Xem nhanh
Facebook và Bain & Company đã công bố báo cáo “Tương lai người tiêu dùng số, bắt đầu từ hôm nay”
Nghiên cứu Lướt trên làn sóng số do Facebook phối hợp cùng công ty tư vấn quản lý toàn cầu Bain & Company thực hiện năm 2019 đã ghi nhận một thế hệ người tiêu dùng mới ở khu vực Đông Nam Á (ĐNA), những người tiêu dùng số mua sản phẩm hoặc dịch vụ trên mạng ít nhất 1 lần mỗi năm, và một thế hệ khám phá gồm những người tiêu dùng số có thói quen mua sắm chủ yếu dựa vào cảm hứng và mức độ sẵn sàng khám phá trên thiết bị số.
Năm 2020, Facebook và Bain & Company lại tiếp tục tìm hiểu về sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng dưới tác động của dịch COVID-19, và đã tìm ra một phát hiện thú vị. Tính đến năm 2020, sự chuyển đổi từ nền kinh tế ngoại tuyến sang trực tuyến, vốn được dự kiến sẽ diễn ra trong năm năm, nay đã hoàn thành chỉ trong một năm, nhanh hơn nhiều so với dự báo trước đó. Sự tăng trưởng đột phá này sẽ thúc đẩy nền kinh tế số của ĐNA nói chung và Việt Nam nói riêng phát triển mạnh mẽ.
Tất cả những phát hiện thú vị trong nghiên cứu của Facebook và Bain & Company sẽ được hé lộ trong báo cáo “Tương lai người tiêu dùng số, bắt đầu từ hôm nay”. Báo cáo cho thấy những xu hướng tiêu dùng mới của người tiêu dùng ĐNA và Việt Nam, cũng như đưa ra ý nghĩa và lời khuyên giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt và thích ứng để xây dựng chiến lược tăng trưởng và phát triển.
Báo cáo năm 2020 được công bố dựa trên kết quả khảo sát trên khoảng 16.500 người trên khắp ĐNA, và phỏng vấn hơn 20 lãnh đạo của các công ty thuộc các ngành khác nhau, với mục tiêu khám phá những hành vi mua sắm tiêu dùng đã đẩy nhanh dự báo năm 2025 về xu hướng mua sắm trực tuyến trên sáu quốc gia trong khu vực ĐNA, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Tại Việt Nam, Facebook và Bain & Company đã khảo sát hơn 3.500 người, là những người tiêu dùng kỹ thuật số đã mua hàng trực tuyến ít nhất 2 loại sản phẩm trong 3 tháng qua.
I. COVID-19 đã thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng của mua sắm trực tuyến trong khu vực Đông Nam Á
Tiềm năng của thị trường mới
- Từ năm 2018 đến năm 2020, số lượng người tiêu dùng kỹ thuật số tăng khoảng 60 triệu người, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 12%.
- Số lượng người tiêu dùng kỹ thuật số ở ĐNA dự kiến sẽ đạt khoảng 310 triệu người vào cuối năm 2020, với hàng triệu người khác dự kiến sẽ tham gia trong những năm tới. Điều này có nghĩa là gần 70% người tiêu dùng ĐNA sẽ sử dụng kỹ thuật số vào cuối năm nay. Riêng thị trường Việt Nam đạt 49 triệu người mua sắm trực tuyến, chiếm 65% tổng số người từ 15 tuổi trở lên.
- Mức chi tiêu bình quân trực tuyến cũng đã tăng mạnh. Vào năm 2025, mức chi tiêu của người tiêu dùng số sẽ cao hơn trung bình 3,5 lần so với năm 2018. Mức này cao gấp 3,2 lần so với những gì được dự đoán vào năm 2019. Theo dự báo, tổng giá trị giao dịch trung bình – giá trị tiền tệ của hàng hóa hoặc dịch vụ đã bán qua thị trường trực tuyến – ở ĐNA sẽ đạt mức 172 USD/người tính đến cuối năm 2020.
Sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng kỹ thuật số
- Trong năm 2020, người tiêu dùng tìm hiểu thông tin trên 5,1 trang web trực tuyến trước khi đưa ra quyết định mua hàng – mức tăng đáng kể so với mức trung bình 3,8 trang web vào năm 2019. Giá cả (42%) và chất lượng sản phẩm (34%) là những ưu tiên tìm kiếm hàng đầu. Tương tự, trung bình 5 trong 10 người được hỏi nói rằng họ đã thay đổi thương hiệu được mua nhiều nhất trong ba tháng gần đây nhất, và độ tin cậy và giá trị là hai lý do hàng đầu họ thay đổi.
- Khám phá và tìm kiếm nguồn cảm hứng vẫn luôn quan trọng với 68% người tiêu dùng cho biết họ vẫn không biết mình muốn mua gì trước khi mua sắm trực tuyến. 62% người được khảo sát (so với 50% vào năm 2019) cho rằng họ tìm hiểu về các sản phẩm mới và thương hiệu thông qua nền tảng xã hội, video ngắn và ứng dụng nhắn tin.
- Sở thích dùng mạng xã hội cũng như xem video có thời lượng trung bình và ngắn của người tiêu dùng đã mở đường để hoạt động thương mại diễn ra khi họ khám phá sản phẩm và thương hiệu mới thông qua các kênh này.
- Trong số những người tham gia khảo sát, 63% chủ yếu tìm video mới có thời lượng ngắn, trong khi 54% khám phá video có thời lượng trung bình thông qua nền tảng này. Tính trung bình, người tiêu dùng xem 17 video ngắn, 13 video có thời lượng trung bình và 0,75 video dài mỗi ngày. Căn cứ vào số liệu này, các video ngắn chiếm 55% tổng số lượt xem video mỗi ngày, phần còn lại là của video có thời lượng trung bình và dài.
- Sự cởi mở với các thương hiệu khác nhau là đặc điểm chung của nhiều người ở khu vực ĐNA: Trung bình, 54% người trả lời khảo sát đã thay đổi thương hiệu họ thường mua nhất trong 3 tháng trước khi diễn ra nghiên cứu. Đối với những người thay đổi thương hiệu và trang web mua hàng, độ tin cậy và giá trị là những lý do được nhắc đến nhiều nhất, bất kể ở quốc gia nào.
II. Sự thay đổi trong hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng Việt Nam
- 65% người tiêu dùng Việt Nam có độ tuổi trên 15 là người tiêu dùng trực tuyến; 46% trong số đó đã chuyển sang sử dụng kênh trực tuyến là kênh mua sắm chính.
- So với năm 2018, việc mua sắm trực tuyến trong năm 2020 tăng trên tất cả các danh mục, cao nhất ở ngành hàng tạp hóa (1.8X), tiếp đến là thời trang (1.6X), chăm sóc sức khỏe (1.5X), đồ dùng gia đình (1.4X) và đồ điện tử (1.4X) cho thị trường Việt Nam.
- Không chỉ số lượng người tiêu dùng trực tuyến tăng lên, mà tổng giá trị tiêu dùng của hoạt động mua sắm trực tuyến cũng tăng mạnh. Năm 2020 đã đạt mức 7 tỷ đô la, gấp đôi so với năm 2018. Với tốc độ này, tổng giá trị tiêu dùng của hoạt động mua sắm trực tuyến được dự đoán sẽ tăng gấp 3,7 lần vào năm 2025. Doanh thu thuần bán lẻ trực tiếp (GMV) của Việt Nam được dự đoán là đạt 25 tỷ đô la vào năm 2025, tăng thêm 1 tỷ so với dự đoán từ năm ngoái của Forrester Forecast View, đứng thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia. Trong đó ngành bách hóa là ngành có mức tăng trưởng nhanh nhất với tỷ lệ tăng trưởng kép trung bình hàng năm đạt 32%.
