Mục lục bài viết
Ngày nay mua sắm trực tuyến đã trở thành xu hướng và thói quen của nhiều người, từ những món đồ nhỏ lẻ đến đồ điện tử, xe cộ… Tuy nhiên các chuyên gia bảo mật khuyến cáo nên cẩn trọng trong việc thanh toán trực tuyến vì quá trình này tiềm ẩn nhiều rủi ro mất thông tin cá nhân và cả tiền bạc.
Càng mua sắm trực tuyến nhiều, thông tin cá nhân và thẻ tín dụng của bạn càng được lưu trữ ở nhiều dịch vụ thanh toán khác nhau. Chính điều này đã mở ra những chiến dịch tấn công mạng và đánh cắp thông tin. Tất nhiên cần thường xuyên thay đổi mật khẩu để tránh rủi ro, nhưng bên cạnh đó bạn cũng nên xem xét lại cách mua sắm trực tuyến để tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ tiềm ẩn. Và vấn nạn này đang có xu hướng gia tăng kể từ sau khi dịch COVID-19 bùng phát.
Theo thống kê từ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), chỉ tính riêng tại nước này trong năm nay, người dùng đã mất gần 60 triệu USD vì bị gian lận và lừa đảo, trong đó có đến 13% do mua sắm trực tuyến. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa.
Theo dõi thông tin thẻ tín dụng
Số lượng nhà bán lẻ trực tuyến đang ngày càng gia tăng một cách nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bắt kịp xu hướng, bổ sung hình thức thanh toán trực tuyến để người dùng có thể tự do lựa chọn hình thức mua sắm phù hợp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng để tâm đến vấn đề bảo mật thông tin người dùng.
“Mọi người cần theo dõi kỹ tài khoản của mình, đặc biệt với những giao dịch một lần, bạn nên xóa tài khoản, số thẻ tín dụng, thông tin cá nhân ngay sau khi mua hàng”, Mark Ostrowski, chuyên gia an ninh mạng tại công ty phần mềm Check Point, khuyến cáo.
Bạn cần đảm bảo rằng mình biết tất cả mọi trang web đã nhập thông tin thẻ tín dụng và nhớ xóa thông tin, dữ liệu sau khi hoàn tất quá trình thanh toán. Một số trình duyệt phổ biến thường tích hợp sẵn trình quản lý mật khẩu với những trang web đã đăng nhập, bạn có thể sử dụng công cụ này để quay lại các trang từng đăng nhập và xóa tất cả những thông tin riêng tư trên đó.
Một số trình quản lý mật khẩu khác như LastPass hoặc Dashlane, với khả năng lưu trữ tất cả mật khẩu, tự động điền vào các trang web hoặc thậm chí tạo mã số tạm thời để bạn không phải nhập mật khẩu, cũng có thể hỗ trợ bảo vệ dữ liệu cá nhân dễ dàng hơn.
Nên cân nhắc về việc mua sắm trực tuyến
Khi nói đến mua sắm trực tuyến, thẻ tín dụng (credit card) sẽ tốt hơn so với thẻ ghi nợ (debit card), vì không được liên kết trực tiếp với tài khoản ngân hàng. Bạn có thể giảm tối đa mức thiệt hại bằng cách sử dụng thẻ tín dụng hạn mức thấp để thực hiện các giao dịch mua sắm trực tuyến.
Một số ngân hàng và công ty thẻ tín dụng có cung cấp số thẻ giao dịch một lần cho khách hàng để họ dùng thanh toán một lần khi mua sắm trực tuyến, không cần nhập số thẻ tín dụng thật để tránh mất mát tài khoản. Nhiều dịch vụ thanh toán số phổ biến như PayPal cũng cho phép bạn mua hàng mà không cần nhập thông tin thẻ trên nhiều trang web.
Thận trọng khi duyệt web
Tội phạm mạng thường xuyên giả mạo những thương hiệu và công ty nổi tiếng để thực hiện hành vi lừa đảo dưới nhiều hình thức khác nhau như: gửi email về những chương trình giảm giá, thư đề nghị cung cấp thông tin… kèm theo một đường dẫn độc hại mà bạn sẽ bị tấn công ngay khi nhấp vào. Đây là một trong những hình thức lừa đảo đơn giản và phổ biến nhất, tuy đã tồn tại rất lâu và được cảnh báo thường xuyên nhưng nhiều người dùng vẫn vô tình bị mắc lừa. Cách tốt nhất để tránh rơi vào bẫy của kẻ xấu là gõ địa chỉ trang web trực tiếp trên trình duyệt thay vì nhấp vào liên kết không đáng tin cậy.
Theo Ostrowski cho biết, những thương hiệu tên tuổi như Apple, Netflix, Paypal và eBay rất thường xuyên bị mạo danh trong những chiến dịch lừa đảo và khuyến cáo mọi người cẩn trọng. Ngoài ra, bạn cũng cần kiểm tra kỹ xem những trang web đang nhập thông tin thanh toán có được mã hóa bằng “https” hay không. Một số trang vẫn có biểu tượng ổ khóa, tượng trưng cho trang web được mã hóa nhưng trên thực tế lại sử dụng giao thức mã hóa giả hoặc cố gắng lừa bạn bằng cách thêm biểu tượng giả ở đúng vị trí ổ khóa.
Các chuyên gia bảo mật cũng cảnh báo không nên mua sắm trực tuyến bằng mạng Wi-Fi công cộng vì thiếu an toàn và rất dễ bị khai thác thông tin. Nếu bạn không ở nhà thì nên sử dụng mạng di động khi cần thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, các công ty an ninh mạng cũng khuyến cáo nên sử dụng một địa chỉ email duy nhất dành để mua sắm trực tuyến, điều này sẽ giúp tránh được những cuộc tấn công được ngụy trang dưới hình thức email tiếp thị.
Theo Ostrowski, thông tin cá nhân vẫn có thể bị lộ ngay cả khi ngừng mua sắm. Trên thực tế, ít ai ngờ rằng dữ liệu riêng tư của mình đang rò rỉ khắp nơi trên Internet, nhất là với các nhà bán lẻ trực tuyến. Trong 6-8 tháng kể từ lần cuối cùng mua sắm trực tuyến, những thông tin của bạn vẫn tiếp tục được lưu trữ trong nhiều hệ thống thanh toán. Rõ ràng người dùng cần thận trọng theo dõi quá trình duyệt web, nhất là với những trang web từng thực hiện việc thanh toán trực tuyến.