Một tác giả người Nhật đã thực hành lối sống tối giản, cắt giảm vật chất đến mức thấp nhất có thể và thu được kết quả bất ngờ.
Sau khi cắt giảm hầu hết vật dụng cần thiết để thử làm giàu thêm trải nghiệm sống, một nhà văn sống tại Tokyo đã quyết định phổ biến rộng rãi hơn về lối sống tối giản này và được đông đảo giới trẻ Nhật Bản hưởng ứng.
Fumio Sasaki – tác giả kể trên nói: “Tôi đã bị sốc khi nhận ra rằng tôi có thể sống với lượng vật dụng tiết chế đến mức tối đa.”
Sasaki, năm nay 36 tuổi và đang làm việc cho một nhà xuất bản. Anh sống trong căn hộ chỉ rộng 20 mét vuông với vài bộ quần áo và một chiếc sofa giường. Khi cần, anh sẽ nhét chiếc sofa giường vào tủ quần áo và khiến căn phòng hầu như trống rỗng. Sasaki mua nhiều sách, nhưng anh sẽ cho hết đi ngay khi đọc xong.
Trong quá khứ, căn hộ của Sasaki đã từng là một kho chất đầy sách, nhạc cụ, đĩa CD, ngoài ra còn có một chiếc ti vi màn hình rộng và hàng loạt quần áo thời trang.
“Tôi đã mua nhiều sách nhưng không đọc, bày nhạc cụ quanh nhà nhưng không chơi và tốn tiền cho quần áo mà không mặc. Thế nhưng tôi vẫn cứ tiếp tục mua về những thứ ở nhà chưa có,” Sasaki chia sẻ. Khi tìm hiểu và thực hành chủ nghĩa tối giản, Sasaki mới nhận ra anh đã “bị vật chất kiểm soát.”
Nhịp sống của Sasaki đã hoàn toàn thay đổi khi anh bắt đầu cắt giảm đồ đạc. “Bây giờ nếu đọc một cuốn sách, tôi sẽ tập trung vào nó tốt hơn. Tôi cũng có thể làm việc hiệu quả hơn,” anh nói. Tiền vốn dùng để mua đồ đạc, Sasaki chuyển sang tiết kiệm và chi cho việc du lịch.
Anh Sasaki cũng đã xuất bản cuốn sách về lối sống tối giản dưới góc nhìn của riêng mình. Cuốn sách rất thu hút độc giả ở độ tuổi 20-30 và nhanh chóng trở thành một hiện tượng tại Nhật.
Kota Ito – một nhà sản xuất âm nhạc tự do 26 tuổi thậm chí còn thực hành lối sống tối giản gắt gao hơn. Trong căn hộ của anh chỉ có một chiếc laptop, một chiếc máy ảnh kỹ thuật số và một chiếc điện thoại. Toàn bộ nhu yếu phẩm thường nhật Ito nhét hết vào một chiếc ba lô. Hàng ngày, Ito chỉ mặc duy nhất một bộ quần áo. “Tôi thậm chí còn không cần có nhà,” anh chia sẻ.
Căn hộ của anh Fumio Sasaki.Ito dành phần lớn thời gian để đi vòng quanh nước Nhật và du lịch nước ngoài. Tại đất khách, anh sẽ ở trong những khách sạn giá rẻ và làm việc kiếm tiền thông qua mạng Internet. Anh nói rằng: “Lối sống tối giản giúp tôi có thêm nhiều thời gian suy ngẫm và làm phong phú trí tưởng tượng.”
Một nhân viên 29 tuổi giấu tên đang làm việc cho công ty chứng khoán tại Osaka cũng theo đuổi lối sống tối giản vì: “Tôi đã quá mệt mỏi với cuộc chạy đua xe hơi hạng sang, đồ điện tử cao cấp và những thứ vật chất khác.” Từ khi sống tối giản, anh chỉ dành thời gian rảnh để xem các buổi hòa nhạc của ban nhạc yêu thích.
Phong cách tối giản cũng thu hút được các doanh nghiệp. Satoru Imamura – một cựu nhân viên ngân hàng đang đứng đầu một tổ chức tư vấn cho hơn 100 doanh nghiệp trên toàn nước Nhật cách loại bỏ những vật dụng không cần thiết trong công sở theo đúng tinh thần của chủ nghĩa tối giản.
Một công ty in ấn ở Kyoto đã triệt để áp dụng nguyên tắc do Satoru Imanura tư vấn để dẹp bỏ hết những vật dụng dư thừa chỉ trong hai tuần. Việc loại bỏ này giúp công ty tăng thêm 30% doanh thu và lợi nhuận hàng năm.
Các công ty cũng có thể tăng sự tập trung bằng cách cắt giảm đồ đạc, giống như một cá nhân vậy. “Việc sở hữu quá nhiều đồ đạc không mang lại giá trị gì nữa,” Imamura nói.
Tham khảo: daikynguyen