Giữa bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung đang căn thẳng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Nhà Trắng đang cân nhắc việc cấm các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc, đặc biệt là TikTok.
“Tôi không muốn nói ra trước khi tổng thống Donald Trump đưa ra tuyên bố, nhưng đó là điều chúng tôi đang xem xét”, Pompeo chia sẻ. Cụ thể, ông cho rằng chính quyền Bắc Kinh đang sử dụng TikTok như một công cụ tuyên truyền và giám sát người dùng. Ông nói những ứng dụng Trung Quốc sẽ được kiểm tra, rà soát cẩn thận.
Bên cạnh đó, ông cũng khuyến cáo người dùng không nên tải những ứng dụng và dịch vụ có nguồn gốc Trung Quốc nếu “không muốn thông tin cá nhân rơi vào tay chính quyền Bắc Kinh”. Nếu lệnh cấm được triển khai thì đây sẽ là một đòn mạnh giáng vào TikTok sau khi ứng dụng vừa bị cấm tại Ấn Độ, thị trường lớn nhất của mạng xã hội này.
Đáp lời, đại diện TikTok cho biết: “TikTok được lãnh đạo bởi một CEO người Mỹ, với hàng trăm nhân viên và các nhà lãnh đạo chủ chốt về an toàn, an ninh, sản phẩm và chính sách công tại Mỹ. Chúng tôi luôn ưu tiên cao việc tăng cường trải nghiệm ứng dụng an toàn và bảo mật cho người dùng. TikTok chưa bao giờ cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc, chúng tôi cũng sẽ không làm như vậy nếu bị yêu cầu”.
Theo CNN, các ứng dụng Trung Quốc đã thâm nhập sâu vào an ninh quốc gia, thương mại và công nghệ tại Mỹ. TikTok, mạng xã hội sở hữu của ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, đã nhiều lần bị các chính trị gia của Mỹ chỉ trích và cáo buộc nền tảng này đe dọa tình hình anh ninh quốc gia Mỹ. Họ nghi ngờ TikTok đang bị chính quyền Bắc Kinh gây áp lực, buộc hỗ trợ và hợp tác tình báo với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
TikTok đã nằm trong tầm ngắm của Mỹ từ năm ngoái. Sau đó, công ty đã cố gắng tạo niềm tin với chính phủ Mỹ bằng cách chuyển một phần máy chủ sang châu Âu, thuê Kevin Mayer, cựu giám đốc của Disney, làm CEO từ đầu năm nay. Công ty cũng cho biết các trung tâm dữ liệu của họ nằm hoàn toàn bên ngoài Trung Quốc và không có dữ liệu nào của họ tuân theo luật pháp của chính quyền Bắc Kinh.
TikTok tuyên bố dữ liệu người dùng Mỹ được lưu trữ tại chính nước này, kèm một bản sao lưu tại Singapore. Đại diện công ty nhấn mạnh rằng việc nước Mỹ lo ngại về an ninh quốc gia là một điều “không có cơ sở”.
Ứng dụng TikTok đã phát triển nhanh chóng và trở nên phổ biến tại Mỹ và một số nước phương Tây, thu hút đến 315 triệu lượt tải xuống trong ba tháng đầu năm, đạt kỷ lục nhiều lượt tải hơn bất kỳ ứng dụng nào khác trong lịch sử. Trước tuyên bố của ông Pompeo, TikTok vừa thông báo sẽ rút khỏi Hồng Kông, nơi đang đối mặt với làn sóng kiểm soát khắc nghiệt từ chính quyền Bắc Kinh, sau khi Trung Quốc ban hành luật an ninh quốc gia. Hãng từ chối bình luận thêm về quyết định này.
TikTok đã phải đối mặt với sự giám sát trên toàn thế giới. Tuần trước, ứng dụng vừa bị cấm tại Ấn Độ cùng với 58 phần mềm khác có nguồn gốc Trung Quốc. Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã leo thang sau cuộc đụng độ dọc biên giới Hy Lạp khiến 20 binh sĩ Ấn Độ hy sinh.