Ngoài Microsoft và IDC, tham gia thực hiện còn có hơn 1.600 nhà lãnh đạo doanh nghiệp và hơn 1.580 người lao động của 15 thị trường khu vực Châu Á Thái Bình Dương, với kết quả dựa trên 3 phương diện: xã hội, thương mại và kinh tế.
Đối tượng cuộc khảo sát là lãnh đạo doanh nghiệp thuộc công ty có từ 250 nhân viên trở lên, và là người có quyền quyết định về hoạt động kinh doanh cũng như chiến lược số. Doanh nghiệp thuộc các ngành bao gồm nông nghiệp, cơ khí, giáo dục, dịch vụ tài chính, y tế, sản xuất, bán lẻ, viễn thông/truyền thông và chính phủ.
Trong khi đó, người lao động là người có hiểu biết về trí thông minh nhân tạo và không có vai trò quyết định trong doanh nghiệp. Với 15 thị trường Châu Á Thái Bình Dương gồm: Úc, Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.
Tại sao lại là trí thông minh nhân tạo AI?
5 yếu tố kinh doanh quyết định việc đưa công nghệ AI vào ứng dụng trong doanh nghiệp là (theo thứ tự ưu tiên): tương tác tốt hơn với khách hàng (26% đáp viên chọn yếu tố này đầu tiên), nâng cao ưu thế cạnh tranh (19%), biên lợi nhuận (18%), thúc đẩy sáng tạo (15%) và năng suất làm việc (9%).
Ông Victor Lim, phó chủ tịch IDC Châu Á/Châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Năm ngoái, tổ chức ứng dụng AI đã nhìn thấy sự gia tăng từ 18-26% trong các yếu tố nói trên. Các doanh nghiệp cũng dự đoán sự gia tăng này sẽ tăng ít nhất 1,8 lần trong 3 năm tiếp theo, đặc biệt trong 2 lĩnh vực thúc đẩy sáng tạo và nâng cao ưu thế cạnh tranh.”
Mặc dù có đến 80% nhà lãnh đạo doanh nghiệp đồng ý rằng, AI là chìa khóa mang lại ưu thế cạnh tranh. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 41% các tổ chức trong khu vực đã bắt đầu hành trình ứng dụng AI. Ưu thế cạnh tranh của những tổ chức này ước tính sẽ tăng 100% vào năm 2021.
“Ngày nay, công ty nào cũng là công ty phần mềm, và theo xu hướng gia tăng, mỗi tương tác sẽ đều là số hóa. Để thành công, các tổ chức cần phải nhanh chóng trong việc ứng dụng công nghệ mới, đồng thời xây dựng khả năng số của riêng mình”, ông Phạm Thế Trường, tổng giám đốc Microsoft Việt Nam chia sẻ. “Chậm chân trong hành trình ứng dụng AI, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế sẽ đánh mất những lợi thế cạnh tranh chỉ dành riêng cho những tổ chức tiên phong ứng dụng.”
Doanh nghiệp cần chú ý đến rào cản kỹ năng
62% các lãnh đạo doanh nghiệp và 66% người lao động tin rằng AI sẽ giúp họ làm công việc hiện tại một cách hiệu quả hơn, hoặc giảm thiểu những công việc có tính chất lặp lại. “Liên quan đến vấn đề việc làm, 18% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng AI sẽ tạo ra thêm các việc làm mới, 15% cho rằng công nghệ này sẽ thay thế các việc làm hiện tại. Kết quả khảo sát ở người lao động lại tích cực hơn với chỉ 5% cho rằng AI sẽ thay thế việc làm hiện tại, 13% cho rằng AI sẽ tạo ra thêm các việc làm mới.”,ông Lim cho biết.
Trong khi đó, 20% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nói việc học hỏi và trau dồi kỹ năng số cho người lao động là khó khăn. Tuy nhiên, cũng theo khảo sát, chỉ có 14% người lao động cho rằng đây là thử thách đối với họ.
Ba kỹ năng được các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho là cần có trong tương lai bao gồm: kỹ năng định lượng và phân tích, kỹ năng số, cũng như khả năng thích ứng và tư duy liên tục học tập. Nhu cầu cho những kỹ năng trên hiện đang cao hơn nguồn cung.
Tại Việt Nam, Microsoft đầu tư 3 triệu đô Mỹ năm 2015 để giúp rút ngắn khoảng cách kỹ thuật số. Tập đoàn đã liên kết với các tổ chức địa phương và tổ chức phi lợi nhuận để trang bị kỹ năng số cho những thanh thiếu niên khó khăn, thông qua chương trình đào tạo, giáo dục tại nhiều tỉnh và thành phố.
Qua nhiều chương trình khác nhau, đã có hơn 150.000 tuổi trẻ Việt được đào tạo, với 70-90% nhận được việc làm sau khi tham dự chương trình hướng nghiệp. Một trong những dự án nổi bật đó là “Con thuyền mơ ước”, lớp học công nghệ và khoa học máy tính di động dành cho những trẻ em sống ở vùng sâu vùng xa.
Ngoài ra, chương trình Future Ready được Microsoft phối hợp tổ chức hàng năm với các cơ sở giáo dục và tổ chức phi lợi nhuận. Nhằm phổ cập và tăng cường học tập khoa học máy tính đối với học sinh, sinh viên. Đồng thời xây dựng và nâng cao khả năng giảng dạy của giáo viên.
Trong vòng 1 năm tới, sẽ có gần 700.000 học sinh, sinh viên, đặc biệt là những trẻ có hoàn cảnh khó khăn sẽ có cơ hội theo đuổi ước mơ trong ngành công nghệ. Đồng thời, sẽ có hơn 26.000 giáo viên đủ tiêu chuẩn giảng dạy môn khoa học máy tính chất lượng cao tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Khảo sát này cũng chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá cao kỹ năng mềm hơn những gì người lao động nghĩ. Các khoảng cách kỹ năng lớn nhất bao gồm: khả năng thích ứng và liên tục học hỏi (chênh lệch 7 điểm), lãnh đạo và quản lý (chênh lệch 7 điểm), tinh thần làm chủ và chủ động (chênh lệch 6 điểm).
Theo Microsoft