng đầu thế giới đã kí vào lời kêu gọi tẩy chay này, trong đó có giáo sư Geoffrey Hinton, Yoshua Bengio và Jü​rgen Schmidhuber. Việc tẩy chay sẽ cô lập mọi liên hệ và hợp tác đào tạo đối với KAIST cho đến khi trường đại học này đảm bảo rằng các vũ khí họ phát triển sẽ do con người điều khiển.

Động thái này bắt nguồn từ một thông báo của KAIST vào tháng 2 vừa qua. Thông báo cho biết trường đại học này đã hợp tác nghiên cứu với công ty quốc phòng Hàn Quốc – Hanwha Systems. Theo The Korean Times, mục tiêu của dự án hợp tác này là “Phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo và áp dụng vào vũ khí quân sự. Tìm kiếm và tiêu diệt các mục tiêu mà không cần sự điều khiển bởi con người”.

Tuy nhiên trong một báo cáo của Times Higher Education, chủ tịch Sung-Chul Shin của KAIST đã phủ nhận các cáo buộc và cảm thấy buồn vì lời đe dọa tẩy chay này. “Với tư cách là một trường học, chúng tôi luôn đánh giá cao nhân quyền và tiêu chuẩn đạo đức. KAIST sẽ không tiến hành bất kỳ nghiên cứu nào chống lại nhân phẩm con người, bao gồm vũ khí tự hành không được kiểm soát bởi con người”.

Không vừa ý với câu trả lời từ KAIST, giáo sư Toby Walsh cho biết sẽ tham khảo ý kiến của các đồng sự và cũng nhấn mạnh trường đại học này còn né tránh nhiều câu hỏi và không đưa ra đáp án thích đáng.

KAIST và Hanwha là sự hợp tác hàng đầu giữa công nghệ robot và quân sự

KAIST là trường đại học với các nghiên cứu đẳng cấp thế giới, nổi tiếng với robot DRC-HUBO dành ngôi vô địch trong chương trình DARPA Robotics Challenge 2015.

Các nhà nghiên cứu AI kêu gọi tẩy chay trường đại học tại Hàn Quốc vì các nghiên cứu về "Robot sát thủ"
Robot DRC-HUBO của KAIST

Hanwha Systems là chi nhánh quốc phòng của tập đoàn quyền lực Hanwha – Hàn Quốc. Hanwha đã phát triển thành công nhiều loại vũ khí tự hành, tiêu biểu là khẩu pháo SGR-A1 – được cho là đã triển khai dọc biên giới Hàn Quốc và Triều Tiên.

Mặc dù cuộc tẩy chay này là một hoạt động rất có ý nghĩa, nhưng các chuyên gia cho biết chiến dịch kiểm soát sự phát triển của vũ khí tự hành là vô ích.

Trước đó, các nhà lãnh đạo về AI và robot học đã viết thư cho LHQ với lập luận cho rằng vũ khí tự hành với khả năng giết người có thể gây bất ổn cho thế giới và cần được kiểm soát bởi hiệp ước quốc tế. Việc này đã nhận được sự đồng tình từ 19 quốc gia trong đó có Ai Cập, Argentina và Pakistan.

Các nước như Mỹ và Anh thì cho rằng việc này không thực tế, vì khó có thể xác định được hành động đó có can thiệp của con người hay không. Và nhiều hệ thống vũ khí tự hành vẫn đang hoạt động trên thế giới, điển hình như máy bay không người lái và mạng lưới phòng thủ tên lửa.

Đối với Walsh và các đồng sự: “Nếu được phát triển, vũ khí tự hành sẽ cho phép các cuộc chiến được tiến hành nhanh và quy mô lớn hơn bao giờ hết. Việc này sẽ khó để khắc phục nếu nó xảy ra.”

Theo TheVerge

Góc quảng cáo