- Các hoạt động mua sắm trực tuyến phần lớn được truyền cảm hứng từ các hoạt động khám phá trên mạng. Hơn 70% người dùng Việt Nam được khảo sát cho biết họ không xác định họ muốn gì hay mua từ đâu khi mua sắm trực tuyến. Thế hệ tiêu dùng trực tuyến này được gọi là “thế hệ khám phá”, khi 47% đơn hàng được xuất phát từ những hoạt động khám phá tìm cảm hứng, thay vì biết mình muốn mua gì và chủ động tìm kiếm sản phẩm.
- Nguồn để khám phá trực tuyến của người Việt bao gồm: Mạng xã hội và video ngắn 45%, Ứng dụng nhắn tin 12%, Video trung bình 30%, Trò chơi 5%, Video dài 4%.
- 64% người dùng Việt Nam cho biết họ cởi mở hơn khi thử mua hàng ở trang web mới và 69% trả lời là đã thay đổi thương hiệu mà họ hay mua trong 3 tháng qua. Lý do cho sự cởi mở và thay đổi này là họ tìm được sản phẩm thay thế có chất lượng tốt hơn và có giá trị tương xứng với số tiền bỏ ra.
- Sự cởi mở của người dùng Việt Nam được minh chứng bằng việc số lượng website TMĐT trung bình mà họ mua hàng tăng từ 4 website năm ngoái lên 5.7 website trong năm 2020, cao nhất trong khu vực ĐNA.
- Ngoài ra thói quen sử dụng tiền mặt cũng giảm mạnh, chỉ còn 60% người khảo sát chọn COD (thanh toán tiền mặt khi nhận hàng) giảm 9% so với năm ngoái, trong khi tỷ lệ chọn hình thức Ví điện tử và Thẻ tín dụng/ghi nợ lần lượt là 20% và 13%.
III. Lời khuyên dành cho doanh nghiệp
- Chính vì sự ra đời của Thế hệ khám phá và sự phát triển mạnh mẽ của mua sắm trực tuyến, các doanh nghiệp mà đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ đứng trước cơ hội rất lớn để phát triển kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ có thể chủ động đưa sản phẩm, dịch vụ của mình đến với các nhóm khách hàng tiềm năng dễ dàng hơn mà không cần ngân sách quá lớn ngay từ đầu. Đây là sự thay đổi rất lớn so với cách làm truyền thống khi các doanh nghiệp phải bị động chờ người tiêu dùng tìm đến sản phẩm dịch vụ của mình, đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng 1 thương hiệu mạnh hay 1 kênh phân phối đủ lớn ngay từ đầu – vốn là rào cản rất lớn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Doanh nghiệp nói chung cần phải định hướng và cân nhắc chuyển hướng qua “Thương mại khám phá” để phục vụ thế hệ này. Thương mại khám phá ở đây là tiếp cận người tiêu dùng ở nơi họ dùng để tìm cảm hứng nhiều nhất, đó là mạng xã hội, tin nhắn và xem video. Doanh nghiệp cần xây dựng cơ sở hạ tầng, số hoá để phục vụ hoạt động kinh doanh trên những nền tảng nêu trên.
- Hành vi khám phá và cởi mở hơn với thương hiệu mới, với trang web bán hàng mới của người dùng giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều cơ hội tiếp cận và bán hàng hơn mà không bị ảnh hưởng bởi yếu tố địa lý. Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể cân nhắc tiến hành quảng bá sản phẩm và thương hiệu của mình để mở rộng thị trường trên toàn quốc.
- Doanh nghiệp cũng nên chú ý tập trung các các lý do mà người dùng sẵn sàng thay đổi sản phẩm hoặc thương hiệu quen thuộc của họ như: cung cấp sản phẩm chất lượng tốt hơn, đưa ra các lựa chọn về giá trị tương xứng với số tiền bỏ ra hoặc cung cấp các thương hiệu cao cấp khác thay thế.
Tải báo cáo Riding the Digital Wave tại: https://www.facebook.com/business/m/riding-the-digital-wave