Một tảng băng khổng lồ đã tách rời khỏi Nam Cực, đồng nghĩa với việc bản đồ thế giới sẽ cần phải được thiết kế lại. Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó…

Chúng ta sẽ phải vẽ lại bản đồ thế giới vì Nam Cực vừa mất một tảng băng khổng lồ
Bức ảnh chụp trên không vết nứt dọc theo thềm tảng băng Larsen C. (EPA / NASA / John Sonntag)

Theo Quartz, từ tháng Giêng năm nay, một tảng băng trôi khổng lồ dài 2.200 dặm vuông (5.698 km vuông), nặng gần một nghìn tỷ tấn đã bắt đầu trên đà vỡ tách khỏi thềm băng Larsen C ở Nam Cực. Vào thứ Tư (12/7), các nhà khoa học ở MIDAS, một dự án hợp tác nghiên cứu của Đại học Swansea và Đại học Aberystwyth ở Anh, đã xác nhận – một trong những tảng băng trôi lớn nhất của thềm băng Larsen C đã tách khỏi lục địa băng, và bây giờ nó đang trôi dạt vào vùng biển Weddell.

Adrian Luckman, nhà nghiên cứu tại Đại học Swansea làm việc cho Dự án MIDAS đã chia sẻ với tờ New York Times: “Phần thềm băng còn lại sẽ có kích cỡ nhỏ nhất từng được ghi nhận. Đây là một thay đổi rất lớn. Bản đồ sẽ cần phải được vẽ lại.”

Larsen C là thềm băng lớn thứ tư của Nam cực và trải dài khoảng 19.300 dặm vuông (hơn 31.000 km vuông). Kích thước này tương đương với nước Trinidad & Tobago. Tảng băng trôi tách khỏi thềm băng này chiếm khoảng 12% tổng khối lượng của nó.

Tin tốt là, tảng băng trôi này từ trước đã ở trong trạng thái trôi nổi trên đại dương, vì vậy nó sẽ không thực sự góp phần làm mực nước biển dâng. Tuy nhiên,theo như tờ Washington Post đưa tin, tảng băng trôi này là phần nối của nhiều thềm băng khác quanh lục địa. Giờ đây, khi tảng băng này biến mất, các nhà khoa học lo lắng rằng phần băng còn lại ở trên và xung quanh khu Nam Cực có nguy cơ trở nên lung lay.

Nếu không có sự bảo vệ của tảng băng ở phần rìa bên ngoài này,phần băng bên trong có nguy cơ tiếp xúc với vùng nước biển ấm hơn. Nếu đúng như vậy, có thể nhiều mảng băng nữa từ Larsen C sẽ dễ dàng bị tách ra hơn, làm cho băng trôi ra biển nhanh hơn. Trong thực tế, các tảng băng trôi nổi lên đại dương có thể làm tăng mực nước biển. Với mỗi 360 tỷ tấn băng trôi trên biển, mực nước biển trên toàn thế giới tăng lên 1 milimet. Cụ thể trong thế kỷ 20, mực nước biển trung bình tăng mỗi năm là 1,7 milimet.

Các nhà khoa học không thể khẳng định sự tách rời của các tảng băng trôi có liên hệ trực tiếp với sự biến đổi khí hậu hay không bởi vì sự vỡ ra của băng cũng là một quá trình tự nhiên. Nó phụ thuộc vào cả nhiệt độ của không khí và nước. Tuy vậy, thực tế là sự rạn nứt giữa các tảng băng trôi và thềm băng đang diễn ra liên tục hơn một cách khác thường – gần 8 dặm (13 km) chỉ trong bốn tuần của tháng 12. Cũng đáng lưu ý rằng,v ào lúc này thì Nam Cực đang ở thời điểm lạnh nhất của mùa đông.

YouTube video

Nguồn: VnReview

Góc quảng cáo