Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), các doanh nghiệp nước ngoài chuyên cung cấp dịch vụ mạng xã hội, đặc biệt là Facebook và Google, đang tác động mạnh đến xã hội nhưng lại chưa tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, Vì vậy, cần có những điều khoản cụ thể để thắt chặt quản lý.

Bộ TT&TT đang đề nghị sửa đổi Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Theo đó, các mạng xã hội mỗi tháng có từ 1 triệu người tương tác trở lên hoặc có tối thiểu 10.000 người sử dụng thường xuyên bắt buộc phải nộp hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động.

Tất cả mạng xã hội sắp phải xin giấy phép hoạt động tại Việt Nam, kể cả Facebook, Google

Cụ thể, những doanh nghiệp sở hữu mạng xã hội có lượng tương tác lớn chỉ được phép hoạt động khi có giấy phép thiết lập mạng xã hội do cơ quan nhà nước Việt Nam cung cấp. Với những mạng xã hội có lượng tương tác thấp, doanh nghiệp phải có văn bản thông báo với cơ quan quản lý và được cơ quan này xác nhận lại bằng văn bản.

Trong dự thảo Nghị định 72/2013 đã phân loại các loại mạng xã hội cụ thể như sau: mạng xã hội có lượng tương tác lớn là nền tảng có từ 1 triệu người tương tác/tháng trở lên, hoặc có tối thiểu 10.000 người đăng ký sử dụng thường xuyên mỗi tháng; mạng xã hội có lượng tương tác thấp là nền tảng có dưới 1 triệu người tương tác/tháng.

Bộ TT&TT cho biết sẽ có công cụ đo cụ thể trên từng mạng xã hội để theo dõi lượng người tương tác thường xuyên. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ rà soát và có văn bản yêu cầu nộp hồ sơ đề nghị cấp phép với các mạng xã hội có lượng người tương tác từ 1 triệu người/tháng trở lên hoặc có tối thiểu 10.000 người sử dụng thường xuyên mỗi tháng (tùy thuộc vào điều kiện nào đạt được trước).

Tất cả mạng xã hội sắp phải xin giấy phép hoạt động tại Việt Nam, kể cả Facebook, Google

Điều đáng lưu ý trong dự thảo Nghị định mới là chỉ các mạng xã hội được cấp phép mới có thể cung cấp dịch vụ phát trực tiếp (livestream) và có quyền thu phí sử dụng dịch vụ dưới mọi hình thức. Trước đó, vào tháng 8/2019, báo cáo của Bộ TT&TT quy định chỉ những tài khoản định danh mới được phép livestream trên Facebook. Cũng trong báo cáo này, Bộ TT&TT đã yêu cầu Facebook có chính sách tiền kiểm và phải gỡ ngay những quảng cáo chính trị phát tán tin giả khi Chính phủ Việt Nam đề nghị.

Tính đến hết tháng 12/2019, Việt Nam có 614 mạng xã hội được cấp phép, trong đó những mạng xã hội có từ 1 triệu người dùng trở lên chỉ chiếm dưới 10%. Theo thống kê, có khoảng 60 triệu người Việt Nam dùng Facebook và gần 35 triệu người sử dụng YouTube.

Theo Bộ TT&TT, các loại hình thông tin trên mạng Internet, nhất là mạng xã hội, đang ngày càng phong phú và đa dạng. Càng phát triển, những nền tảng này càng lộ ra nhiều hạn chế và khoảng trống pháp lý cần bổ sung và hoàn thiện. Bộ cũng cho biết có một số doanh nghiệp đã lợi dụng giấy phép mạng xã hội để cung cấp nhiều dịch vụ trên cùng nền tảng, trong đó có dịch vụ truyền hình, thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến…, gây khó khăn cho việc quản lý.

Góc quảng cáo