Mục lục bài viết
Ngày nay, miếng dán màn hình đã trở nên đa dạng, phổ biến, mọi người đều có thể mua và tự dán ở nhà. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách chọn loại phù hợp với thiết bị và nắm rõ các bước dán.
Hiện nay có ba loại bảo vệ màn hình thông dụng gồm PET, TPU và kính cường lực cùng hai phương pháp dán là khô và ướt. Bài viết dưới đây sẽ phân tích các ưu, nhược điểm của từng loại và hướng dẫn cụ thể các bước dán màn hình.
PET (polyetylen terephthalate)
PET là loại nhựa có nhiều biến thể, áp dụng trong những lĩnh vực khác nhau, ví dụ trong ngành công nghiệp sản xuất, nhựa PET được dùng để sản xuất chai lọ và hộp đựng thực phẩm. Miếng dán màn hình PET được phủ màng polyester và lớp mờ chống trầy xước ở mặt trên, mặt dưới là keo silicon để tăng độ bền.
Nhược điểm của chất liệu này là không có tán dụng bảo vệ màn hình khi va đập, khả năng chống trầy xước không cao và vì là nhựa nên miếng dán dễ bị biến màu theo thời gian, nhất là khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Dù vậy, loại miếng dán này vẫn được nhiều người sử dụng vì giá rẻ, phù hợp với những dòng điện thoại đời cũ, màn hình chỉ cần được bảo vệ cơ bản.
TPU (thermoplastic polyreuthane)
TPU là loại nhựa nhiệt dẻo, đã được biến đổi cấu trúc hóa học nên có nhiều đặc tính tốt hơn nhựa PET, gồm chống trầy xước, độ đàn hồi và dẻo dai, có khả năng kháng dầu mỡ… Vì có tính đàn hồi nên miếng dán TPU có thể “tự phục hồi” những vết xước nhỏ trên bề mặt sau một thời gian.
Miếng dán TPU là sự lựa chọn tốt hơn so với PET vì có khả năng bảo vệ thiết bị trước những tác động bên ngoài. Hơn nữa, loại miếng dán này trông đẹp và cho cảm giác dễ chịu khi chạm vào. Tất nhiên giá của miếng dán TPU sẽ mắc hơn một chút.
Kính cường lực
Đây là lựa chọn tốt và phổ biến nhất hiện nay dành cho smartphone. Kính cường lực có nhiều lớp, thường bắt đầu bằng màng silicon chống sốc ở dưới cùng, tiếp theo là màng PET. Sau đó đến lớp kết dính quang học để kết hợp hai lớp trước với hai lớp tiếp theo là kính cường lực và lớp phủ oleophobic.
Kính cường lực có độ mỏng vừa phải (dưới 0,4mm) cùng những ưu điểm như chống sốc, giảm trầy xước, kháng dầu mỡ. Ngoài ra, miếng dán này còn có độ truyền ánh sáng tốt giúp hiển thị rõ hơn, chống phản xạ và giảm độ chói; lớp phủ oleophobic hạn chế lưu lại dấu vân tay trên màn hình, cho cảm giác mịn màng khi chạm vào và kháng được cả những vết xước nhẹ.
Kính cường lực là miếng dán màn hình đắt nhất trong ba loại nhưng lại được nhiều người lựa chọn vì có thể bảo vệ được màn hình điện thoại khi vô tình rơi hoặc va đập. Thay vì phải tốn nhiều tiền để thay màn hình, người dùng chỉ cần thay kính cường lực mới.
Cách sử dụng miếng dán màn hình
Có hai phương pháp dán miếng bảo vệ màn hình là dán khô và dán ướt. Rất ít người tự dán màn hình ở nhà vì ngại dán sai, làm hỏng miếng dán và phải tốn tiền mua lại. Tuy nhiên thực tế công việc này lại khá dễ thực hiện và bất kỳ ai cũng có thể làm được. Bạn chỉ cần đọc kỹ và làm đúng theo hướng dẫn sử dụng.
Phương pháp dán khô
Cách này cố định miếng dán vào màn hình bằng lực hút tĩnh điện, không có chất kết dính. Bạn cần lưu ý đặt thiết bị ở nơi sạch sẽ, không có bụi. Phòng tắm sau khi tắm xong là một nơi lý tưởng để dán màn hình vì hơi nước sẽ đảm bảo không có bụi xung quanh.
Bước 1: Lau màn hình thật sạch. Hầu hết các miếng dán hiện nay đều có kèm theo khăn lau đặc biệt và cả miếng dán để loại bỏ các hạt bụi còn sót lại. Bạn có thể soi đèn dể kiểm tra thật kỹ các góc cạnh trên bề mặt màn hình.
Bước 2: Ốp thử miếng dán với màn hình, bóc màng nhựa phủ trên miếng dán và căn chỉnh thật khớp với màn hình trước khi dán. Nếu lỡ dán lệch, bạn có thể nhẹ nhàng gỡ ra và thử lại.
Bước 3: Khi trên màn hình xuất hiện bong bóng khí, hãy dùng một mảnh vải mềm quấn quanh mép thẻ tín dụng (hoặc mảnh nhựa tương tự) và miết từ giữa màn hình về phía cạnh.
Phương pháp dán ướt
Thực tế phương pháp này không khác biệt nhiều so với dán khô. Tuy nhiên trước khi đặt miếng dán lên màn hình, bạn cần bôi chất kết dính đi kèm theo sản phẩm lên màn hình. Tùy thuộc vào thương hiệu và loại miếng dán bạn chọn mà phương pháp dán và làm khô sẽ hơi khác một chút.