Các nhà khoa học Mỹ đã nhân bản thành công cây gỗ đỏ – loài thực vật được xem là to khỏe và sống lâu nhất trên thế giới.

Các nhà khoa học đang hồi sinh loài cây sống lâu nhất hành tinh

Chính xác hơn, các nhà thực vật học Mỹ đã nhân bản thành công cây gỗ đỏ non từ những cây lớn và khỏe mạnh sống lâu nhất trên thế giới, nhằm khôi phục lại diện tích rừng nguyên sinh, góp phần chống biến đổi khí hậu.

Vào khoảng những năm 1800, vàng được phát hiện ở California, rất nhiều người đã đổ về đây khai thác. Một lượng lớn cây gỗ đỏ bị chặt để dựng nhà và cơ sở hạ tầng. Sau hơn 100 năm, hiện chỉ còn chưa đến 5% diện tích rừng ban đầu.

David Milarch – người sáng lập của Archangel Ancient Tree Archive, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ tuyên truyền về những cây lớn nhất thế giới  – cho biết “Hầu hết các cây gỗ đỏ không sống được 1.000 năm tuổi và chỉ có hai đến ba phần trăm sống từ 2.000 đến 3.000 năm tuổi. Chúng tôi đang tìm kiếm những cây lớn và già nhất với hệ thống miễn dịch mạnh nhất, có thể sống sót trong điều kiện khí hậu hiện tại.”

Milarch và các công sự của ông đang sử dụng cây non làm từ mầm cơ bản của những “siêu cây” này để trồng thành các cánh rừng mới ở các nước ôn đới trên thế giới. Nếu thành công, họ hy vọng đây sẽ là những cây to nhất thế giới trong tương lai. Tổ tiên của các giống cây này cao tới 400 ft (122 m) và đường kính tới 35 ft (hơn 10m), lớn hơn nhiều so với sequoia – cây gỗ đỏ lớn nhất hiện nay ở Công viên Quốc gia Sequoia ở California.

Hiện tại, những “siêu cây con” của dự án đang phát triển mạnh ở các khu rừng tại Canada, Anh, xứ Wales, Pháp, New Zealand và Úc. Thực tế thì không nơi nào trong số những địa phương này có cây gỗ đỏ mọc tự nhiên, nhưng do có nhiệt độ mát mẻ và đủ sương mù, độ ẩm từ không khí vào mùa hè thay vì dựa vào mưa nên hiện tại, những nơi này mới là môi trường tốt để cho cây gỗ đỏ phát triển. Milarch gọi đây là “sự hỗ trợ di chuyển” assisted migration.

Tháng trước, tổ chức của ông đã trồng một khu rừng như vậy ở Presidio ở San Francisco, California. Công viên nằm dọc theo hành lang gỗ đỏ phía tây Hoa Kỳ, chạy từ Oregon đến California, nơi có những gốc cây được dùng để nhân bản. Nhiều cây gỗ đỏ dọc hành lang bây giờ đang là những cây non. Ông Milarch lưu ý rằng khi khí hậu địa phương hiện tại đã trở nên nóng và ít sương mù hơn, không còn có lợi cho sự tăng trưởng như ngày xưa nữa.

Hiện 75 cây con được tạo ra từ mầm cơ bản của những gốc cây cổ thụ gồ ghề và to lớn nhất vùng ven biển được trồng lại ở Presidio. Các nhà khoa học đang kỳ vọng những cây con này trong tương lai sẽ là những cây cứng và cao nhất quanh nơi này.

Một dự án nhân bản như thế này trước đây được cho là không thể thành hiện thực. Cây gỗ đỏ tự nhiên tự sinh sôi bằng một vòng tròn tăng trưởng giống hệt nhau, được gọi là “fairy ring”, các hạt giống rơi xuống xung quanh cây chủ trong nhiều thập kỷ trước khi chết một cách tự nhiên. Nhưng cũng có những cây chết trước khi tạo ra những fairy ring. Tầm năm năm trước, Milarch và các cộng sự đã nghiên cứu ra cách khác để vực dậy sự tăng trưởng của các loài thực vật 3.000 năm tuổi này. “Cứ như thể những con khủng long đang sống lại”, ông nói.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng ở những gốc cây gỗ đỏ khổng lồ phát triển ven biển từng được cho là đã chết lại có những mầm cây cơ bản bao quanh, có chất sống phát triển trong các chồi ngay xung quanh khu vực này. Sử dụng những chồi này, các nhà thực vật học đã nhân giống trong khoảng hai năm trước khi những mầm cây này sẵn sàng để trồng. Thành công ban đầu không chắc chắn, nhưng quá trình nhân bản mang lại kết quả khá khả quan – Milarch cho biết.

Các nhà thực vật học Mỹ đang hồi sinh cây gỗ đỏ khổng lồ

Đây không chỉ là tin tốt cho những người yêu thực vật, mà còn là một tín hiệu đáng mừng cho môi trường. Những cây này là sẽ là những nhà vô địch khi nhắc đến hệ sinh thái. Đây là loài thực vật có khả năng lọc không khí, đất và nước vô cùng tốt và còn có khả năng kỷ lục trong việc loại bỏ lượng khí thải carbon dioxide – nguyên nhân hàng đầu của việc đẩy nhanh sự biến đổi khí hậu.

Khi cây quang hợp, chúng hấp thụ carbon dioxide, giải phóng oxy và lưu trữ carbon trong thân cây. Vì sống lâu hơn và lớn hơn các loài thực vật khác, nên các cây gỗ đỏ lưu trữ và khóa carbon hiệu quả hơn các loài thực vật khác. Một cây gỗ đỏ trưởng thành có thể cô lập tới 250 tấn carbon dioxide hoặc hơn nữa trong quá trình quang hợp. Loại cây này thu được nhiều carbon dioxide từ khí quyển hơn bất kỳ loại cây nào khác trên trái đất. Những cây gỗ đỏ khổng lồ với hệ thống miễn dịch mạnh mẽ thì sẽ còn hiệu quả hơn nữa – Milarch dự đoán.

“Tôi rất phấn khởi khi được thiết lập các tiêu chuẩn phục hồi môi trường. Những cây này có khả năng chống biến đổi khí hậu và hồi sinh rừng và hệ sinh thái theo cách chúng ta chưa từng thấy trước đây.”

Theo: Quartz

Góc quảng cáo