Sau điều tra của Financial Times, Microsoft vừa âm thầm gỡ bỏ bộ cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt MS Celeb, chứa hơn 10 triệu hình ảnh của khoảng 100.000 người, phần lớn được lấy từ các nguồn công khai trực tuyến.
Những hình ảnh này tập hợp từ nhiều công cụ tìm kiếm được công bố năm 2016, chuyên dùng thử nghiệm và đào tạo cho những hệ thống nhận dạng khuôn mặt trên toàn thế giới, như các trung tâm nghiên cứu quân sự và nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chuyên phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt như SenseTime và Megvii.
Theo Financial Times, bộ dữ liệu này có vấn đề đạo đức, dễ bị lợi dụng cho những mục đích xấu và liên quan đến cuộc trấn áp của chính phủ Trung Quốc với người Hồi giáo tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên Microsoft khẳng định: “Trang web này chỉ phục vụ cho mục đích nghiên cứu, được điều hành bởi một nhân viên cũ của Microsoft và hiện đã bị xóa”.
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt thường được ứng dụng hàng ngày trong tác vụ mở khóa điện thoại, gắn thẻ bạn bè trên mạng xã hội như Facebook… Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại nhiều lo ngại về quyền riêng tư, vì những tiến bộ của trí tuệ nhân tạo, sự phổ biến của máy ảnh hiện nay làm cho việc theo dõi hoạt động cá nhân trở nên quá dễ dàng.
New York Times đưa tin hồi tháng Tư, chính phủ Trung Quốc đã sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt để theo dõi và kiểm soát 11 triệu người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) – một dân tộc thiểu số theo đạo Hồi ở nước này. Chính quyền đã triển khai mạng lưới camera giám sát, tìm kiếm dựa trên khuôn mặt, sau đó theo dõi và bắt giữ họ.
Tháng 12 năm ngoái, Microsoft đã kêu gọi ban hành luật riêng cho công nghệ nhận dạng khuôn mặt, yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt để đảm bảo tính xác thực và ngăn chặn nguy cơ lạm dụng. Tuy nhiên Financial Times nói nhiều người không biết mình có mặt trong bộ dữ liệu của Microsoft, một số khác chưa hề đồng ý công khai hình ảnh của họ. Các chuyên gia bảo mật cho rằng MS Celeb đã vi phạm Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung (GDPR).
Theo Cnet