Theo Bloomberg, ứng dụng nhắn tin mã hóa Telegram đã mất quyền kháng cáo trước Toà án Tối cao Nga, nơi công ty tìm cách ngăn chặn Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) truy cập vào dữ liệu người dùng.

Chính phủ Nga ra lệnh Telegram bàn giao khoá mã hoá của người dùng

Năm ngoái, FSB đã yêu cầu Telegram chia sẻ khóa mã hoá của mình nhưng đã bị từ chối, hậu quả là Telegram bị phạt 14.000 USD. Hôm nay, Thẩm phán Tòa án tối cao Alla Nazarova đã duy trì phán quyết đó và bác bỏ lời kháng cáo của Telegram. Công ty này cũng có kế hoạch kháng cáo phán quyết mới nhất.

Nếu Telegram không tuân thủ, công ty này có thể bị phạt tiền và thậm chí dịch vụ bị chặn ở Nga, đây đang là một trong những thị trường lớn nhất. Theo luật sư của Telegram, một phán quyết riêng của tòa án và hành động từ cơ quan truyền thông Roskomnadzor sẽ được yêu cầu để thực sự chặn dịch vụ này.

Năm 2016, Nga ban hành luật chống khủng bố, đòi hỏi các dịch vụ nhắn tin cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền khả năng giải mã thư tín của người dùng. Telegram đã thách thức quyết định này, nhưng FSB cho rằng việc truy cập vào các khoá mã hóa không vi phạm quyền riêng tư của người dùng, vì chúng không chứa thông tin về một cá nhân, và bất kỳ dữ liệu nào thu thập được bằng cách sử dụng khoá vẫn cần thông qua lệnh từ toà án.

Ramil Akhmetgaliev, luật sư của Telegram nói: “Lập luận của FSB rằng các khóa mã hóa không thể được coi là thông tin cá nhân được bảo vệ bởi Hiến pháp là thông minh. Nó giống như nói tôi có mật khẩu từ email của bạn, nhưng tôi không kiểm soát email của bạn, tôi chỉ là có khả năng kiểm soát.”

Gần đây Telegram đã huy động được 850 triệu USD để chuẩn bị tung ra một loại tiền mã hoá (giai đoạn ICO), và đang muốn tiến hành một cuộc bán đấu giá tư nhân với hy vọng thu về hơn 1,6 tỉ USD. Công ty đang đề xuất cái gọi là Telegram Open Network (TON), một hệ sinh thái tương tự như Ethereum với các ứng dụng, dịch vụ và cửa hàng cho hàng hoá kỹ thuật số và các mặt hàng thông dụng.

Theo TheVerge

Góc quảng cáo