Motorola đã tố cáo lên toà án Chicago (Mỹ) rằng công ty Hytera của Trung Quốc đã cài gián điệp hai mang, đánh cắp công nghệ radio kỹ thuật số cho bộ đàm (walkie-talkies) của hãng.
Motorola khởi kiện Hytera từ năm 2017, cáo buộc doanh nghiệp Trung Quốc này đánh cắp công nghệ bí mật liên quan đến bộ đàm hai chiều – thiết bị chuyên dùng cho công nhân tiện ích, đội xây dựng và nhân viên trong trường học. Công nghệ này duy trì liên lạc ngay cả khi các trạm thu phát sóng ngừng hoạt động do thảm họa hoặc thiên tai.
Adam Alper – luật sư đại diện của Motorola – nói tại phiên tòa rằng công ty đã phát triển thành công bộ đàm hai chiều từ năm 1998, và đến một thập kỷ sau Hytera vẫn chưa thể theo kịp. Năm 2008, doanh nghiệp Trung Quốc này đã chiêu mộ ba kỹ sư của Motorola, trong đó có một nhân viên không trung thực. Người đàn ông đó đã được Giám đốc điều hành của Hytera mời về làm việc với lời hứa cho anh ta 600.000 cổ phiếu của công ty.
Trước khi nghỉ việc ở Motorola, anh ta đã tải và lưu trữ hàng ngàn tài liệu độc quyền, cố ý thu thập bí mật thương mại của công ty. Người đàn ông này đã mất ba tháng để tải xuống toàn bộ tài liệu và mã nguồn của công ty, và trong thời gian đó, phía Hytera cũng trả lương cho anh ta.
Các bí mật công nghệ Motorola bị đánh cắp gồm liên lạc rảnh tay, chức năng định vị, báo động khẩn cấp cho công nhân gặp nạn và khả năng kết nối người dùng điện thoại với một nhóm người dùng bộ đàm.
Alper nói trong phiên xét xử: “Phải mất hàng thập kỷ Motorola mới phát triển thành công các thiết bị liên lạc hai chiều, nhưng Hytera ‘đã xuất hiện và lấy đi tất cả’. Hytera cố tình đánh cắp công nghệ bí mật của Motorola để tạo ra các sản phẩm của riêng mình.”
Michael Allan – luật sư của Hytera – thừa nhận việc doanh nghiệp này đã tuyển dụng một số cựu nhân viên của Motorola – gồm cả người đàn ông được nhắc ở trên. Nhưng Allan cho rằng những thông tin Hytera được chuyển giao là không đáng kể. Theo ông, thay vì lập tức kiện người nhân viên đó ngay khi phát hiện, Motorola đã chờ đợi nhiều năm, đến khi Hytera trở nên thành công mới kiện để được bồi thường thiệt hại.
“Họ muốn mỗi USD mà Hytera kiếm được trong hoạt động kinh doanh bộ đàm từ năm 2010 và nhiều hơn nữa”, Allan nói.
Cuộc chiến giữa Motorola Solutions và Hytera diễn ra khắp nơi trên toàn cầu với nhiều vụ kiện pháp lý ở Mỹ, Trung Quốc, Đức và Úc. Khiếu nại về sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề chính trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Đây không phải lần đầu tiên có một công ty Mỹ kiện doanh nghiệp Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại. Phiên tòa với Thẩm phán quận Charles Norgle dự kiến sẽ kéo dài ít nhất ba tuần.
Theo Bloomberg