New York Times cho biết Samsung vẫn chưa thể xác định được chính xác nguyên nhân dẫn tới sự cố cháy nổ của Galaxy Note7. Tuy nhiên theo một số nhà phân tích thì nguyên nhân có thể nằm ở thiết kế máy.

Theo Phonearena, Galaxy Note7 có nhiều cái “đầu tiên” về mặt thiết kế, nhưng vô tình đây lại là nguyên nhân dẫn tới cháy nổ. Điển hình như Samsung đã sử dụng hợp kim nhôm series 7000 cứng nhất cho phần khung sườn và các cạnh, giúp máy cứng cáp hơn 1,3 lần, chống xước cao gấp 1,2 lần so với Galaxy S7.

Galaxy Note7 cháy nổ: lỗi pin, thiết kế hay mạch điện áp?

Thiết kế có vấn đề

Nhằm tạo ra không gian đủ lớn và phẳng để sử dụng được bút S-Pen, Samsung đã áp dụng kỹ thuật “tạo hình nhiệt 3D” (3D thermoforming) để tạo ra độ dốc cao nhất ở phần rìa của mặt kính cong. Chưa dừng lại, Samsung còn muốn đảm bảo thiết kế hoàn toàn “đối xứng” nên đã cố xử lý phần lưng kim loại phía sau cũng có độ dốc tương tự như màn hình ở phía trước, làm Galaxy Note7 trở thành chiếc máy có độ dốc nhất từ trước tới giờ của hãng. Điều này vô tính khiến cho pin bị chèn ép với mật độ phần cứng quá cao bên trong, dễ hình thành nên nguy cơ cháy nổ.

Galaxy Note7 cháy nổ: lỗi pin, thiết kế hay mạch điện áp?

Không loại trừ pin…

Trong đợt thu hồi đầu tiên, một số văn bản rò rỉ ra từ cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc cho thấy pin của Galaxy Note7 sản xuất bởi công ty con của hãng là Samsung SDI. Viên pin này hơi lớn hơn một chút so với phần khung đặt pin.

Đồng thời, các dĩa ngăn cách anode và cathode bên trong cũng quá gần với các cạnh, do đó chúng sẽ rất dễ bị ép khi có áp lực, từ đó làm ngắn mạch pin và gây nên tình trạng quá nhiệt. Đồng thời họ còn phát hiện ra một số vấn đề khác trong việc đóng gói các cell pin, thí dụ như các lớp băng cách điện và lớp phủ trên cathode.

Một vài thành phần trong số này không được sản xuất bởi Samsung SDI mà từ những công ty đối tác khác, nên cũng chưa thể chắc chắn Samsung SDI là thủ phạm chính của vụ việc này.

Nếu tách riêng lẻ, các vấn đề trên không thể khiến cho Galaxy Note7 tự phát nổ, nhưng nếu cùng xuất hiện trên một thiết bị, nó sẽ tạo nên một “tổ hợp nguy hiểm” và đặc biệt là nếu có áp lực tác động lên những đĩa phân cách.

Vậy áp lực đó ở đâu mà có?

Một trong những giả thuyết cho rằng thủ phạm chính là do phần viền cong quá dốc mà Samsung đã tạo ra. Những chiếc đai phân cách trong viên pin được đặt quá gần phần rìa, và khi hàn chặt máy nhằm đảm bảo chống nước, toàn bộ cấu trúc sẽ chịu áp lực cao hơn bình thường. Phonearena cho rằng cùng với một số lỗi trong bản thân viên pin thì điều này đã giải thích cho đợt thu hồi đầu tiên.

Galaxy Note7 cháy nổ: lỗi pin, thiết kế hay mạch điện áp?

…đến mạch điện áp

Đợt thu hồi thứ 2 vẫn còn một số bí ẩn, khi vài thông tin rò rỉ cho rằng pin vẫn có một số vấn đề, mặc dù tất cả đều được sản xuất bởi nhà máy tại Trung Quốc của Amperex Technology Ltd (một đơn vị thuộc tập đoàn Nhật TDK) thay vì của Samsung SDI như trước đây. Do đó, có lẽ nó sẽ không còn vấn đề về kích thước, đĩa phân cách, các lớp băng cách điện hoặc lớp phủ điện cực.

Tuy nhiên áp lực bất thường tạo ra từ phần viền cong 2 bên vẫn còn đó. Giả thuyết ở đây là lỗi thiết kế bộ điều khiển điện áp, hoặc cũng có thể là do thời gian quá gấp rút mà Samsung đặt ra với ATL phải sản xuất hàng trăm ngàn viên pin trong 3 tuần để kịp thay thế. Tất cả mọi thứ vẫn chỉ là dự đoán của giới phân tích chứ chưa có thông tin xác thực từ hãng.

Nguồn tin từ Bloomberg lại cho rằng, kết quả điều tra sơ bộ đầu tiên cho thấy những viên pin do ATL sản xuất cũng xuất hiện vấn đề. Trong khi trước đây, những viên pin của ATL được cho là an toàn, đảm bảo chất lượng và hứa hẹn sẽ khắc phục được tình trạng quá nhiệt của Galaxy Note7.

Được biết, cho tới trước đợt thu hồi vào 15/9 đã có 92 trường hợp pin Galaxy Note7 quá nhiệt ở Mỹ và gây ra 26 vụ cháy. Samsung và cơ quan chức năng đang điều tra các vụ việc mới nhất nhưng vẫn chưa công bố kết quả nguyên nhân gây ra.

YouTube video
Góc quảng cáo