Nghiên cứu gần đây cho thấy, một người trung bình ăn ít nhất 50.000 hạt vi nhựa (microplastic) mỗi năm và hít vào cơ thể một lượng tương đương.

Mỗi người nuốt 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm

Con số thực tế có thể cao hơn nhiều lần, vì chỉ một lượng nhỏ thực phẩm và đồ uống được phân tích và nghiên cứu. Các nhà khoa học báo cáo rằng uống nhiều nước đóng chai làm tăng nguy cơ tiêu thụ nhựa.

Hiện tại, chưa có nghiên cứu chứng minh tác động của vi nhựa lên sức khoẻ con người, tuy nhiên có thể chúng sẽ giải phóng các chất độc hại. Một lượng nhỏ sẽ xâm nhập vào mô, kích hoạt các phản ứng miễn dịch, gây các bệnh ho, cảm, dị ứng…

Ô nhiễm vi nhựa chủ yếu do sự phân hủy của rác thải, tình hình này diễn ra ở khắp nơi trên Trái Đất. Các nhà nghiên cứu tìm thấy microplastic ở khắp nơi: trong không khí, nước, ao hồ, đất, sông và cả những nơi sâu nhất ở đại dương.

Ngoài ra, vi nhựa còn được tìm thấy trong thức ăn và đồ uống như nước máy, nước đóng chai, hải sản, bia và cả trong phân người – theo mẫu phân tích đầu tiên hồi tháng 10 năm ngoái, xác nhận rằng con người đã ăn vi nhựa.

Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Journal of Environmental Science and Technology (Mỹ), lấy dữ liệu từ 26 nghiên cứu trước đó, đo hạt vi nhựa trong cá, động vật có vỏ, đường, muối, bia, nước, và cả trong không khí ở những thành phố lớn.

Sau đó, các nhà khoa học đã sử dụng hướng dẫn chế độ ăn uống của chính phủ Mỹ để tính toán lượng vi nhựa mà con người ăn trong một năm. Ước tính trung bình một người lớn ăn khoảng 50.000 hạt microplastic mỗi năm và khoảng 40.000 ở trẻ em.

Hầu hết thực phẩm và đồ uống chưa được thử nghiệm, nghiên cứu chỉ mới đánh giá 15% lượng calorie tiêu thụ. “Vẫn còn một lượng dữ liệu lớn cần được bổ sung đầy đủ”, Kieran Cox – trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Victoria (Canada) cho biết.

Nhiều thực phẩm khác như bánh mì, các sản phẩm chế biến, thịt, bơ sữa và rau cũng có thể chứa nhiều nhựa. “Nhiều khả năng sẽ có một lượng lớn hạt vi nhựa trong đó, có thể lên đến hàng trăm ngàn”, Cox cho biết.

Theo nghiên cứu, trung bình nước đóng chai chứa microplastic gấp 22 lần so với nước máy. Một người uống nước đóng chai sẽ tiêu thụ 130.000 hạt vi nhựa mỗi năm, so với 4.000 hạt trên nước máy.

Các nhà khoa học chưa rõ điều gì sẽ xảy ra khi hít phải microplastic. Nghiên cứu mới đây cho thấy hầu hết hạt nhựa hít phải sẽ đi vào cơ thể chứ không bị ho và hắt hơi đẩy ra ngoài. Nghiên cứu cũng ước tính rằng lượng vi nhựa này sẽ tăng thêm hàng chục ngàn hạt mỗi năm. Theo Cox, dù chưa có nghiên cứu cho thấy vi nhựa tác động đến sức khỏe nhưng khi microplastic quá lớn đi vào cơ thể vẫn mang tính rủi ro cao, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Các cố vấn khoa học của Ủy ban châu Âu cho biết trong một báo cáo vào tháng 4: Những bằng chứng về rủi ro sức khỏe và môi trường của microplastic là mối quan tâm nghiêm trọng cần đề phòng.

Họ kết luận: “Ngày càng nhiều bằng chứng khoa học về các mối nguy hiểm của ô nhiễm vi nhựa không được kiểm soát. Về bản chất, vi nhựa tồn tại lâu dài và khó phân hủy. Nên áp dụng các biện pháp hợp lý và để ngăn chặn việc phát tán vi nhựa”.

Cox cho biết nghiên cứu đã khiến ông thay đổi thói quen của chính mình. “Tôi cố gắng tránh xa bao bì nhựa và tránh sử dụng nước đóng chai tối đa. Việc loại bỏ nhựa sử dụng một lần khỏi cuộc sống tác động không hề nhỏ đến môi trường. Con người đã sản xuất ra rất nhiều nhựa, tất nhiên những hạt microplastic sẽ ở lại trong các hệ sinh thái mà chúng ta đang sống”, Cox giải thích.

Theo The Guardian

Góc quảng cáo