Mark Zuckerberg đang áp dụng những chính sách cho Facebook tương tự cách Bill Gates làm với Microsoft: Nếu không thể đánh bại, hãy tìm mọi cách để huỷ diệt đối thủ.
Facebook có được thành tích mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay, một phần lớn (không ai khác) là nhờ vào Mark Zuckerberg. Nhìn vào những bước đi, chiến lược mà vị CEO đang đặt ra cho “đứa con” Facebook của mình, người ta nhận ra rằng Zuckerberg đang trên con đường trở thành một Bill Gates thứ hai.
Nhìn lại lịch sử Microsoft, dưới sự lãnh đạo của Gates, Microsoft nổi tiếng là một công ty có “sứ mệnh” phải chiến thắng bằng mọi giá. Từ các ứng dụng văn phòng cho đến trình duyệt web, Microsoft muốn mình là kẻ đứng đầu.
Nếu có bất kỳ hãng nào nổi lên muốn cạnh tranh, hãng tìm cách mua lại. Nếu không mua lại được, Microsoft sẽ bắt tay vào phát triển một sản phẩm cạnh tranh mạnh mẽ với đối thủ. Microsoft sẽ bán sản phẩm này cho một nền tảng người dùng rất lớn của mình và giành chiến thắng.
Giờ đây, chúng ta đang nhìn thấy lịch sử lặp lại, nhưng lần này CEO Facebook là Mark Zuckerberg bước vào và đóng vai trò của Gates. Sự lặp lại này được thấy rõ khi nhìn vào phản ứng của Facebook với Snapchat, ứng dụng mạng xã hội đang lên và muốn cạnh tranh với Facebook.
Bản cáo bạch mà Snap (công ty đằng sau Snapchat) đăng ký mới đây cho cuộc IPO 3 tỷ USD, tiết lộ những áp lực mà Facebook và công ty con Instagram đã tạo ra cho mảng kinh doanh của Snapchat.
Quay trở lại thời điểm tháng 8/2016, Facebook ra mắt Instagram Stories – về cơ bản là một dịch vụ nhái tính năng Stories của Snapchat (nhái ngay cả tên gọi). Cùng lúc đó, Snapchat không có tăng trưởng về lượng người dùng trong nửa cuối 2016. Snap đổ lỗi cho tình trạng này là do các sai sót về kỹ thuật, tuy nhiên, người ta có quyền hoài nghi về kết luận đó.
Hồi tháng 1/2017, Instagram Stories cũng đã được Facebook thử nghiệm bên trong ứng dụng Facebook chính trên di động. Đây là động thái có thể đã giúp cho mạng xã hội này lôi kéo được một lượng người dùng từ đối thủ, và cùng với việc mở rộng Instagram Stories vào tháng 8, Snapchat đã liên tiếp chịu 2 đòn tấn công từ 1 địch thủ vốn đã mạnh hơn họ rất nhiều.
Có thể nói, những gì Zuckerberg đã làm rất giống với những gì Bill Gates từng làm tại Microsoft, và điều đó biến Mark Zuckerberg trở thành một kiểu mẫu lãnh đạo giống với nhà sáng lập hãng phần mềm. Hai người có một triết lý chung rất rõ ràng: Nếu không thể đánh bại hay thu nhận, hãy đè bẹp, huỷ diệt đối thủ của mình. Trong một phát biểu cách đây 4 năm, chính Zuckerberg cũng thừa nhận rằng, thần tượng hồi nhỏ của anh ta chính là Bill Gates chứ không phải là Steve Jobs hay bất kỳ ai khác.
Zuckerberg từ lâu đã “đau đầu” với những gì Snapchat làm được. Năm 2013, khi Snapchat vẫn còn đang rất mới mẻ, Facebook tìm cách mua lại startup này với giá 3 tỷ USD tiền mặt. Tuy nhiên, nỗ lực mua lại thất bại khi Snapchat từ chối số tiền khổng lồ này. Một tháng sau đó, Facebook tung ra Poke, một tính năng nhái Snapchat.
Poke không thu được thành công và cả tính năng kế nhiệm của nó là Slingshot (ra mắt năm 2014). Nhưng với các ứng dụng này, thông điệp Facebook gửi tới Snapchat là rất rõ ràng: Không có gì Snapchat có được mà Facebook không thể lấy đi, và không có gì Snapchat phát triển được mà Facebook không làm được.
Lợi thế của nền tảng
Trong thời kỳ của Bill Gates, lợi thế của Microsoft chính là “những lợi thế về nền tảng”. Microsoft sở hữu Windows và Office, 2 phần mềm “phải có” với bất kỳ người dùng nào để làm việc trên máy tính những ngày đó. Điều này giúp Microsoft dễ dàng tích hợp sâu các sản phẩm mới vào Office và Windows, và đó là lợi thế của hãng so với các công ty bên thứ ba.
Bản thân Facebook cũng là một nền tảng. Hưởng lợi từ thực tế này, tính năng nhắn tin trên Facebook có thể dễ dàng tách riêng thành một ứng dụng độc lập. Instagram, ứng dụng ảnh mà Facebook thâu tóm, cũng thu được thành công trong khi các ứng dụng chia sẻ ảnh khác thất bại – một phần nhờ nó được tích hợp sâu với Facebook. Người dùng Facebook khi cần tới 1 ứng dụng chia sẻ ảnh sẽ không ngần ngại chọn Instagram, và đó là lý do vì sao ứng dụng hiện đã có tới 600 triệu người dùng tích cực hàng tháng.
Như vậy, nhờ tích hợp Stories vào Instagram, Facebook đang “vay mượn” các tính năng chính của đối thủ và phát hành rộng rãi cho lượng người dùng khổng lồ của mình. Sản phẩm và công nghệ có thể khác so với những gì Microsoft giới thiệu những năm 90, thế nhưng chiến lược chung là hoàn toàn tương tự. Kết quả là Facebook đang bắt đầu kiếm được tiền từ Stories của Instagram, còn CEO của công ty thì đang trở thành một Bill Gates thứ hai trong tương lai không xa.
Nguồn: ICTnews