Các quan chức hàng đầu Nhà Trắng vừa có cuộc họp với một số hãng truyền thông xã hội hàng đầu của Mỹ. Nội dung chính là bàn về cách kiềm chế chủ nghĩa cực đoan trực tuyến. Đây được xem là động thái sau hai vụ xả súng hàng loạt diễn ra cuối tuần trước, khiến nhiều người ở Texas và Ohio (Mỹ) thiệt mạng.

Mỹ muốn các hãng truyền thông xã hội tạo ra công cụ dự đoán khủng bố và tấn công

Theo đó, đại diện các cơ quan lập pháp Mỹ đặt vấn đề với một số hãng truyền thông xã hội lớn như Facebook, Google, Twitter về công cụ có khả năng dự đoán các vụ khủng bố, xả súng hàng loạt bằng cách quét bài đăng, ảnh và video trên mạng xã hội. Theo kỳ vọng của Nhà Trắng, công nghệ mới sẽ đóng vai trò cảnh báo những cuộc tấn công tiềm tàng thông qua việc tổng hợp thông tin từ nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau, cũng như xác định sự cố từ trước khi xảy ra.

Tuy nhiên, lãnh đạo các hãng truyền thông đã bày tỏ nghi ngờ về tính khả thi của công nghệ Nhà Trắng đặt ra, đồng thời cho biết hệ thống như vậy sẽ làm tăng mối lo ngại về quyền riêng tư người dùng.

Cuộc họp này là một phần trong nỗ lực của Nhà Trắng nhằm ngăn chặn chủ nghĩa bạo lực cực đoan trực tuyến và chống tại họa kỹ thuật số toàn cầu. Cuộc họp diễn ra vài ngày sau vụ xả súng hàng loạt ở El Paso (Texas, Mỹ) khiến 22 người thiệt mạng – với sự tham dự của đại diện từ Amazon, Facebook, Google, Microsoft, Twitter. Kẻ khủng bố đã đăng tuyên bố chống Tây Ban Nha lên diễn đàn ẩn danh 8chan trước khi nổ súng tại một cửa hàng Walmart.

Sau vụ tấn công, Tổng thống Trump cho biết sẽ hợp tác với các cơ quan nhà nước và liên bang, những hãng truyền thông xã hội để phát triển công cụ có thể phát hiện những vụ khủng bố trước khi xảy ra. Quan chức Nhà Trắng yêu cầu các hãng công nghệ gửi đề xuất riêng trong vài tuần tới.

Judd Deere, phát ngôn viên chính phủ đã từ chối cung cấp thông tin cụ thể được thảo luận tại buổi họp. Tuy nhiên, trong bài viết đăng trên Twitter, ông nói thảo luận tập trung vào tận dụng công nghệ để xác định những mối nguy tiềm ẩn nhằm giúp mọi người phát hiện hành vi bạo lực và chống khủng bố trong nước.

Amazon, Facebook, Microsoft, Google và Twitter không phản hồi hoặc từ chối bình luận. Hiệp hội Internet Mỹ – một nhóm thương mại đại diện cho các công ty trên – cho biết buổi họp rất hiệu quả, các doanh nghiệp đã nói về cách họ chống lại chủ nghĩa cực đoan trực tuyến.

“Là doanh nghiệp công nghệ, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các ngành công nghiệp, chính phủ, thực thi pháp luật và một số bên liên quan khác để giải quyết những vấn đề thù ghét cực đoan trong xã hội”, Michael Beckerman – Giám đốc điều hành Hiệp hội Internet – cho biết.

Những hãng công nghệ tham dự nhấn mạnh công việc hiện tại của họ là phát hiện và xóa các bài đăng, hình ảnh và video chứa nội dung thô tục hoặc bất hợp pháp, như ngôn từ kích động thù địch, tuyên truyền khủng bố hoặc đe dọa bạo lực.

Facebook, Google và Twitter đã phải đối mặt với nhiều áp lực lớn trên toàn cầu, đặc biệt là sau khi video vụ khủng bố ở thành phố Christchurch (New Zealand) bị phát tán rộng rãi và mất kiểm soát trên Internet. Các nhà quản lý, cơ quan nhà nước đang lo ngại nền tảng của những công ty này là tiền đề cho các cuộc tấn công và truyền bá thuyết âm mưu trước khi thảm kịch xảy ra.

Theo The Washington Post

Góc quảng cáo