Xem nhanh
Nhìn chung, Google đã có một năm 2020 hoạt động tương đối ổn định nhưng cũng để lỡ nhiều cơ hội phát triển đột phá. Để năm 2021 thành công hơn, “gã khổng lồ Mountain View” cần tập trung nâng cấp những dự án bị bỏ quên như: Chromebook, máy tính bảng, Wear OS, trò chơi trên nền tảng đám mây… đồng thời có chính sách minh bạch hơn về quyền riêng tư để lấy lại lòng tin của người dùng.
Trong năm qua lĩnh vực điện thoại thông minh của Google có khá nhiều thay đổi thú vị. Trong đó, dòng Pixel vốn thuộc phân khúc cao cấp nay đã được chuyển thành sản phẩm tầm trung giá rẻ. Ngoài ra, Pixel 4a và 4a 5G cũng cho thấy “gã khổng lồ công nghệ Mỹ” dần tập trung nhiều vào giá thành sản phẩm.
Năm ngoái, Google cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu về kỹ thuật media streaming (phát trực tuyến đa phương tiện). Không chỉ tung ra phiên bản nền tảng chơi game đám mây Stadia miễn phí, hãng còn công bố “Chromecast with Google TV” để nâng cấp mảng phần cứng phát trực tuyến. Một số quyết định khác gây nhiều tranh cãi là: hợp nhất Play Music vào YouTube Music, chấm dứt gói lưu trữ ảnh Google Photo miễn phí trong năm 2021.
Mặt khác, chiến lược phát triển dịch vụ đa phương tiện của Google vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Thứ nhất, hãng không tập trung vào các sản phẩm Chrome OS. Thứ hai, năm 2020 công ty hoàn toàn không ra mắt mẫu Pixelbook hay Pixel Slate cao cấp nào. Lựa chọn duy nhất hiện tại chỉ là chiếc Pixelbook Go tầm trung phát hành tháng 12/2019. Trong khi đó, năm qua mảng laptop của Apple có khá nhiều khởi sắc với dự án máy Mac mới chuyển sang dùng chip Arm.
Bên cạnh phần cứng, năm qua Google đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và triển khai các ứng dụng truy vết COVID-19 trên toàn cầu. Nhiều vụ kiện đã diễn ra: Epic Games, cuộc điều tra của Ủy ban Châu Âu về thương vụ Fitbit, vụ kiện tập thể về việc theo dõi dữ liệu trong chế độ ẩn danh trên Chrome…
Bên cạnh đó, một số sản phẩm trong danh mục nhà thông minh đã giúp năm 2020 của “gã khổng lồ Mountain View” phát triển ổn định. Vậy chúng ta có thể trông đợi gì ở Google trong năm 2021?
Sự trở lại của những chiếc Pixel cao cấp
Dù Google Pixel 5 phát hành chưa lâu nhưng khá nhiều người dùng đang trông chờ Pixel 6. Pixel 4a 5G và Pixel 5 khác biệt quá nhỏ, khiến danh mục sản phẩm của Google trong năm 2020 hơi hạn hẹp. Pixel 5 sẽ có nhiều người đón nhận hơn nếu sản phẩm được trang bị phần cứng cao cấp. Bên cạnh đó, luôn có một lượng người dùng nhất định đang trông chờ một sản phẩm cao cấp khác, từ sau Pixel 4 XL. Tuy vậy việc này rất khó xảy ra vì Google đang tập trung nhiều vào giá thành sản phẩm. Rõ ràng là phân khúc tầm trung của công ty đã gặt hái được nhiều thành công hơn so với dòng cao cấp.
Nhiều ý kiến cho rằng Google chỉ cần nâng cấp thêm một chút về tính năng cho dòng Pixel mới là đã có thể cạnh tranh tốt với những mẫu flagship của các ông lớn công nghệ khác. Nếu Pixel 6 vẫn giữ được mức giá và tính năng hợp lý, nâng cấp thêm về camera – vốn là thế mạnh của Google – thì sẽ trở thành một sản phẩm đáng mong đợi.
Chromebook mới
Toàn bộ thị trường máy tính của Google, từ laptop đến tablet đều cần “lột xác”. Hiện tại, tablet Android của hãng vẫn còn kém xa so với iPad của Apple. Kể từ sau khi ra mắt Pixelbook, người dùng đã chờ đợi hơn 1 năm mà Google vẫn chưa phát hành sản phẩm mới. Chromebook không cần mỗi năm phải được nâng cấp lên phần cứng tiên tiến. Mặt khác, hai mẫu Pixelbook và Pixel Slate cao cấp đều bị phàn nàn vì giá quá cao. Vì vậy, một chiếc laptop mới được nâng cấp toàn diện là điều cần thiết trong năm 2021.
