Thế giới phát triển theo xu hướng toàn cầu hóa khiến cho nhiều nền văn hóa địa phương dần bị mai một. Trước mối đe dọa đó, Microsoft đã triển khai chương trình sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để lưu giữ và bảo tồn di sản văn hóa nhân loại.

Microsoft dùng công nghệ AI bảo tồn văn hóa nhân loại

Công nghệ hiện đại sẽ ngày càng đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa. Bên cạnh những ưu điểm nhất định như nền kinh tế phát triển, thị trường tài chính mở rộng, dễ dàng hội nhập với nền văn hóa quốc tế… thì quá trình này lại là nguyên nhân chính dẫn đến sự mai một của những giá trị văn hóa địa phương, nhiều loại ngôn ngữ đang dần biến mất và bị thay thế bằng các phương thức giao tiếp phổ biến hơn.

Trong khi cộng đồng đang lo ngại rằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là “dấu chấm hết” cho lịch sử vì chứa nhiều tham vọng của con người thì Microsoft lại vừa công bố dự án AI for Good – sử dụng công nghệ AI để lưu giữ và bảo tồn nền văn hóa toàn cầu trước sự đe dọa của quá trình toàn cầu hóa. Ngoài ra, còn có một số ý tưởng khác tập trung vào các vấn đề môi trường, nhân đạo.

Ngôn ngữ là một phần quan trọng trong lịch sử văn hóa nhân loại. Theo nghiên cứu của UNESCO, một phần ba ngôn ngữ trên thế giới đang có dưới 1.000 người sử dụng và cứ sau hai tuần lại có một ngôn ngữ biến mất. Khoảng 50-90% ngôn ngữ có nguy cơ bị “tuyệt chủng” vào thế kỷ tới, đồng nghĩa thế giới sẽ mất đi nhiều phương thức kết nối với quá khứ”.

Chương trình bảo tồn di sản văn hóa của Microsoft sẽ sử dụng công nghệ AI hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận, trường học và cơ quan chính phủ để bảo tồn ngôn ngữ, địa danh và những hiện vật lịch sử.

Microsoft đã chi 125 triệu USD trong 5 năm để phát triển trí tuệ nhân tạo vì mục đích này. Tuy nhiên đây chỉ là một phần trong các dự án văn hóa mà hãng hợp tác và triển khai trong những năm gần đây. Điển hình như dùng chương trình Microsoft Translator để bảo tồn hai ngôn ngữ Yucatec Maya và Querétaro Otomi đang bị đe dọa biến mất ở Mexico.

Microsoft cũng làm việc với bảo tàng Met ở New York (Mỹ) để dùng công nghệ AI lưu trữ bộ sưu tập nghệ thuật lên mạng Internet. Quá trình này gồm số hóa, phân loại và gắn thẻ hàng triệu tác phẩm.

Ngoài ra, gã khổng lồ sở hữu hệ điều hành Windows còn hợp tác với hai công ty khác tạo ra mô hình 3D toàn bộ đảo Mont-Saint-Michel (Normandie, Pháp) nổi tiếng – với hàng trăm công trình kiến trúc cả tự nhiên lẫn nhân tạo, nhằm tôn vinh giá trị lịch sử và văn hóa quan trọng của nước Pháp. Du khách có thể trải nghiệm công nghệ này qua kính thực tế ảo HoloLens tại bảo tàng Musée des Plans-Reliefs (Paris, Pháp).

Những dự án này đã củng cố niềm tin rằng công nghệ AI sẽ sớm được áp dụng rộng rãi, giúp cộng đồng truy cập và khám phá nền văn hóa nhân loại một cách dễ dàng hơn thông quá các trải nghiệm được Microsoft chia sẻ.

Theo ZDNet

Góc quảng cáo