Theo báo cáo “2019 Freedom on the Net” của tổ chức giám sát độc lập Freedom House, các phương tiện truyền thông xã hội không thực sự tự do như nhiều người vẫn tưởng. Ngược lại, mạng xã hội là nơi để chính phủ giám sát người dùng Internet và là môi trường cho kẻ xấu thao túng bầu cử.
Theo báo cáo, có 40/65 (62%) quốc gia trong phạm vi nghiên cứu đã thiết lập các chương trình giám sát phương tiện truyền thông xã hội. Về tự do trực tuyến, Trung Quốc, Nga và Ai Cập thuộc danh sách các nước giám sát nghiêm ngặt những người dùng Internet nhất, trong đó Trung Quốc xếp hạng đầu tiên.
Theo thống kê, 89% người dùng Internet (gần 3 tỷ người) đang bị theo dõi bởi một chương trình giám sát nào đó – một con số đáng kinh ngạc.
Cách triển khai những chương trình giám sát còn bất ngờ hơn. Ví dụ, báo cáo cho thấy ở Iran có một “đội quân” 42.000 tình nguyện viên chuyên theo dõi những bài viết trực tuyến. Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng có một hệ thống tương tự, chuyên giám sát các bài viết trên mạng xã hội và gắn cờ những nội dung “có vấn đề”. Công ty Seemian của Trung Quốc tuyên bố hệ thống giám sát Aegis của họ đang theo dõi đến 200 triệu người dân Trung Quốc.
Dù Mỹ luôn được đánh giá là một nước tự do, hầu như không có kiểm duyệt Internet, nhưng báo cáo cho thấy sự thật không phải vậy. Công ty an ninh mạng Cellebrite của Israel vừa ký thỏa thuận trị giá 30 đến 35 triệu USD với Sở Di trú và Hải quan Mỹ (ICE), bán cho cơ quan này công cụ hack và thu thập toàn bộ dữ liệu trong điện thoại. Nhiều nước trên thế giới thậm chí còn gửi quan chức đến Mỹ để học cách giám sát các phương tiện truyền thông xã hội.
Báo cáo cho biết nhiều quan chức Philippines đã tới Bắc Carolina (Mỹ) để được các nhân viên trong quân đội Mỹ đào tạo cách phát triển một cơ quan giám sát phương tiện truyền thông. Mặt khác, Tiểu đoàn Phản ứng nhanh (Rapid Action Battalion – RAB) của Bangladesh – một đơn vị chống khủng bố cực đoan được chính phủ hậu thuẫn – đã đến Mỹ vào tháng 4/2019 để học phương pháp sử dụng phần mềm hệ thống giám sát mạng xã hội dựa trên vị trí.
Theo báo cáo, 47/65 nước có trường hợp bắt giữ những người phát ngôn bất mãn về chính trị, xã hội hoặc tôn giáo. Đáng ngạc nhiên là một số nước luôn được đánh giá là “tự do” như Anh và Mỹ cũng đang giám sát những nhà hoạt động chính trị. Ví dụ, ICE sử dụng mạng xã hội ở New York để thu thập thông tin về các nhóm phản đối chính sách nhập cư và quy định kiểm soát súng của chính phủ.
Theo Mashable