Nếu muốn đặt Chromebook ngang hàng với những mẫu laptop cao cấp khác, Google cần đưa chúng ra khỏi định kiến “nhồi nhét trình duyệt vào một chiếc máy”. Từ lâu Chromebook luôn bị đánh giá thấp vì chỉ dựa vào các dịch vụ đa dạng trong hệ sinh thái của Google. Ví dụ, nền tảng Stadia, gói dung lượng Drive lớn… Về cơ bản, chiếc laptop của Google vẫn thiếu một số ứng dụng quan trọng và chưa đáp ứng được nhiều yêu cầu như trên nền tảng của Apple hay Microsoft. Nếu giải quyết được những điểm yếu kể trên, người dùng sẽ đánh giá cao Chromebook hơn.
Nâng cấp toàn diện Wear OS
Wear OS được đánh giá là nền tảng tệ nhất của Google. Suốt năm 2020 hệ điều hành này gần như không phát triển. Nếu muốn thu hẹp khoảng cách với Apple Watch, Google cần có một hướng đi mới cho Wear OS ngay trong năm nay.
Nhìn chung nền tảng này không có thế mạnh nhất định, vừa thiếu tính năng vừa kém về mặt đánh giá sức khỏe. Wear OS cần được bổ sung những công cụ cần thiết để tạo ra một chiếc đồng hồ tuyệt vời, thay vì cứ tập trung vào việc phát hành bản vá lỗi.
Người dùng trông chờ chiếc đồng hồ thông minh toàn diện mang thương hiệu của Google đã rất lâu, nhưng có vẻ như kế hoạch này đang ngày càng trôi xa.
Có kế hoạch cụ thể về các nền tảng đa phương tiện và game
Ngoại trừ Stadia, Google còn đang phát triển một số nền tảng đa phương tiện khác như: YouTube Premium, Google TV… Tuy nhiên “gã khổng lồ công nghệ” lại chưa thực sự tập trung phát triển những dự án này, khiến cho mọi thứ trông rất lộn xộn.
Ví dụ như Chromecast with Google TV mới công bố gần đây. Không hiểu vì sao nó lại không được hỗ trợ Stadia. Google đã bỏ qua cơ hội hợp nhất hệ sinh thái đa phương tiện thành một sản phẩm toàn diện. Việc ra mắt thế hệ console mới cùng những tựa game liên tục phải cập nhật bản vá lỗi lên đến 50 GB đáng lẽ là cơ hội lớn để Stadia thu hút sự chú ý với một sản phẩm chỉ có giá từ 50 USD. Tuy nhiên Google lại một lần nữa từ bỏ thời cơ.
Tuy nhiên Chromecast with Google TV vẫn là một chiến lược đúng đắn. Thiết bị có thể tổng hợp nội dung chất lượng cao từ nhiều nguồn đang là điều mà ngành công nghiệp phát trực tuyến cần. Lẽ ra Google có thể tích hợp vào đó các tùy chọn phương tiện riêng nhưng đến hiện tại vẫn chưa thấy hãng cung cấp mô hình đăng ký cho Google TV, hoặc gói bao gồm các dịch vụ như b YouTube Music, Drive, Stadia…
Trên thực tế, những dịch vụ Google đang có thừa sức cạnh tranh với Amazon Prime và Apple One. Nếu công ty phát hành một số gói đăng ký gồm nhiều dịch vụ đa phương tiện từ lưu trữ ảnh, nghe nhạc cao cấp, chơi game đám mây… thì chắc chắn sẽ thu hút được nhiều đối tượng người dùng hơn.
Quyền riêng tư
Điều quan trọng nhất mà người dùng trông chờ ở Google trong năm nay chính là chính sách quyền riêng tư. Hiện tại Android 11 đã có một số tính năng tập trung vào bảo mật dữ liệu như: cấp phép ứng dụng, thiết lập quyền riêng tư cho Google Assistant… cùng một số chính sách mới về dữ liệu. Tuy nhiên, “gã khổng lồ tìm kiếm” vẫn còn đang âm thầm đọc email trong Gmail, lưu bản ghi âm giọng nói trong Assistant và theo dõi vị trí người dùng với cái cớ “cải thiện dịch vụ” nhưng thực tế là thu thập dữ liệu để phân phối quảng cáo. Và rõ ràng là người dùng có rất ít quyền kiểm soát vấn nạn trên.
Hiện tại Google phải đối mặt với rất nhiều vụ kiện cho thấy hãng chưa đáp ứng đụng kỳ vọng của người dùng về chính sách bảo mật dữ liệu. Dù không phải là công ty duy nhất bị chỉ trích vì không minh bạch với dữ liệu người dùng, nhưng với tư cách là một trong những hãng công nghệ lớn nhất thế giới, lẽ ra Google nên có động thái tích cực hơn để lấy lại lòng tin từ người dùng và các nhà lập pháp. Ví dụ, kiểm soát chặt chẽ các đối tác dữ liệu, cung cấp các tuỳ chọn quyền riêng tư rõ ràng và trực quan, phát hành công cụ đánh giá, hạn chế và xoá những dữ liệu đã thu thập.